1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Vì sao không nên "bêu danh" người dùng bằng giả của trường ĐH Đông Đô?

(Dân trí) - Không nên công khai danh tính, và chúng ta cũng chưa đủ căn cứ pháp lý để có quyền "bêu danh" những người có văn bằng 2 Anh văn của trường ĐH Đông Đô trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, ĐH Quốc gia Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ bằng giả văn bằng 2 Anh văn trường ĐH Đông Đô.

Vì sao không nên bêu danh người dùng bằng giả của trường ĐH Đông Đô? - 1

"Có cầu, thì sẽ có cung"

Phóng viên: Thưa GS, ông nhận định như thế nào về sự việc bằng giả ngôn ngữ Anh ở trường ĐH Đông Đô?

GS Nguyễn Đình Đức: Với thực tiễn quản lý công tác đào tạo, chúng tôi thường xuyên phải xác minh văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, và việc xuất hiện bằng giả (văn bằng không trong danh sách được cơ sở đào tạo đã cấp cho người học) không phải là không có, nhất là những năm gần đây.

Vì vậy, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là công đoạn vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình tuyển dụng, sử dụng cán bộ, cũng như trong quá trình đào tạo (các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải xác minh văn bằng, chứng chỉ khi tuyển sinh và cần lưu ý, chú trọng hơn về vấn đề này khi người học đăng ký học tập ở các bậc cao hơn).

Vụ việc bằng 2 ngôn ngữ Anh ở trường ĐH Đông Đô có thể xem là "bằng thật, học giả". Nhà trường có tuyển sinh và người học có ghi danh nhưng quá trình đào tạo đã không tuân thủ các quy định, quy chế về tổ chức và quản lý đào tạo hiện hành.

Tôi cho rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người lãnh đạo và trực tiếp tham gia quản lý chương trình này của nhà trường, đã cố tình vi phạm quy chế đào tạo. Những bằng được cấp như thế này hết sức nguy hiểm vì nếu không có cơ quan có chức năng điều tra và phát hiện, sẽ dẫn đến thật giả, vàng thau lẫn lộn.

Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với cơ quan quản lý, các trường đại học, với người có nhu cầu học và toàn xã hội. "Có cầu, thì sẽ có cung", đó là quy luật cung - cầu tất yếu và khách quan. Và không chóng thì chầy, sự gian dối sẽ bị phơi bày. Ở nước ngoài cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

Cách đây hơn chục năm, tôi biết rõ một đại học khá danh tiếng của một nước rất phát triển cũng đã vướng vào vụ bê bối "bằng thật, học giả" và hiệu trưởng đã bị cách chức.

Hiện nay, các trường đại học đang thực hiện tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình trước xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện ra các văn bản quy định, quy chế và kiểm tra, giám sát. Chính các trường đại học phải chịu trách nhiệm thanh tra giám sát nội bộ một cách nghiêm túc, khách quan và thường xuyên hơn. Thực hiện đúng và nghiêm túc quy chế, quy định về tổ chức và quản lý đào tạo thì sẽ không có kẽ hở cho tiêu cực phát sinh.

Phóng viên: ĐH Quốc gia Hà Nội có thực hiện rà soát sử dụng bằng ngôn ngữ Anh trường ĐH Đông Đô với học viên, nghiên cứu sinh của trường và kết quả thế nào thưa GS?

GS Nguyễn Đình Đức: Ngay sau khi báo chí đưa tin về vụ việc văn bằng 2 trường ĐH Đông Đô, để ngăn chặn việc sử dụng văn bằng này, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có văn bản số 2477/ĐHQGHN-ĐT ngày 09/8/2019 chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN rà soát toàn bộ văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của người học đã tốt nghiệp từ 2016 (trong vòng 3 năm trước) đến nay (2019) và lập danh sách những người học đã sử dụng văn bằng 2 của ĐH Đông Đô; đồng thời dừng việc sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ Anh do trường ĐH Đông Đô cấp trong tuyển sinh đầu vào cũng như xét chuẩn đầu ra ngay từ tháng 8/2019.

Chính nhờ có chỉ đạo kiên quyết, kịp thời đó, các cơ sở đào tạo đã phát hiện 3 nghiên cứu sinh, trong đó có 2 trường hợp dùng để xét đầu vào và 1 để xét đầu ra ngay từ sớm (2019), nhà trường đã loại văn bằng đó khỏi hồ sơ và người học cũng đã kịp thi lại để lấy chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ.

Vì sao không nên bêu danh người dùng bằng giả của trường ĐH Đông Đô? - 2

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, ĐH Quốc gia Hà Nội

Không nên công khai danh tính người học

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải công khai danh tính của những người mua bằng giả của trường ĐH Đông Đô, là người làm đào tạo, GS nghĩ sao về vấn đề này?

GS Nguyễn Đình Đức: Trước hết, trách nhiệm về sai phạm này, như tôi đã nói ở trên, hoàn toàn thuộc về những người lãnh đạo và trực tiếp tham gia quản lý chương trình này của trường ĐH Đông Đô, đã cố tình vi phạm quy chế tổ chức và quản lý đào tạo.

Không thể đổ lỗi cho người học nếu nhà trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế, quy định. Việc xử lý những người sử dụng văn bằng này là cấp thiết và phải làm ngay.

Giải pháp trước mắt là dừng việc công nhận tính hợp pháp của văn bằng này. Những người đã sử dụng văn bằng đó để nhận học vị, học hàm hoặc để tiến thân đều phải bị xem xét lại và hủy bỏ.

Đây là "bản án" nghiêm khắc và thỏa đáng dành cho người mua bằng. Đồng thời, những người này sẽ mất uy tín và tín nhiệm trong cơ quan, tổ chức. Các cơ quan, tổ chức cũng có thể xem xét mức độ gây hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng văn bằng này đến đâu để có hình thức xử lý phù hợp theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

Ở một số nước, kết quả học tập còn được xem là tài liệu được nhà trường quản lý theo từng cá nhân và không công khai. Mặt khác, cuộc sống là quá trình vận động, phát triển và tiến hóa. Ngay cả những người phạm tội còn có cơ hội làm lại cuộc đời.

Chúng ta cần nhìn nhận đúng mực và khách quan về việc này, để người học đã chót dính vào việc sử dụng văn bằng giả có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Nhất là với các bạn trẻ, tương lai còn đang ở phía trước. Hy vọng qua sự việc này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người.

Và vì vậy, cá nhân tôi cho rằng không nên công khai danh tính, và chúng ta cũng chưa đủ căn cứ pháp lý để có quyền "bêu danh" những người có văn bằng 2 Anh văn của trường ĐH Đông Đô trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xem xét công nhận có thời hạn bằng đại học ngoại ngữ

Phóng viên: Chính vì văn bằng 2 ngoại ngữ là "giấy thông hành" cả đời cho mọi bậc tuyển sinh sau đại học, nâng ngạch khiến thị trường này sôi động; trường tìm mọi cách "lách luật", tìm đủ kiểu để thu tiền chiếm lợi và sự dễ dãi "nộp tiền là có bằng", đã nảy sinh học giả bằng thật. Theo GS giải quyết vấn đề này như thế nào?

GS Nguyễn Đình Đức: Quy định yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ đầu vào khi tuyển sinh cũng như đầu ra khi tốt nghiệp cho các bậc học và với công chức, viên chức khi nâng ngạch, bậc đã có tác dụng tích cực thúc đẩy việc học và sử dụng tiếng Anh trong nhà trường và trong cơ quan, tổ chức và qua đó đã góp phần tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sự hội nhập của đất nước.

Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ B1. B2 chỉ có thời hạn, nhưng các văn bản hiện nay quy định nếu có bằng đại học ngoại ngữ thì sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu chuẩn về ngoại ngữ nói trên không có thời hạn. Do đó, bằng đại học ngoại ngữ, cả chính quy, văn bằng 2, lẫn vừa làm vừa học vô hình chung đã trở thành "giấy thông hành về ngoại ngữ" suốt đời cho những ai có nó.

Ngoại ngữ lâu không sử dụng cũng sẽ quên, vì vậy, việc cấp bách là chúng ta cũng nên điều chỉnh, xem xét công nhận có thời hạn năng lực ngoại ngữ của những người đã có bằng đại học ngoại ngữ.

Với những người không phải là giáo viên, phiên dịch viên, không thường xuyên làm việc ở môi trường sử dụng ngoại ngữ, có thể công nhận bằng đại học ngoại ngữ chỉ có giá trị trong vòng 5 năm và sau đó để đạt chuẩn phải thi lấy lại chứng chỉ. Có như vậy mới hạn chế được uy lực của tấm "thông hành suốt đời về ngoại ngữ" và hạn chế được tiêu cực.

Đồng thời, việc cấp bách là chúng ta phải thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý và đào tạo văn bằng 2 và vừa làm vừa học, cả đào tạo và cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh (thông dụng nhất) trong tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo/trung tâm ngoại ngữ trên cả nước.

Các cơ sở giáo dục đào tạo ngoại ngữ phải đáp ứng đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt phải tích cực đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa phương pháp giảng dạy tiếng nước ngoài.

Đào tạo chính quy, văn bằng 2 hay vừa làm vừa học về ngoại ngữ đều phải đáp ứng yêu cầu cho người học được tăng cường học nói, học nghe hiểu, học thực hành trong phòng máy và các phương tiện hỗ trợ khác, để đảm bảo người học khi ra trường có bằng đại học ngoại ngữ phải nói được, hiểu được, viết được bằng ngoại ngữ. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, tôi cho rằng người có bằng đại học ngoại ngữ cũng sẽ chỉ là bằng thật, học giả mà thôi.

Các trường đại học phải nâng cao kỷ cương và trách nhiệm với xã hội về chuẩn đầu ra đã cam kết, tăng cường, thường xuyên thanh tra giám sát nội bộ nghiêm túc, khách quan việc thực hiện quy chế trong tổ chức và quản lý đào tạo, đặc biệt với đặc thù như đào tạo ngoại ngữ.

Các cơ quan quản lý nhà nước nhân lực có hạn, nên để hạn chế và phát hiện những tiêu cực và đảm bảo chất lượng, bên cạnh việc tự kiểm tra giám sát trong nội bộ nhà trường, thì sự giám sát của người học với nhà trường, của người học với người học và giám sát của người dân và xã hội với hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ có vai trò rất quan trọng.

Mặt khác, tiêu cực xuất phát từ quy luật cung - cầu. Theo tôi, để giảm tiêu cực, quan trọng nhất là chúng ta cũng nên xem xét sửa đổi, điều chỉnh lại yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ hiện nay với đầu vào và đầu ra của các bậc đào tạo cho khả thi với thực tế và thực chất hơn.

Vì sao không nên bêu danh người dùng bằng giả của trường ĐH Đông Đô? - 3

Để người học đã chót dính vào việc sử dụng văn bằng giả có cơ hội chuộc lại lỗi lầm

Cần kiểm tra và đánh giá tổng thể chuẩn ngoại ngữ B1 và B2 và bằng đại học ngoại ngữ

Phóng viên: Cần thay đổi quy định nào để thúc đẩy năng lực thực của người học và tránh việc sính bằng cấp trong xã hội hiện nay thưa GS?

GS Nguyễn Đình Đức: Việc yêu cầu chuẩn ngoại ngữ đầu ra của các chương trình đào tạo là rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và toàn cầu như hiện nay.

Có động cơ và động lực thì học tập sẽ thực chất. Không có động lực thì học tập trở thành áp lực và hình thức, vì vậy, chúng ta cần phải tạo và thúc đẩy động lực học ngoại ngữ cho người học. Đồng thời, xóa bỏ những rào cản không khả thi và hình thức.

Cần tiếp tục đổi mới giảng dạy tiếng Anh mạnh mẽ hơn nữa trong tất cả các bậc học, đặc biệt ở bậc đại học theo phương châm thực chất, hiệu quả, học ngoại ngữ phải có môi trường gắn kết chặt chẽ thường xuyên với hành, và lường trước, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể phát sinh.

Ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc với những người muốn du học, học các chương trình bằng tiếng nước ngoài, các chương trình tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Đối tượng này không có ngoại ngữ thì không theo học được.

Còn với các đối tượng khác, yêu cầu chuẩn đầu ra B1, B2 những năm qua liệu có hiệu quả và đã hoàn toàn phù hợp? Không ít sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh không học đến nơi đến chốn nhưng đã tìm mọi cách để có chứng chỉ/bằng về ngoại ngữ để được miễn học, miễn thi khi đánh giá chuẩn đầu vào/đầu ra.

Kể từ năm 2017 khi ban hành Quy chế tiến sĩ mới, chứng chỉ quốc tế tiếng Anh được xem như rào cản để chúng ta hạn chế quy mô tuyển sinh và đào tạo của các "lò ấp tiến sĩ" và đã tỏ ra hiệu quả, nhưng với việc thay thế yêu cầu chứng chỉ quốc tế bằng bằng đại học ngoại ngữ, sau 3 năm thực hiện, chúng ta hãy rà soát xem có bao nhiêu nghiên cứu sinh đã dùng văn bằng 2, bằng đại học vừa làm vừa học ngoại ngữ (của các trường đại học khác, không cứ của ĐH Đông Đô) để thay thế?

Đã đến lúc chúng ta cần kiểm tra và đánh giá một cách tổng thể và khách quan chuẩn ngoại ngữ B1 và B2 và bằng đại học ngoại ngữ (văn bằng 2, vừa làm vừa học) của người học xem thực chất đáp ứng đến đâu?

Nếu không hiệu quả và không thực chất, phải chấn chỉnh việc cấp bằng/chứng chỉ cũng như điều chỉnh hoặc bãi bỏ nhưng yêu cầu hình thức này, vì vô hình chung lại là rào cản với người học và tạo kẽ hở và cơ hội cho một số cơ sở/trung tâm đào tạo và cấp bằng/chứng chỉ ngoại ngữ theo kiểu "bằng thật, chứng chỉ thật nhưng học giả" nảy nở mà tôi tin là trường ĐH Đông Đô chưa phải là duy nhất.

Thử hỏi có bao nhiêu người có chứng chỉ B1, B2 hoặc bằng đại học ngoại ngữ tiếng Anh xung quanh chúng ta nhưng vẫn không giao tiếp được hoặc không viết nổi một đoạn văn hoàn chỉnh bằng tiếng Anh? Việc Bộ GD-ĐT vừa qua tuyên bố hủy bỏ yêu cầu bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với giáo viên, tôi cho là một hành động rất kịp thời và tích cực.

Thời đại hiện nay, nhân lực tài năng mới là nguồn lực lớn nhất và lợi thế nhất. Để tránh việc sính bằng cấp, đã đến lúc cơ quan, tổ chức - người sử dụng lao động phải trọng người có tài, có năng lực và lấy cống hiến thực sự của họ là thước đo để đãi ngộ và đánh giá.

Suy cho cùng, trọng dụng nhân tài, dùng người đúng tài đúng việc và công minh là cái gốc của sự đoàn kết, phát triển và cũng là cái gốc để xóa bỏ việc chạy theo hư danh, sính bằng cấp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn GS!