Vì sao trường Đại học Đông Đô lại ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2?

(Dân trí) - Dù chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nhưng trường Đại học Đông Đô lại vẫn ngang nhiên thông báo tuyển sinh một cách công khai. Điều đáng nói cơ quan quản lý Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại không phát hiện ra điều này mà thậm chí còn bộc lộ “lỗ hổng” để trường Đại học Đông Đô hợp thức hóa thông tin đến với học viên.

Như chúng ta đã biết, việc đào tạo văn bằng 2 hiện nay vẫn phải thực hiện theo Thông tư 22/2001/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT vẫn chưa có một văn bản nào điều chỉnh hoặc có văn bản thay thế cho dù các điều khoản của thông tư này không còn phù hợp với Luật giáo dục Đại học.

Vì sao trường Đại học Đông Đô lại ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2? - 1

Tại điều 3 của Thông tư 22/2001//QĐ-BGDĐT nêu rất rõ về điều kiện để được đào tạo bằng đại học thứ hai. Theo đó, việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá chính quy của ngành đó tốt nghiệp.

Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, quy mô hệ chính quy đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Một quy trình quản lý đào tạo văn bằng 2 khá chặt chẽ nhưng điều đáng nói là Bộ GD-ĐT chưa một lần công bố danh sách công khai các trường được phép đào tạo văn bằng 2 cho dư luận được biết, đây có thể là tiền đề giúp trường Đại học Đông Đô thực hiện sai quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, năm 2017 trường Đại học Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước.

Năm 2018, trường Đại học Đông Đô có đưa ra thông báo về tuyển sinh văn bằng 2 ở ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung.

Đặc điểm chung của các thông báo tuyển sinh văn bằng 2 của trường Đại học Đông Đô đều có dòng thông báo áp dụng theo Phương thức tuyển sinh riêng, triển khai theo “Đề án tuyển sinh Đại học năm 2017” đối với ngành tuyển sinh năm 2017; Triển khai theo “Đề án tuyển sinh Đại học năm 2018” đối với các ngành tuyển sinh năm 2018.

Trong khi đó, theo Đề án tuyển sinh Đại học năm 2017 của trường Đại học Đông Đô thì nhà trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai hệ đại học chính quy là 150 dành cho khối ngành III,V và VII.

Vì sao trường Đại học Đông Đô lại ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2? - 2

Chỉ tiêu xác định trong đề án tuyển sinh năm 2018 của trường Đại học Đông Đô. 

 Năm 2018 trường tự xác định chỉ tiêu văn bằng 2 hệ đại học chính quy là 400, vừa học vừa làm là 150 ở các khối ngành III,V và VII.

Không chỉ đưa thông tin chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2, trường Đại học Đông Đô còn tự đưa cả chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, liên thông, từ xa vào trong đề án. Đáng chú ý quy mô đào tạo thạc sĩ cũng khá lớn khi chỉ tiêu năm 2017 là 500; 2018 là 550.

Năm 2019 trường cũng tự xác định chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy là 500; vừa học vừa làm là 150. Còn số chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tăng lên 750.

Vì sao trường Đại học Đông Đô lại ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2? - 3

File đề án tuyển sinh năm 2019 của trường Đại học Đông Đô được công bố trên cổng thông tin tuyển sinh - Bộ GD-ĐT tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ , liên thông, từ xa. 

Vì sao trường Đại học Đông Đô lại ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2? - 4

Phần chỉ tiêu tuyển sinh của đề án năm 2019. 

Điều đáng nói, Đề án tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công khai hàng năm đó là hình thức đào tạo đại học chính quy; nhóm ngành đào tạo cao đẳng giáo viên hệ chính quy nhưng trường Đại học Đông Đô đã “khôn khéo” lồng ghép cả việc đào tạo thạc sĩ, văn bằng 2, liên thông, từ xa vào trong đề án này để công bố lên công thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Chính việc công bố đó đã khiến nhiều thí sinh lầm tưởng trường đã được cấp phép khi đề án đã được Bộ GD-ĐT thẩm định.

Theo Quy chế tuyển sinh tuyển sinh hệ đại học chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên thì tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Yêu cầu là thế nhưng không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại không phát hiện ra để “tuýt còi” trước những sai phạm của trường Đại học Đông Đô. Câu hỏi này chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến Bộ GD-ĐT để sớm có lời giải đáp.

Liên quan đến “khuất tất” dẫn đến sai phạm nghiêm trọng của trường Đại học Đông Đô, Dân trí đã gửi các câu hỏi sang Bộ GD-ĐT để tìm câu trả lời.

Trả lời Dân trí sáng 13/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho hay, hiện đã giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu trả lời, chậm nhất trong ngày hôm nay các đơn vị phải hoàn thành.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm