Việt Nam làm trưởng ban chuyên môn đề thi Olympic Hóa học quốc tế
(Dân trí) -Ngày 20-29/7 tới kì thi Olympic Hóa học Quốc tế (IChO 46) lần thứ 46 sẽ diễn ra tại Việt Nam, điều hành hoạt động IchO này là Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế với 13 thành viên. Chủ tịch Ủy ban hiện nay là GS. Peter Wothers, Trường Đại học Cambridge, vương quốc Anh.
Đại diện ban tổ chức IChO 46 chào đón GS. Peter Wothers - Trường Đại học Cambridge, vương quốc Anh Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế.
PGS.TS Bùi Duy Cam - Trưởng Ban Tổ chức IChO 46, cho biết, IChO là kỳ thi Hóa học dành cho học sinh phổ thông tuổi dưới 20 của tất cả các nước trên thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1968 (trừ năm 1971). Hoạt động của IChO tuân theo Quy chế IChO được Hội đồng quốc tế thông qua và chịu sự chỉ đạo chung của Ban Điều hành do Hội đồng quốc tế bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Việt Nam đã chính thức tham dự kỳ thi IChO từ năm 1996 và tại các kỳ thi này, luôn đạt thứ hạng cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Điều hành hoạt động của IChO là Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế gồm 13 thành viên. Chủ tịch Ủy ban hiện nay là GS. Peter Wothers, Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.
Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế quyết định điều lệ hoạt động của IChO. Thành viên của Ủy ban được Hội đồng giám khảo quốc tế bầu chọn bằng bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của Ủy ban là 02 năm. Thành viên của Ủy ban phải có ít nhất 01 người từ mỗi khu vực sau: châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Các thành viên của Ủy ban không tham gia quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Hội đồng giám khảo quốc tế: Chủ tịch Hội đồng giám khảo được nước đăng cai chỉ định. Thành viên của Hội đồng giám khảo là hai cố vấn chuyên môn của mỗi đoàn và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế.
PGS.TS Bùi Duy Cam cho hay, việc tổ chức IChO 46 năm 2014 tại Việt Nam mang nhiều ý nghĩa quan trọng. IChO 46 không chỉ có Hóa học đơn thuần mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Ban chuyên môn đề thi được Bộ GD-ĐT thành lập từ năm 2010
PGS.TS Bùi Duy Cam cho biết, đề thi IchO gồm 2 phần lý thuyết và thực hành. Phần thi lý thuyết diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày 25/7/2014 (từ 8h30 đến 14h30). Thí sinh được bố trí làm 2 phòng thi.
Phần thi thực hành diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngày 23/7/2014 (từ 9h00 đến 14h00) với 8 phòng thi.
Công tác đề thi do Ban Chuyên môn đảm nhận. Ban Chuyên môn đã được Bộ GD-ĐT thành lập từ năm 2010 gồm các nhà Hóa học của Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, là Trưởng ban Chuyên môn của IChO 46.
Theo PGS Cam, Ban Chuyên môn đã chuẩn bị đầy đủ đề tham khảo gồm 29 đề lý thuyết và 7 đề thực hành được công bố vào ngày 28/01/2014. Ban Chuyên môn đã tập hợp được nhiều nhà hóa học giỏi có kinh nghiệm về lĩnh vực này để soạn đề thi chính thức đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế. Đề thi sẽ được Hội đồng giám khảo quốc tế thảo luận và quyết định. Đề thi được thông qua với 75% phiếu thuận.
Tổ chức đón 500 khách quốc tế
IChO 46 lần này có sự tham gia của 77 đoàn đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này có 75 đoàn có học sinh dự thi và 2 đoàn quan sát viên. Đoàn có số thành viên đông nhất, gồm 12 thành viên đó là Nga; ít nhất với 2 thành viên là Cu Ba. IChO 46 thu hút tổng số 524 khách quốc tế, trong đó có 291 học sinh dự thi.Đoàn Việt Nam tham gia IChO 46 gồm 8 thành viên (4 cán bộ và 4 học sinh).
IChO 46 do Việt Nam đăng cai tổ chức và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là đơn vị chủ trì, do vậy, Trường ĐHKHTN phải thực hiện việc xây dựng lộ trình, kế hoạch của IchO, theo ông Bùi Duy Cam, việc bố trí ăn, ở, phương tiện đi lại cho hơn 500 khách quốc tế gặp không ít khó khăn, song chúng tôi đã có phương án tối ưu, tuân thủ nguyên tắc của IChO.
PGS.TS Bùi Duy Cam cho biết: Theo quy chế IChO, khoảng cách chỗ ở giữa thí sinh và cán bộ quá không được quá gần nhau. Chúng tôi đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho cán bộ và học sinh tham dự IChO 46 đáp ứng được yêu cầu của Ủy Ban Olympic quốc tế. Phương án làm thủ tục đón tại sân bay, đăng ký và nhận phòng ở, nhận tài liệu... đều đã được xây dựng hợp lý và khoa học.
Ban Tổ chức IChO 46 đã đi khảo sát và làm việc với công ty du lịch, ban quản lý các khu di tích lịch sử, văn hóa và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố có diễn ra các hoạt động của IChO 46. Đến nay chúng tôi đã nhận được sự quan tâm phối hợp nhiệt tình của các địa phương, các cơ quan. Công tác an ninh, y tế, hậu cần được phối hợp nhịp nhàng đảm bảo kế hoạch thi, kế hoạch tham quan của các đoàn khách quốc tế. Những điểm đến là những di tích văn hóa đặc sắc của thủ đô Hà Nội và một số địa phương phía Bắc.
Lồng ghép trong các chương trình chính thức có các phần biểu diễn văn nghệ đặc sắc của Việt Nam. Đặc biệt, các đoàn khách quốc tế sẽ được thưởng thức các tiết mục múa rối nước Việt Nam tại Nhà hát Múa rối nướcThăng Long. Các tình nguyện viên sẽ là cầu nối quan trọng trong việc truyền tải thông tin.
”Chúng tôi tin tưởng IChO 46 sẽ giới thiệu được nhiều với bạn bè quốc tế về văn hóa và đất nước con người Việt Nam” - PGS.TS Cam cho hay.
Hồng Hạnh