Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: "Mẹ ơi! con hối hận lắm"

Thúy Diễm

(Dân trí) - Cậu học trò lớp 6 tại Đắk Lắk tỏ ra hối hận khi nằm trên giường bệnh với bàn tay không còn lành lặn, cơ thể chi chít các vết thương từ vụ nổ do tự chế tạo pháo.

Tàn tật do tò mò học chế tạo pháo theo mạng xã hội

Tại khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị cho 5 trẻ nhỏ độ tuổi học sinh bị thương tích do pháo nổ. 

Nằm trên giường bệnh, em Quốc Anh (12 tuổi, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Krông Năng - tên học sinh được thay đổi) hối hận chỉ vì tò mò, học theo cách chế tạo pháo trên mạng xã hội khiến phải cắt bỏ một phần ngón tay.

Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: Mẹ ơi! con hối hận lắm - 1

Học theo cách chế tạo pháo trên mạng và bị phát nổ, nam sinh lớp 6 đau đớn khi mất đi một phần cơ thể (Ảnh: Thúy Diễm).

Quốc Anh lí nhí kể, em đã xem cách người khác chế tạo pháo nổ nhiều lần trên TikTok và bắt chước làm để nổ cho… vui tai. Quốc Anh dùng điện thoại di động của bố, lên mạng xã hội đặt mua các chất nổ và "hàng" nhanh chóng được giao tận tay cho cậu bé với giá chỉ 100.000 đồng.

Trưa 14/12, Quốc Anh cùng 2 người bạn học tự chế tạo pháo tại nhà riêng thì thuốc phát nổ khiến cả 3 đều bị thương tích. Cả 3 chạy ra đường gào khóc, cầu cứu người thân đưa đi cấp cứu.

"Cháu biết mình dại dột khi học theo cách chế tạo pháo, cháu rất buồn và rất đau đớn. Cháu sẽ không bao giờ đụng vào những vật nổ như vậy nữa", Quốc Anh hứa.

Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: Mẹ ơi! con hối hận lắm - 2

Cả 3 học sinh ở Đắk Lắk chạy ào ra đường cầu cứu sau khi pháo tự chế phát nổ (Ảnh: Cắt từ clip).

Mẹ của Quốc Anh cho biết, đang vào mùa thu hoạch cà phê nên vợ chồng bà suốt ngày ở nương rẫy và có để điện thoại của chồng ở nhà cho tiện liên lạc, nhắc nhở con cái đi học, ăn uống đúng giờ.

"Tôi không biết cháu nó đã dùng điện thoại của bố để đặt mua chất nổ, sự việc xảy ra rất đau lòng. Đây sẽ là bài học sâu sắc cho những người làm cha làm mẹ như chúng tôi", mẹ Quốc Anh nói.

Thấy mẹ khóc, Quốc Anh nói: "Mẹ ơi! Con hối hận lắm mẹ đừng khóc nữa...".

Cùng nằm tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là trường hợp của em Tuấn (14 tuổi, học sinh Trường THCS Chu Văn An, huyện Ea H'leo - tên nạn nhân được thay đổi) bị tai nạn thương tích nghi do pháo nổ vào tối 18/12.

Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: Mẹ ơi! con hối hận lắm - 3

Nhiều vụ tai nạn thương tích do pháo nổ (Ảnh: Thúy Diễm).

Tuấn nhập viện trong tình trạng đa thương tích, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái, khâu xử lý vết thương vùng mắt và trên cơ thể có hàng chục vết thương lớn nhỏ khác nhau. Sau ca phẫu thuật, Tuấn vẫn chưa tỉnh táo để nói chuyện.

Mẹ Tuấn đôi mắt thất thần sau một đêm dài mất ngủ. Người phụ nữ này vẫn chưa hoàn hồn khi chứng kiến những thương tích trên cơ thể con.

Người mẹ nói: "Khoảng 18h ngày 18/12, vợ chồng tôi qua nhà hàng xóm chơi và con trai ở nhà một mình. Tôi rời khỏi nhà tầm 10 phút thì nghe tiếng nổ chát chúa phát ra ở nhà mình, vợ chồng tôi hớt hải chạy về và chứng kiến người con đầy vết thương tích. Tôi nhờ hàng xóm gọi xe đưa con đi cấp cứu".

Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết, trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị tai nạn thương tích do pháo nổ, chủ yếu là các học sinh.

Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: Mẹ ơi! con hối hận lắm - 4

Nhiều hậu quả nặng nề do học sinh tự chế pháo nổ (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo bác sĩ Trực, thời điểm diễn ra tai nạn pháo nổ nhiều nhất vào mùa hè và các dịp cận Tết Nguyên đán. Qua thăm khám, các bệnh nhân thừa nhận đã tìm tòi, rủ rê nhau học trên mạng xã hội rồi mua thuốc nổ về chế tạo pháo.

"Tai nạn do pháo nổ thường để lại hậu quả rất nặng nề, tàn tật suốt đời, đa số bị thương tích tứ chi, phần mắt… Hiện tại các cháu còn nhỏ, chưa ý thức hết được sự nguy hiểm, ảnh hưởng tương lai nặng nề từ việc chế tạo pháo", bác sĩ Trực cho hay.

Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình khuyến cáo các cháu nhỏ tuyệt đối không tò mò, bắt chước chế tạo pháo hay đặt mua vật nổ từ mạng xã hội để chơi.

Công an quyết liệt ngăn chặn

Thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 15-19/12, lực lượng công an đã phát hiện 24 vụ với 46 đối tượng liên quan đến vật liệu nổ, pháo.

Công an thu giữ hơn 210kg pháo, 195 viên pháo tự chế các loại, 27kg tiền chất chế tạo pháo nổ (KCIO3, lưu huỳnh, bột than, Natri...). Trong số này, có 10 vụ với 28 học sinh liên quan đến việc tự chế tạo pháo để sử dụng và bán cho các bạn sử dụng.

Cơ quan công an đã kịp thời phát hiện nhiều vụ học sinh chế tạo pháo nổ tại địa bàn huyện Ea Súp, huyện Cư Kuin, thành phố Buôn Ma Thuột... 

Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk phối hợp ngăn chặn các vụ việc liên quan đến pháo.

Vụ 3 học sinh chạy ra đường cầu cứu: Mẹ ơi! con hối hận lắm - 5

Công an Đắk Lắk bắt quả tang học sinh cấp 2 tự học chế tạo pháo (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành đã  tuyên truyền, cảnh báo, tuy nhiên tình trạng học sinh tự học làm theo trên các trang mạng xã hội để chế tạo pháo trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có trường hợp tử vong hoặc tàn tật suốt đời (cụt tay, cụt chân, mù mắt,...).

Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tự chế tạo pháo nổ trong học sinh các trường học.

Đồng thời, đề nghị ngành giáo dục có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu không triển khai, thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dẫn đến xảy ra các vụ việc tai nạn pháo nổ ở học sinh của học sinh.

Yêu cầu 100% nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết chấp hành các quy định để phòng ngừa các hành vi vi phạm về pháo nổ.