Vì sao trường đại học thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao?

Hoài Nam

(Dân trí) - Viện Đường sắt tốc độ cao được thành lập tại trường đại học ở TPHCM nhằm đào tạo nguồn nhân lực bắt kịp xu thế giao thông hiện đại.

Ngày  12/10, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM công bố thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao. TS Nguyễn Văn Đức được giao chức vụ Viện trưởng đơn vị này.

Vì sao trường đại học thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao? - 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức (giữa) nhận quyết định giữ chức Viện trưởng Viện Đường sắt tốc độ cao (Ảnh: H.N).

Theo lãnh đạo Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, việc thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo bốn lĩnh vực chính gồm Kỹ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao; Cơ khí đường sắt tốc độ cao; Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; Khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao.

Đội ngũ giảng viên là những chuyên gia trong nước và quốc tế cùng với chiến lược kết nối nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ cho sự phát triển của ngành đường sắt tốc độ cao hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, nhấn mạnh một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn là nền tảng của một quốc gia thịnh vượng.

Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 282/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã khẳng định, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục "xương sống".

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam 350km/h để trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định.

Dự án này không chỉ là một phần trong chiến lược phát triển giao thông của đất nước mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự chuyển mình toàn diện trong hệ thống hạ tầng. Đây là cơ hội để chúng ta áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào thực tế, nhằm bắt kịp xu thế giao thông hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương thông tin, từ năm 2028, trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt metro. Từ năm 2023, lãnh đạo nhà trường trực tiếp cũng như cử nhiều đoàn công tác đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Sau quá trình này, đây là thời điểm phù hợp để trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao.

Sự ra đời của Viện Đường sắt tốc độ cao, theo ông Phương, sẽ đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Đây cũng là nơi ươm mầm những tài năng, những người sẽ gánh vác trọng trách phát triển giao thông hiện đại, giúp Việt Nam đạt được những bước tiến mạnh mẽ trên con đường hội nhập và phát triển.