Kỳ thi “khắc nghiệt nhất trong đời” của học viên bác sĩ nội trú VinUni
(Dân trí) - Để trở thành những học viên bác sĩ nội trú (BSNT) đầu tiên của trường Đại học VinUni, 19 ứng viên xuất sắc đã trải qua kỳ thi được mô tả là “khắc nghiệt nhất trong đời”.
Kỳ thi cũng cho thấy cách tuyển sinh và đào tạo mang tính đột phá của trường đại học tinh hoa, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ BSNT tại Việt Nam.
Cửa hẹp từ lúc nộp hồ sơ
Trở thành BSNT là ước mơ của mọi sinh viên ngành Y nhưng không phải ai cũng có thể chạm tới bởi đây được xem là “cuộc đua” giữa những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Mỗi năm, chỉ có 5 - 10% sinh viên y khoa tốt nghiệp đủ điều kiện thi BSNT và mỗi người cũng chỉ được thi một lần duy nhất trong đời, ngay trong năm tốt nghiệp đại học.
Theo BS. Nguyễn Văn Lành, học viên BSNT khóa I của VinUni, không phải ai cũng có hồ sơ đủ “bề dày” để đáp ứng các điều kiện mà trường đại học tinh hoa đưa ra. Cựu sinh viên Trường Đại học Tân Tạo từng tham gia và có nhiều nghiên cứu được công bố tại các hội thảo quốc tế uy tín như: Hội thảo về can thiệp tim mạch tại Busan, Hàn Quốc (2017), Hội nghị tim mạch thế giới Trường Thành tại Trung Quốc (2019), hay Đại hội Tim mạch toàn quốc (2018). Không những thế, vị bác sĩ sinh năm 1996 còn là đồng tác giả của gần chục bài báo khoa học và sách chuyên ngành về y khoa.
Cùng sở hữu bảng thành tích đáng mơ ước, tốt nghiệp Đại học Wyoming (Mỹ) chuyên ngành Vi sinh trước khi trở về Việt Nam theo học ngành Y, BS. Nguyễn Văn Việt Thắng cho rằng VinUni đào tạo BSNT theo chương trình chuẩn của Đại học Pennsylvania (xếp hạng 16 thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds 2021 và là nơi có trường Y lâu đời và danh tiếng nhất nước Mỹ), giảng viên chính trong chương trình cũng là các bác sĩ đầu ngành đến từ Mỹ nên ngay từ vòng nộp hồ sơ đã đòi hỏi ứng viên phải là người toàn diện, từ năng lực chuyên môn, tiếng Anh đến tư duy và hành động.
“Vòng hồ sơ chiếm tới 30% số điểm nên tôi đã phải đầu tư rất nhiều cho bài luận bằng tiếng Anh. Phải giới thiệu được mình là ai, có mục tiêu và định hướng nghề nghiệp rõ ràng ra sao. May mắn là tôi có nền tảng về Vi sinh và có lợi thế về tiếng Anh sau 4 năm học tại Mỹ”, tân học viên BSNT VinUni chia sẻ.
Khó nhất trong mọi kỳ thi
Trong số gần 250 ứng viên đủ điều kiện nộp hồ sơ, sau sàng lọc, chỉ có 73 người được bước vào vào vòng thứ 2 - thi IFOM (International Foundations of Medicine) nhằm đánh gíá kiến thức và kỹ năng của một bác sĩ xem có đạt theo chuẩn quốc tế hay không.
IFOM do Hội Kiểm tra chất lượng Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (NBME) tổ chức. Đây cũng là đơn vị tổ chức kỳ thi USMLE nhằm tìm kiếm người nước ngoài đạt chuẩn Mỹ để phục vụ cho nền y tế của xứ cờ hoa.
Từng tham gia nhiều kỳ thi cả ở Việt Nam và Mỹ, BS. Nguyễn Văn Việt Thắng vẫn phải thốt lên “Đây là kỳ thi khó nhất từ trước đến nay”. Đề thi do NBME ra và đánh giá gồm 160 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài trong 4 tiếng liên tục. Cả 160 câu đều là các ca lâm sàng, đòi hỏi thí sinh phải đưa ra chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm hoặc phác đồ điều trị chính xác chứ không phải lý thuyết suông.
“Với thời gian 4 tiếng, chỉ đọc đề thôi đã không đủ, nên ngoài kiến thức sâu rộng về tất cả các lĩnh vực thì phải có kinh nghiệm và chiến lược làm bài”, BS. Việt Thắng cho biết.
Là người đạt điểm IFOM cao nhất, nằm trong top 1% thế giới (khi so sánh với hơn 5.600 thí sinh khắp thế giới tham gia thi IFOM trong 5 năm qua), BS. Lương Mộng Vũ Ánh cũng phải “hoảng” khi nhắc lại thử thách khắc nghiệt nhất trong đời này.
