Vĩnh biệt người thầy đáng kính

Tin dữ đến thật bất ngờ, PGS, TS. Nguyễn Hải Kế đã ra đi sau một cơn đột quỵ. Nhiều sinh viên đã treo ảnh và đăng status tưởng nhớ đến Thầy...

PGS, TS. Nguyễn Hải Kế (1954 - 2013)
PGS, TS. Nguyễn Hải Kế (1954 - 2013).
 
Xin trân trọng gửi đến độc giả bài phát biểu của PGS, TS. Nguyễn Hải Kế trong lễ khai giảng của Trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2012.

Thưa các vị khách quý

Các thày cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường quý mến

Các em sinh viên thân mến!

Tôi xin gửi tới các em sinh viên, đặc biệt là những sinh viên năm thứ nhất, của trường tình cảm chân thành yêu mến của tôi. Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội - địa chỉ mà các em đã lựa chọn và tin cậy gửi gắm mùa thu này trở thành hiện thực. Các em chính là nguồn nuôi dưỡng, động viên, là động lực, là hy vọng lớn để không chỉ cá nhân tôi, mà các thế hệ thày, cô tóc đã bạc sương, các thày, cô giáo, các công nhân viên trong trường đã, đang và sẽ gắn bó với sự nghiệp trồng người. 

42 năm qua, từ sinh viên, rồi trở thành giảng viên khoa Lịch sử, nhìn từ các thày, cô, đến thực tế công tác của bản thân, tôi tự nhận ra đôi điều nhắc mình và tâm sự với đồng nghiệp:

“Thày” trong “Không có thày, đố mày làm nên”, trong“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày” đâu phải là sứ mạng, là suy tôn, vinh dự, mà xã hội dành chỉ riêng nghề dạy học. Còn nhiều từ “Thày”, như : Thày thuốc, Thày cúng,… vốn và vẫn là danh xưng mà đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay dành gọi những người chăm lo, bảo hiểm cho sự bình an, hài hoà về thể xác, tâm hồn; phát triển tiền đồ… của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng.

Với đông đảo những người đầu tư vào việc đi học, đi thi, để chọn ngành chọn nghề, thì nghề làm thày giáo là sự lựa chọn cuối cùng, chứ không phải đầu tiên trong điều tiết của xã hội Việt Nam. Vì thế những ai, từ tuổi thanh xuân bước lên bục giảng cho đến khi được về nghỉ hưu, vẫn thuỷ chung với nghề dạy học đâu chỉ là an phận. Thuỷ chung với nghề thật kiên cường, bản lĩnh qua thẩm định tự thân để không chỉ khi thoái, lui mới quay ra làm thày, mà ngay khi “tiến” hay “đạt” cũng không bỏ đi, mà vẫn như nhất nghề làm Thày, để cùng học và trồng người không mệt mỏi (giáo nhân bất quyện) .

Cũng như các thày cô giáo, các đồng nghiệp khác của trường, chúng tôi có hạnh phúc thật giản dị, nhưng tự hào: Được là sinh viên rồi là giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hôm qua, trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội hôm nay.

Bình dị và hạnh phúc vì dù còn vất vả lo toan nhiều bề, nhưng trong môi trường học tập và công tác đậm nhân văn của ngôi trường chúng ta, luôn gắn quyện giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước; trong tìm tòi khám phá những biểu hiện và quy luật vận động và phát triển những giá trị, những phẩm - chất - làm - người, của lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân loại. Chính môi trường đó đã góp phần vun trồng và chắp cánh cho năng lực của chúng tôi.

Tự tin về nghề nghiệp, tự hào về những thế hệ cán bộ, sinh viên đi trước từ những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn giang sơn của Tổ quốc Việt Nam như Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định...; từ thế hệ Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn,… những nhà giáo, nhà khoa học đã gắn bó máu thịt, trách nhiệm kết tinh thành phẩm chất, năng lực và bản lĩnh dũng cảm, trung thực, khách quan của khoa học xã hội và nhân văn với vận mệnh của nhân dân, đất nước Việt Nam.

Hẳn với thày, trò trường KHXH&NV, lễ Khai giảng năm học này sẽ trở thành một sự kiện khó quên, khi có Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang về thăm và dự lễ khai giảng.

Thưa Chủ tịch nước!

Những suy tư, trách nhiệm với hôm nay, niềm tin với tương lai của dân tộc Việt Nam của Chủ tịch nhân 45 năm thành lập Hội Sử học Việt Nam, nhân mùa thu năm thứ 67 của nước Việt Nam khai mở từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; trong phát biểu của Chủ tịch về ngày Khai giảng năm học mới… đã truyền đến chúng tôi:

“...Phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực:,

Đoàn kết, hòa hợp, thống nhất từng là bài học và nguyên nhân thắng lợi trong mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam...

Cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc. Hổ thẹn không phải để bạc nhược, mất ý chí mà để vươn lên gấp hai, gấp ba, để tiếp tục đi tới với tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang vốn là truyền thống dân tộc, góp phần làm cho đất nước ta phát triển và trường tồn mãi mãi.

Noi theo các tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam..”.

Hôm nay, tại giảng đường trường Đại học mà tiền thân là Đại học Văn khoa được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thành lập từ ngày 10 tháng 10 năm 1945, thày trò chúng tôi nhận được sự đồng cảm, chân tình và trách nhiệm với sự nghiệp học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường trong phát biểu, trong tiếng trống khai giảng năm học của Chủ tịch. Chúng tôi càng kỳ vọng vào thông điệp của Chủ tịch với sự nghiệp của nhân dân ta, đất nước ta, với giáo dục, đào tạo - sự nghiệp vun trồng năng lượng nhân văn của dân tộc Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Chúng tôi vững niềm tin rằng, mục tiêu: Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc được thắp lên từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam 2/9/1945; từ lương tâm, trí tuệ, bản lĩnh trong trường kỳ gian lao dựng nước, giữ nước của dân tộc, cộng hưởng với nhân văn của nhân loại, mãi là nguồn năng lượng vô tận, mạnh mẽ, thống nhất toàn thể dân tộcViệt Nam để “lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn” (lời của Hồ Chí Minh), hoá giải những thách thức đang đặt ra với tổ quốc ta, nhân dân ta. Mục tiêu đó cũng chính là động lực to lớn trên đường đi tới hạnh phúc của mọi cuộc đời, là năng lượng sáng tạo trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của thày trò chúng tôi.

Chúc sức khỏe của Chủ tịch nước, các vị khách quý, các thày cô giáo, công nhân viên, các em sinh viên!

Chúc năm học mới của trường chúng ta nhiều thành tựu !

Trân trọng cảm ơn!”

Theo Trung tâm nghiệp vụ Báo chí & Truyền thông
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn