Vinh danh trí thức Việt Nam giá 22 triệu: Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục, mua bán!

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Nộp 22 triệu đồng để được… Vinh danh Trí thức Việt Nam?”, báo đã nhận được nhiều ý kiến nhà khoa học về việc họ cũng được mời vinh danh, thậm chí Ban tổ chức còn ngả giá phí đóng góp để được vinh danh xuống chỉ còn… 10 triệu đồng/người.

Thư mời kèm Hợp đồng kinh phí hỗ trợ

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Công Lý, Khoa Văn học Ngôn ngữ kiêm Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo, trường ĐH Khoa học và Xã Hội Nhân văn - ĐH QG TP.HCM cho biết, tôi nhận được Email với 6 nội dung là: thư mời, đề án vinh danh, phiếu đăng ký, đề cử xét vinh danh, bảng thông báo dự trù kinh phí tổ chức chương trình và thông báo tên tôi có trong 200 người được vinh danh đợt này… đặc biệt kèm theo cả Hợp đồng kinh phí hỗ trợ tổ chức của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Công ty Cổ phần truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Công Lý còn nhận nhiều cuộc điện thoại của người Ban tổ chức này hỏi có tham gia cuộc vinh danh này không và thông báo nếu tham gia đóng góp 20 triệu đồng.

PGS Lý chia sẻ, khi họ nói như thế, tôi nói: Nhà giáo làm gì có tiền? và họ thông báo là giảm giá xuống cho tôi còn 10 triệu đồng.

“1 đồng tôi cũng không mua danh hão đó. Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục, mua bán. Hiện nay có tình trạng, chạy chức, chạy quyền, chạy chức danh khoa học, chạy bằng cấp, chạy học vị… bây giờ thêm chạy danh. Tôi không ngờ đạo đức của trí thức lại xuống cấp như vậy. Tôi cũng không ngờ nhiều người có tiếng trong giới khoa học lại tham gia Hội đồng xét duyệt như vậy” – PGS.TS Nguyễn Công Lý nói.

Chia sẻ với PV, PGS.TS Nguyễn Công Lý nhấn mạnh, mặc dù tôi là người được mời vinh danh nhưng tôi cũng sẽ kiện vì không dưng lấy tên họ của tôi để mời vinh danh khi chưa cho phép và tôi cũng không đồng ý vinh danh.

Vinh danh trí thức Việt Nam giá 22 triệu: Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục, mua bán! - 1

Bản hợp đồng hỗ trợ kinh phí gửi tới các nhà khoa học mời đóng góp

Xét hoàn cảnh nhà khoa học… để giảm giá

Chia sẻ tiếp với PV Dân trí, PGS.TS Hoàng Đình Chiến (Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) cho biết, không chỉ tôi nhận được email, điện thoại mời vinh danh này mà còn nhiều đồng nghiệp khác của tôi cũng nhận được. Đồng thời, cũng với “chiêu dụ” nói với tôi, họ cũng nói như vậy với đồng nghiệp, ban đầu mức giá là 24 triệu đồng sau đó giảm dần xuống còn 22 triệu đồng.

“Tôi cũng đã nói với người gọi điện rằng, những nhà khoa học chân chất, thuần túy như tôi không có tiền để tham gia. Cả đời tôi không lấy một đồng nào của nhà nước để làm nghiên cứu khoa học mà mục đích chỉ là phục vụ cộng đồng. Tôi không cần vinh danh kiểu này. Thậm chí, người gọi điện cho tôi còn nói: thôi xét hoàn cảnh của thầy, không có điều kiện thì giảm xuống 18 triệu đồng cho tôi” – PGS.TS Chiến chua xót chia sẻ.

Theo PGS.TS Chiến, chiêu kinh doanh này, ở nước ngoài đã có từ lâu nhưng chỉ để dành cho người hão danh nộp tiền vào để được có mặt trong sách này, sách kia. Còn những nhà khoa học thật thì giá trị công trình của họ đóng góp cho cộng đồng và được cộng đồng ghi nhận.

Ở Việt Nam những công trình nghiên cứu khoa học giá trị thật đóng góp cho cộng đồng rất hiếm. Tuy có nhiều nhà khoa học nhưng không phải tất cả là khoa học thật. Nhiều nhà khoa học thật họ chỉ là nạn nhân vướng trong vòng luẩn quẩn không thoát được ra trong ma trận này.

