Vì sao việc "khóc giùm" trong đề thi học sinh giỏi Văn bị dư luận phản ứng?
(Dân trí) - Bên cạnh câu nghị luận văn học cần xem lại nghiêm túc cả nhận định được dẫn và câu lệnh, điều khiến dư luận băn khoăn nhiều nhất là câu nghị luận xã hội.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội), nhận xét về đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội.
Đề yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện sau:
"Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về, người mẹ nhẹ nhàng hỏi :
- Con đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp bạn ấy bị hỏng.- Cô bé trả lời.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc".
Câu chuyện trên mang tới bài học khá hiển ngôn về ý nghĩa của sự chia sẻ giữa con người với con người trong cuộc sống hàng ngày - chia sẻ để nhân đôi niềm vui, chia sẻ để giảm nửa nỗi buồn, đó là điều đã được nhắc tới rất nhiều trong các đề nghị luận xã hội - tức là vấn đề rất có ý nghĩa, và không mới.
Nhưng xét cho cùng, cả bao ngàn năm, cuộc sống con người đâu có gì mới mẻ, dù thời các bộ lạc hay thời 4.0, điều khiến con người bận tâm bao giờ cũng vẫn là những cung bậc vui buồn yêu ghét, những đức tính tốt xấu, những thái độ khen chê, những cao cả thấp hèn, những vị tha vị kỉ…, những điều quen đấy mà vẫn lạ, cũ đấy mà vẫn mới, không lặp lại, dù chúng ta luôn tìm thấy chúng trong thiên kinh vạn quyển, kim cổ Đông Tây…
Bởi dòng sông trôi chảy, những con sóng vẫn là sóng mà không còn là con sóng trước đó, mỗi cá thể trong những thời đại khác nhau, với những font văn hóa, hoàn cảnh, khí chất khác nhau…, sẽ đem đến những góc độ soi chiếu, cảm nhận luôn mới mẻ cho những giá trị xưa cũ, vĩnh hằng.
Văn chương vậy, đề văn cũng vậy, chỉ vài chục tác phẩm văn học được học trong nhà trường phổ thông mà các thầy cô suốt bao năm nay đã "chế tạo" biết bao nhiêu đề, bao nhiêu cách hỏi, góc độ hỏi…, đặng tạo ra sự mới mẻ, hứng thú cho học trò.
Tất nhiên, nếu cách ra đề không thay đổi, nếu ngữ liệu văn chương vẫn chỉ giới hạn trong các tác phẩm được học trong nhà trường, thì cũng sẽ đến lúc các thầy cô không còn "đất" để dụng võ, sự lặp lại nhàm chán trong các đề nghị luận văn học là khó tránh khỏi.
Riêng nghị luận xã hội, khi đối tượng bàn luận là cuộc sống xã hội, con người, vấn đề có thể là muôn đời nhưng góc độ soi chiếu, suy ngẫm sẽ không ngừng biến thiên theo thời gian, nếu người thầy chạm được vào những vấn đề thời đại mình, họ sẽ có được những đề nghị luận luôn mới mẻ về chính những phạm trù vĩnh hằng.
Trở lại với câu nghị luận xã hội trong đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội, câu chuyện đề cập tới một nét đẹp trong cách ứng xử nhân ái, biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ. Câu chuyện này có lẽ sẽ tạo sự xúc động cho nhiều thế hệ học trò trước đây, nhưng lại gây phản ứng tâm lý có phần tiêu cực cho học trò, và đông đảo dư luận xã hội thời nay.
Nhìn nhận một cách công bằng, "khóc giùm" chỉ được coi như một ước lệ của sự chia sẻ, đề bài cũng không khuyên con người khóc trước nghịch cảnh mà khuyên con người biết chia sẻ yêu thương!
Tuy nhiên, khi từ khóa của câu chuyện là "khóc giùm", những chi tiết cụ thể của câu chuyện vẫn tác động trực tiếp tới học trò và dư luận xã hội. Những phản ứng tâm lý là không tránh khỏi bởi tâm thế, thái độ sống của con người thời hiện đại đã khác rất xa thời những cô Tấm ngày xưa khóc đợi câu hỏi ân cần, an ủi của Bụt: "Làm sao con khóc"?
Trước hết, nếu coi việc hỏng xe đạp là nghịch cảnh thì cái gọi là nghịch cảnh của người bạn trong câu chuyện nhỏ quá ư nhỏ nhặt, bình thường để bạn đó phải khóc và người bạn khác phải thương xót, "khóc giùm"!
Thứ nữa, kể cả có một nghịch cảnh thực sự, một nỗi buồn, một sự đau xót, mất mát, tổn thương…, con người thời hiện đại cũng không coi việc khóc và khóc giùm là phương án khuyến khích lựa chọn. Đương nhiên, một giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau đớn của bạn bè là biểu hiện rõ nhất của tấm lòng nhân ái cao đẹp; nhưng nếu sau đó vẫn chỉ là nước mắt, nếu chỉ là "Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc", chi tiết này có thể sẽ đem tới cảm giác bất lực hơn là yêu thương. Và điều đó tuyêt đối không còn phù hợp với mục đích giáo dục cũng như tâm lí thời nay.
Đề thi này khiến tôi nhớ tới một bài học cách đây gần 30 năm. Khi ấy tôi đang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong trung tâm Việt Nam học của cố GS Đặng Thanh Lê. Có lần tôi chọn câu chuyện về Hàn Bá Du làm ngữ liệu đọc hiểu cho một học viên Hàn Quốc, câu chuyện như sau:"Thời xưa có ông Hàn Bá Du, dù đã lớn nhưng mỗi lần mắc phải lỗi lầm bị mẹ đánh không bao giờ khóc. Một lần nọ ông cũng phạm lỗi và bị mẹ bắt nằm xuống đánh những lần này ông khóc thật to. Người mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao lại khóc? Ông giải thích vì những lần trước mẹ đánh ông cảm thấy rất đau nên biết mẹ còn khỏe, còn lần này mẹ đánh không thấy đau như trước nên biết mẹ đã yếu, vì thương mẹ già yếu mà ông khóc".
Sau buổi học đó, GS Đặng Thanh Lê nói với tôi: Hàn Quốc cùng Nhật Bản, Trung Quốc, và cả Việt Nam là những nước chịu ảnh hưởng rất sâu của Nho giáo, nay em đưa thêm ngữ liệu này thì không gian Nho giáo của họ sẽ càng đậm đặc, khắc nghiệt hơn, không hợp với những học viên 6X, 7X trong thời đại này.
Đó là những thập kỉ cuối thế kỉ XX - và sau này, càng ngẫm, tôi càng thấy đó là một bài học quí giá tôi nhận được từ cô giáo của mình - quan niệm của cô về câu chuyện Hàn Bá Du, có thể tôi vẫn còn phải suy nghĩ thêm, nhưng bài học về việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp với văn hóa, với tâm lí lứa tuổi, tâm lí thời đại… cho mỗi bài giảng thì quả thật là rất cần thiết cho những người làm nghề có trách nhiệm.