Vì sao TPHCM chưa xóa dạy thêm, học thêm trong nhà trường?
(Dân trí) - Trong điều kiện nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới; phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức nên nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận phụ huynh học sinh.
Nội dung kết luận của Thường trực Thành ủy TPHCM về chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay nêu ra lý do về việc chấm dứt dạy thêm, học thêm cần phải có lộ trình.
Kết luận này cũng nhấn mạnh: Chủ trương chấm dứt tình trạng dạy học thêm tràn lan, tiêu cực của Thường trực Thành ủy với Nghị quyết, chủ trương của Đảng và phù hợp với mong muốn của người dân thành phố.
Trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới; phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức nên nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận phụ huynh HS.
Vì vậy, việc triển khai chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh HS và đội ngũ thầy cô giáo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đúng chủ trương của Đảng.
Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố khẩn trương trình Ban Thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS(HS).Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định, tạo điều kiện cho HS được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian dạy thêm, học thêm cho giáo viên và HS.
Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai thực hiện nhiều nội dung khác trong quá trình thực hiện lộ trình chấm dứt dạy thêm, học thêm.
Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số HS trên lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường, tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp dạy - học, tăng cường hoạt động thí nghiệm, giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh…
Khẩn trương hoàn thiện các quy định, cơ chế để tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là lĩnh vực nhân sự, tài chính; hướng tới nâng cao việc tổ chức, hoạt động của trường, chất lượng giảng dạy, học tập của thầy và trò, cải thiện đời sống giáo viên, thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ cơ sở tại trường học.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên về nhà ở, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục. Tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp giáo giaoáodục, đào tạo nguồn nhân lực của thành phố. Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nhằm tăng thêm nguồn phụ cấp cho giáo viên dạy các lớp vượt sĩ số theo chuẩn, phụ cấp dạy phụ đạo cho HS chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng HS giỏi bằng nguồn ngân sách của thành phố.
Tiếp tục rà soát quy hoạch để ưu tiên giao đất đầu tư xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới trên 10.000 dân trước năm 2020.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo tốt việc tập hợp các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo có chuyên môn cao, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng chương trình mới, tạo điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích HS tự học, hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho HS.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)