Bất kể một vinh danh nào phải đóng góp tiền đều là rởm

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng: “Bất kỳ một vinh danh nào kể cả vinh danh quốc tế và vinh danh trong nước mà đóng tiền thì chắc chắn đó là vinh danh rởm, thậm chí đóng tiền bất kỳ dưới hình thức này”.

GS Hoa chia sẻ, bản thân tôi nhận được nhiều lời mời vinh danh nhưng tôi không quan tâm. Đầu tiên, họ gửi thư mời thì không nói đến đóng góp, đến lần tiếp theo nói đến chuyện đóng góp với nhiều lý do khác nhau…Tôi nghĩ đây là việc kinh doanh nên tôi không để ý, không quan tâm, không lên án.

Theo GS Hoa, những người làm khoa học nghiêm túc thì những việc trao kỷ niệm chương hay vinh danh nào, giải thưởng nào thậm chí cả giải Nobel… không phải là tất cả. Họ cũng mong muốn được giải thưởng nhưng các giải thưởng đó sẽ đến với họ một cách tự nhiên. Những trường hợp nghiên cứu nổi trội thì bao giờ cộng đồng cũng tìm đến họ để vinh danh.

“Đã làm khoa học chỉ có chuyện duy nhất là tìm khám phá cái mới hoặc thấy mình làm được gì cho xã hội như đào tạo 1 học trò giỏi cũng là một đóng góp cho xã hội chứ không nhất thiết phải giải thưởng này hay vinh danh nọ” – GS Hoa nhấn mạnh.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Công Lý, Khoa Văn học Ngôn ngữ kiêm Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo, trường ĐH Khoa học và Xã Hội Nhân văn - ĐH QG TP.HCM cho biết, tương tự như trường hợp vinh danh “rởm” này, năm 2015, ông cũng nhận được thư mời của Chương trình giao lưu nghệ thuật vinh danh ''Trí thức Việt Nam vì sự nghiệp khoa học,Trí thức Quản lý tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển cộng đồng ''.

Chương trình của Viện Khoa Học Nghiên Cứu Nhân Tài Nhân Lực xét dựa trên nhiều tiêu chí và nhiều tư liệu đánh giá khác nhau đã lựa chon được 110 cá nhân xuất sắc nhất cả nước năm 2015 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề để vinh danh vào ngày 16/12/2015 Hà Nội.

Trong thư mời vinh danh cá nhân xuất sắc này, kèm theo là bảng Thông báo quyền lợi của cá nhân, đơn vị tham gia tài trợ kinh phí tổ chức chương trình với Mức kinh phí tham gia của cá nhân đạt danh hiệu Chân dung Trí thức Việt Nam vì sự nghiệp khoa học ,Trí thức Quản lý tiêu biểu vì sự phát triển cộng đồng : 20.000.000/ cá nhân .

Quyền lợi khi tham gia chương trình: Được tham gia lễ Báo công, cầu Quốc thái Dân an tại Chùa Trấn Quốc; Được dự tiệc Buffet tại Khu ẩm thực Sen Tây Hồ; Được nhận biểu tượng Cup, Bảng vàng vinh danh là Chân dung Trí thức Việt Nam vì sự nghiệp khoa học, Trí thức Quản lý tiêu biểu vì sự phát triển cộng đồng; Được MC giới thiệu sơ lược về thông tin cá nhân và thành tích tại nơi công tác; Được giao lưu, chụp ảnh cùng các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Được tặng 02 vé tham dự chương trình vinh danh; Được tặng 01 đĩa DVD và 01 ảnh toàn cảnh vinh danh sau chương trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Lý, người Ban tổ chức cuộc Chương trình giao lưu nghệ thuật vinh danh ''Trí thức Việt Nam vì sự nghiệp khoa học,Trí thức Quản lý tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển cộng đồng '' cũng ngả giá đóng góp từ 20 triệu đồng/ người xuống còn 10 triệu đồng.

Như đã chia sẻ ở trên với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Công Lý nhấn mạnh, mặc dù tôi là người được mời vinh danh nhưng tôi cũng sẽ kiện vì không dưng lấy tên họ của tôi để mời vinh danh khi chưa cho phép và tôi cũng không đồng ý vinh danh.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)