Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Đằng sau kỳ thi cạnh tranh nhất của Ấn Độ là một vòng luẩn quẩn nợ nần và sự phân biệt đối xử mang tính hệ thống với các nhóm thiểu số.

Dành cả đời để ôn thi công chức

Nằm ở trung tâm thủ đô, cách Văn phòng Thủ tướng chưa đầy 5km, Rajendra Nagar là nơi những giấc mơ vụt tắt. Mỗi năm, có hàng chục nghìn người đổ về khu phố đông đúc này từ khắp đất nước để chuẩn bị cho một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Nhiều người mang theo tất cả số tiền tiết kiệm cả đời của gia đình cùng với hy vọng con em có cơ hội giành được "tấm vé vàng" của Ấn Độ - trở thành một công chức quyền lực.

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 1
Yashbir Rohilla đã dành gần 10 năm để chuẩn bị cho kỳ thi công chức (Ảnh: VICE).

Tháng 6 vừa qua, 685 người Ấn Độ trong tổng số 500.000 người dự thi đã vượt qua kỳ thi công chức sau thời gian chuẩn bị dài đằng đẵng như cả đời. Cơ hội thành công của họ rất thấp - chưa đến 0,2%.

Được chia thành 3 giai đoạn - sơ khảo, thi chính thức và phỏng vấn, kỳ thi kéo dài trong 9 tháng. Các ứng viên phải vượt qua mọi vòng thi với điểm tích lũy cao mới có thể quyết định liệu họ có lọt vào danh sách những công chức có quyền lực của Ấn Độ hay không.

Ở Ấn Độ, việc vượt qua hàng chục bài kiểm tra và phỏng vấn công chức mang lại uy tín lớn cho mỗi người. Bên cạnh quyền lực trong bộ máy, nó cũng khiến người ta có giá trị hơn trong việc tiến tới hôn nhân.

Gần đây, một người đàn ông giả mạo là công chức đã yêu cầu của hồi môn 40 triệu rupee (khoảng 1,2 tỷ đồng), trong khi một công chức khác suýt đánh vợ vì cảm thấy của hồi môn của cô ấy không phù hợp với "cấp bậc và tầm vóc" của người này.

Tuy nhiên, theo trang VICE, phân tích danh sách những người lọt vào vòng chung kết kỳ thi trong 15 năm qua cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: số lượng của nhóm thiểu số trong lực lượng công chức đã giảm dần. Hơn thế nữa, các nhóm thiểu số ngày càng không vượt qua được kỳ thi nhiều vòng tốn kém với tỷ lệ thành công quá thấp.

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 2
Bên trong tầng hầm của trung tâm ôn thi tại Rajendra Nagar, New Delhi (Ảnh: VICE).

Những người Hồi giáo vượt qua kỳ thi đã giảm 3-5% trong vòng 20 năm qua. Mặc dù người Hồi giáo chiếm 15,5% dân số Ấn Độ và ngày càng nhiều người Hồi giáo tham gia kỳ thi này kể từ năm 2007. Kỳ thi năm 2021 cho thấy kết quả tồi tệ nhất cho cộng đồng này trong hơn một thập kỷ qua - không có ứng cử viên Hồi giáo nào lọt vào danh sách 100 người đứng đầu, trong khi thông thường, ít nhất sẽ có 2-3 người làm được điều này. Năm 2020, trong tổng số 761 ứng cử viên được chọn, chỉ có 25 người theo đạo Hồi (4%).

Lý do được đưa ra là giáo trình cồng kềnh đòi hỏi nhiều năm ôn luyện căng thẳng và tốn kém. Các ứng viên người Dalit hoặc Hồi giáo không nói tiếng Anh là những người gặp nhiều khó khăn trong kỳ thi này. Theo một báo cáo từ Đại học Oxford, 1/3 người Dalit và người Hồi giáo ở Ấn Độ là người nghèo. Ngược lại, chỉ có 15% người theo đạo Hindu là người nghèo.

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 3
Tài liệu ôn thi được bày bán trên phố (Ảnh: VICE).

"Cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ đang tụt hậu về tất cả các thông số kinh tế xã hội và điều tương tự cũng được phản ánh trong kết quả của kỳ thi công chức", Mohammed Tarique - Giám đốc Học viện Huấn luyện dân cư (RCA) của Đại học Jamia Milia Islamia, cũng là nơi đào tạo ra người có điểm thi cao nhất năm nay chia sẻ.

