Vợ chồng thầy giáo chắt chiu từng đồng thành lập “thư viện” cho học sinh
(Dân trí) - Vợ chồng thầy giáo dạy văn ở miền Tây đã dùng tiền kiếm được từ việc gói bánh tét thuê, may đồ… để thành lập “thư viện” ở vùng quê với mong muốn mang kiến thức cho học trò và mọi người.
Thư viện đặc biệt này nằm trong căn nhà cấp 4 nhỏ cạnh đường thuộc ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long do vợ chồng thầy Huỳnh Văn Thế (cố giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Mang Thít) và chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (35 tuổi) thành lập với mong muốn mang kiến thức đến tận tay các em học sinh và người dân vùng quê.
Phía trước nhà là tấm bảng ghi “Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê, đọc sách để khai tâm, khai trí” được treo trước hàng rào, phía trong nhà hàng nghìn quyển sách được chất đầy trên 6 kệ, đủ các loại sách từ các sách văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, danh nhân văn hóa, lịch sử, khoa học trí thức, sách thiếu nhi, truyện tranh…
Năm 2018, thầy Thế qua đời do bệnh hiểm nghèo để lại người vợ cùng đứa con thơ. Thực hiện di nguyện của chồng, chị Hằng đã vượt qua nỗi đau tinh thần để tiếp tục thực hiện ước mơ của chồng.
Chị Hằng cho biết, từ khi chồng mất, cuộc sống của mẹ con chị gặp nhiều khó khăn, chị phải nhận đồ may gia công, gói bánh tét thuê. Thu nhập bấp bênh, ngoài việc lo cho cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con, chị vẫn dành một ít bỏ ống heo, khi được khoảng vài triệu đồng thì gửi mua sách thêm vào thư viện mà người chồng đã thành lập. Tất cả những nỗ lực đó nhằm mục đích vẽ tiếp ước mơ của người chồng đã dành bao công sức xây dựng nên thư viện này.
Chị Hằng cho biết thêm, vợ chồng chị đến với nhau từ nghèo khó. Thầy Thế là giáo viên dạy Văn lại ham đọc sách từ nhỏ, thầy biết được tầm quan trọng của đọc sách. “Chồng tôi dành tiền lương giáo viên của mình để mua sách, viết thư xin sách. Có thời điểm gặp khó khăn về tài chính, chồng tôi còn ứng lương để lấy sách mang về cho học trò đọc. Về sau, nhiều người biết đến việc làm của chồng nên tích cực ủng hộ”, chị Hằng cho biết.
Không những làm thư viện, vợ chồng thầy Thế còn thực hiện chương trình tết sách nhằm quyên góp sách đem tặng học trò nghèo. Và để có kinh phí thực hiện, thầy Thế đã tích cực vận động kinh phí từ những người yêu sách, viết từng bức thư tay để gửi đến những nhóm yêu sách, sưu tầm sách, diễn giả, tác giả... mời đến tham dự và hỗ trợ sách.
Tết sách đầu tiên năm được tổ chức vào năm 2015, thầy Thế vận động được 100 quyển sách. Tết sách năm 2016, được 500 cuốn sách. Tết sách năm 2017, vận động gần 1.000 quyển sách tặng cho học sinh hai điểm trường THPT Mang Thít và THPT Nguyễn Thông.
Cũng trong năm 2017, sau khi bàn bạc với vợ, thầy Thế đã thành lập "CLB Sách và hành động Mang Thít". CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng với những chủ đề hấp dẫn. Sau khi sinh hoạt, thầy còn tiến hành tặng sách cho các thành viên.
Cuối năm 2017, vợ chồng thầy thành lập thư viện tại nhà phục vụ cộng đồng miễn phí. Để có sách tặng học trò nghèo và trang bị thêm nhiều đầu sách mới, vợ chồng thầy Thế còn nhận gói bánh tét, chở nhang thơm đi bán để trích tiền lời mua sách. “Tuy vất vả nhưng thấy chồng vui và việc làm rất có ý nghĩa nên tui ủng hộ” - chị Hằng nói
Lúc thầy Thế mất, CLB sách được cô Phạm Cẩm Ngân, giáo viên Trường THPT Mang Thít tiếp nhận làm chủ nhiệm và duy trì phát triển thư viện. Những cuốn sách được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trên kệ theo chủ đề. Mỗi ngày, những thành viên nào rảnh rỗi sẽ thay nhau trực thư viện và kiểm kê đầu sách.
“Nhờ vợ chồng thầy Thế nên nhiều học sinh đến gần với nguồn tri thức từ sách giúp các em nâng cao kiến thức trong học tập, mà còn bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Càng khâm phục hơn khi thầy Thế mất, chị Hằng vẫn tiếp nối ước mơ của chồng để duy trì không gian đọc sách và tích lũy chi phí để đóng góp cho tết sách hàng năm” - cô Ngân bày tỏ sự cảm phục.
Một học sinh trường THPT Mang Thít cho biết: “CLB của vợ chồng thầy Thế đã truyền cho chúng em nhiệt huyết, cũng như đam mê đọc sách. Sách ở đây khá đa dạng nên em có rất nhiều lựa chọn, giúp ích nhiều cho việc học như các loại sách giáo khoa, tham khảo. Tuy thầy mất rồi, nhưng nhìn từng cuốn sách tại đây, chúng em vẫn cảm nhận được niềm đam mê mãnh liệt của thầy, giống như một ngọn lửa vẫn đang tiếp tục cháy bằng tất cả niềm yêu thương”.
Lan Anh