Từng có dự định tìm kiếm cơ hội làm việc tại Mỹ, ngay từ năm thứ 3, chàng sinh viên người Huế đã dành thời gian luyện thi USMLE. Với thành tích đáng nể 256/270 điểm kỳ thi USMLE step 1 và 260/280 điểm kỳ thi USMLE step 2 khi vẫn đang là sinh viên và từng làm bài thi thử trên website của NBME nhưng BS. Vũ Ánh vẫn “sốc” khi thi IFOM vào VinUni.
“Khác với kỳ thi BSNT của Việt Nam, thi nội thì không hỏi về ngoại-sản và ngược lại, đồng thời cũng không có câu hỏi về tâm thần hay y học gia đình, đề thi IFOM lần này đánh giá kiến thức tổng quát trong tất cả các lĩnh vực. Ai chủ quan cho rằng thi vào trường Việt Nam đề sẽ dễ thì chắc chắn trượt”, thủ khoa IFOM Việt Nam 2020 nhận định.
Điểm cao top 1% thế giới vẫn trượt
Tuy cũng đạt điểm IFOM trong top 1% thế giới như Vũ Ánh nhưng có thí sinh vẫn trượt do không qua được vòng phỏng vấn với các giáo sư VinUni, vòng thi cuối cùng và cũng là quan trọng nhất nhằm khắc họa bức chân dung hoàn thiện của từng người. Các ứng viên phải trải qua 3 lượt phỏng vấn trong 60 phút, một lượt với giáo sư người Việt và 2 lượt bằng tiếng Anh với các giáo sư Mỹ.
Phỏng vấn cũng là cách tuyển sinh BSNT tại Mỹ và được xem là một điểm sáng của chương trình BSNT tại VinUni khi kết hợp nhiều yếu tố để chọn ứng viên, thay vì chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất trên giấy vốn chỉ đánh giá được thí sinh qua điểm số. Đặc biệt, vòng phỏng vấn chiếm tới 40% tổng điểm nên sẽ khuyến khích các ứng viên chú trọng rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và lãnh đạo.
BS. Việt Thắng cho rằng BSNT là người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân nên kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống là đặc biệt quan trọng. Thậm chí, để hiểu đầy đủ về con người của từng ứng viên từ đó đánh giá mức độ phù hợp với chuyên ngành họ lựa chọn, các giáo sự VinUni đã đặt những câu hỏi mà ít người nghĩ tới nhất.
“Phần phỏng vấn thực ra cũng không đáng sợ, nó giống như những cuộc trò chuyện hơn, nhưng tôi rất bất ngờ khi được hỏi về sở thích nghe nhạc bolero của mình. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu về chủ đề này”, BS. Việt Thắng kể lại.
Là người nghiên cứu rất kỹ về kỳ thi BSNT tại Mỹ, BS. Vũ Ánh cũng nhận thấy nét tương đồng trong kỳ sát hạch tại VinUni khi đề cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của ứng viên - điều hoàn toàn không có trong các kỳ thi tại Việt Nam.
“BSNT là đầu mối của quy trình khám chữa bệnh, phải tiếp xúc và phối hợp với nhiều người, từ bệnh nhân tới y tá, điều dưỡng nên tại Mỹ đầu điểm này còn chiếm tới 50%. Ở khía cạnh này, rõ ràng VinUni đang đi trước một bước để hướng tới chuẩn quốc tế”, cựu sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế khẳng định.
VinUni là đối tác quốc tế đầu tiên mà Đại học Pennsylvania (Mỹ) phối hợp triển khai chương trình đào tạo BSNT theo chuẩn Mỹ. Ngoài các giáo sư do Penn biệt phái hoặc giảng dạy từ xa, các giảng viên chủ chốt tham gia chương trình BSNT của VinUni đều được Penn kèm cặp, đào tạo. Bên cạnh đó, học viên BSNT VinUni còn được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tại Vinmec (bệnh viện thực hành duy nhất tại Việt Nam hiện nay đạt chứng chỉ chất lượng quốc tế JCI), và một số bệnh viện công lập đầu ngành (như BV Nhi TW và BV Trung ương Quân đội 108) kèm cặp khi đi luân khoa tại các cơ sở này. Đội ngũ giảng viên thực hành này đều phải trải qua các khoá huấn luyện giáo dục lâm sàng do Penn trực tiếp tổ chức.
Không chỉ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, trong thời gian học tập tại VinUni, các học viên BSNT còn được hỗ trợ tài chính. Đặc biệt, 100% học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được đảm bảo việc làm hấp dẫn tại hệ thống y tế Vinmec với 7 bệnh viện đa khoa quốc tế khắp cả nước.