Rajendra Nagar cung cấp các khóa huấn luyện về địa lý, khoa học, vật lý, luật, lịch sử, các vấn đề quốc tế và đạo đức. Muốn ghi danh vào một trung tâm đào tạo tiếng Anh có uy tín ở Rajendra Nagar, người học phải tốn gần 24.000 USD/năm (khoảng 558 triệu đồng) và tiền thuê một căn hộ dùng chung với diện tích khiêm tốn là 200 USD/người - mức chi phí mà nhiều người khó có khả năng chi trả.

Tanwar - một ứng viên Hồi giáo 30 tuổi đến từ Delhi - cho biết: "Mặc dù Ủy ban là một cơ quan hiến pháp và tự trị, luôn có trường hợp một ứng cử viên Hồi giáo sẽ được hỏi những câu hỏi hầu như chỉ liên quan đến danh tính của họ". Tanwar nói thêm rằng tất cả những người Hồi giáo mà anh biết đến được vòng phỏng vấn đều có trải nghiệm này.

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 4
Nhiều người thất nghiệp và được giới thiệu các công việc bán ảnh khiêu dâm (Ảnh: VICE).

"Nếu tôi trở thành một công chức cấp cao thì lòng trung thành duy nhất của tôi là với hiến pháp. Vậy tại sao tôi lại bị đánh giá từ lăng kính đức tin của mình? Tại sao tôi lại được hỏi những câu hỏi về việc đàn ông Hồi giáo có 4 vợ, 3 lần ly hôn và hàng trăm thứ khác? Đức tin của tôi có liên quan đến cách tôi làm việc như thế nào?", anh thắc mắc.

"Điều này hoàn toàn phá vỡ niềm tin của những người theo đạo Hồi vì chúng tôi thực sự muốn phục vụ đất nước. Trong một kỳ thi mà điểm đủ điều kiện dưới 50% thì mọi điểm đều rất quan trọng".

Cuộc đua khốc liệt và vòng xoáy nợ nần

Dù người Hồi giáo là nhóm tôn giáo lớn nhất của Ấn Độ, nhưng không có luật nào đảm bảo rằng họ sẽ được tham gia vào mọi chuyện, từ cơ quan nhà nước cho đến giáo dục.

Vidhi là một ứng cử viên 23 tuổi, thuộc tầng lớp ít đặc quyền theo đạo Hindu. Trong căn phòng nhỏ của cô ở Rajendra Nagar, những chồng sách về chính thể Ấn Độ, địa lý, vật lý và lịch sử cổ đại xếp dọc các bức tường. 6 tháng sau khi Vidhi từ Mumbai đến Rajendra Nagar, tiền của cô đã cạn kiệt. Tiền thuê nhà "đắt cắt cổ", ngoài ra cô còn phải mua sách vở và ăn uống.

"Tôi thực sự phải xây dựng một cuộc sống mới cho bản thân và tôi thậm chí không thể kiếm được việc làm ngay lập tức. Có những ngày tôi thực sự không biết mình sẽ sống sót như thế nào vào hôm sau", cô nói.

Những người như Vidhi rơi vào vòng xoáy nghèo đói, trừ khi họ tìm được những cách khác để kiếm tiền để tiếp tục theo đuổi các kỳ thi.

Khi cô chia sẻ về tình trạng khó khăn của mình với một người bạn thì được khuyên rằng có thể làm công việc bán ảnh khiêu dâm, với khuôn mặt được che mờ.

Bất chấp những nỗ lực mà nhóm thiểu số như Vidhi đã gắng hết sức, chỉ có một ứng viên đạt điểm trên 200 trong số 761 ứng viên vào năm 2020. Điểm số này là tiêu chuẩn quan trọng để lọt vào danh sách cho một vị trí cao hơn.

Khi một ứng cử viên Hindu ít đặc quyền trở thành công chức họ thường phải đối mặt với sự giám sát và quấy rối vì giai cấp. Năm 2015, khi Tina Dabi - một người Dalit đứng đầu trong kỳ thi tuyển công chức thì các trang tin cánh hữu cho rằng cô đã nhận được "điểm thưởng" vì thuộc giai cấp kém may mắn. Năm 2019, một cựu quan chức chính phủ chia sẻ trước truyền thông rằng: "Chủ nghĩa giai cấp vẫn đang tồn tại trong xã hội và các dịch vụ dân sự chỉ là một bức tranh vi mô mà thôi".

Sự phân biệt đối xử như vậy đã trở nên phổ biến đến mức người đứng đầu một lĩnh vực của chính quyền thành phố Delhi gần đây đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban dịch vụ dân sự không tiết lộ giai cấp của ứng viên cho hội đồng phỏng vấn của kỳ thi để đảm bảo họ có cơ hội công bằng.

Akhil Kang - Tiến sĩ, ứng cử viên từ khoa Nhân chủng học của Đại học Cornell (Mỹ) nói rằng, ngay cả đến giai đoạn phỏng vấn của kỳ thi công chức cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều ứng viên Dalit.

"Đây là vấn đề chung, nếu bạn lọt được vào vòng phỏng vấn thì có thể bạn là người duy nhất trong cộng đồng của bạn. Ngay cả trong lịch sử của trường Cornell, tôi là ứng cử viên Dalit đầu tiên và duy nhất trong khoa nhân chủng học.

Vì vậy, với các ứng viên thuộc tầng lớp trên, hầu hết họ đều đã có cha mẹ hoặc người thân của họ trong các cơ quan công chức. Đặc quyền giữa các thế hệ và trải nghiệm đi kèm với nó sẽ luôn mang lại lợi ích cho họ".

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 5

Chồng qua đời vì tai nạn giao thông một tuần sau đám cưới và với Damanjeet Kaur, kỳ thi công chức là cách duy nhất để cô thoát khỏi những lời đàm tiếu độc địa (Ảnh: VICE).

Shyam Meera Singh đến từ một thị trấn nhỏ ở bang Uttar Pradesh, nghĩ rằng, kỳ thi công chức sẽ là tấm vé giúp gia đình anh thoát khỏi những tai ương. Anh tâm sự: "Cha tôi đã dành dụm được 1.000 USD trong quỹ hưu trí, và ông đã cho tôi tất cả số tiền đó khi tôi chuyển đến Delhi. Tôi đã sống chật vật đến mức có những ngày trong túi không hề có một xu nào. Việc học của tôi hầu như đều được chi trả bởi các khoản vay và kỳ thi công chức cũng thế. Sự khác biệt là tôi không muốn dừng lại mà muốn đi đến cùng".

Trớ trêu thay, bất kỳ thành công nào cũng đều phải trải qua rất nhiều thử thách. "Nếu bạn hoàn thành một trong ba giai đoạn của kỳ thi công chức bạn sẽ có được tự tin để bắt đầu lại mọi thứ, nhưng đồng thời bạn cũng tiếp tục rơi vào vòng xoáy nợ nần mà thôi".

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 6
Còn với Shyam Meera Singh, kỳ thi công chức đã rút kiệt tài chính và niềm tin của anh (Ảnh: VICE).

Nhiều ứng viên và gia đình bị nợ nần bủa vây vì "giấc mơ bất khả thi". Có người dành từ 5-7 năm để ôn thi. Trong khoảng thời gian đó họ thất nghiệp và không phát triển được các kỹ năng nghề nghiệp khác. Reetika Bansal vẫn kiên trì theo đuổi kỳ thi vì mọi thứ quá nặng nề để có thể từ bỏ.

"Tại thời điểm này, việc dừng tham gia kỳ thi công chức không nằm ở bản thân tôi mà là bố tôi. Ông ấy đã hy sinh cho tôi rất nhiều, nên tôi không thể nào từ bỏ được", Bansal nói.

Cha của Singh dành tiền tiết kiệm cả đời cho con, còn cha của Reetika Bansal lại chi trả cho giấc mơ công chức bằng cách vay vốn.

Bansal khổ tâm nói: "Ngôi nhà của chúng tôi thậm chí không có dây điện để lắp máy nước nóng. Tôi đã 28 tuổi rồi mà vẫn chưa thể giúp gì được cho cha tôi vì bản thân đang bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn thi công chức".

Vòng luẩn quẩn đằng sau một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới - 7

Nhiều ứng viên đăng ký học tại các thư viện để có thể tập trung hơn (Ảnh: VICE).

Có những người cuối cùng cũng vượt ra khỏi vòng luẩn quẩn, mặc dù đã không còn tận hưởng được cảm giác chiến thắng về mặt thành tích. Sharma cuối cùng giành được thứ hạng cao trong kỳ thi công chức của bang, sau gần 7 năm thất bại.

"Mọi thứ vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi không có các công chức như tôi. Tôi nhận ra sớm rằng mình chỉ là một răng cưa nhỏ bé trong một bánh xe. Khi vào Rajendra Nagar, mọi người đều nhìn thấy chúng tôi đang đuổi theo một giấc mơ vĩ đại. Vì vậy, chúng tôi tự huyễn hoặc bản thân vào việc chứng minh quan điểm đó trong suốt phần đời còn lại của mình", Sharma đúc kết.

Theo www.vice.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm