Nữ giám đốc "môi giới" học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì?

Ảnh Đỗ Linh Bài Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo kết luận điều tra của Bộ Công An, Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục đã làm trung gian, giới thiệu 14 trường hợp cho Trường Đại học (ĐH) Đông Đô cấp bằng giả.

Nữ giám đốc "môi giới" học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì?

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 10 bị can là cán bộ Trường ĐH Đông Đô về hành vi "Giả mạo trong công tác".

Ngoài các bị can đã khởi tố, kết quả điều tra vụ án còn xác định có 4 cá nhân có liên quan trong việc trung gian, giới thiệu các cá nhân để được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, trong đó có bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1987, ở Cầu Giấy - Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục Việt Nam) đã giới thiệu 14 trường hợp.

Những cá nhân có liên quan đều biết Trường ĐH Đông Đô tổ chức hợp thức hồ sơ để cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả nhưng vẫn trung gian, giới thiệu các cá nhân có nhu cầu để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả. 

Theo kết luận điều tra, hành vi của Nguyễn Thị Hiền và một số người khác có dấu hiệu phạm tội "Giả mạo trong công tác" với vai trò đồng phạm giúp sức.

Tuy nhiên, số người này không phải là các đối tượng có vai trò quyết định trong việc thực hiện cấp bằng giả; không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng; không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng; không có tài liệu xác định việc hưởng lợi trong việc trung gian, giới thiệu. Vì vậy, không cần thiết phải xử lý hình sự nhóm cá nhân này.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục đã làm trung gian "môi giới" học viên với trường ĐH Đông Đô; bà Hiền hiện nay là đại diện pháp lý của một nhóm học viên để đi đòi quyền lợi.

Nữ giám đốc môi giới học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì? - 1

Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục, người "môi giới" học viên đến học tại trường ĐH Đông Đô

Phóng viên: Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo giáo dục Việt Nam do bà làm giám đốc đã ký kết với trường ĐH Đông Đô về giới thiệu học viên tới học từ thời gian nào?

Nguyễn Thị Hiền: Năm 2018, công ty chúng tôi có ký hợp đồng với trường ĐH Đông Đô. Trong điều khoản của hợp đồng, công ty chỉ có chức năng chính là tư vấn về hoạt động tuyển sinh của nhà trường (bao gồm các khóa học ngắn hạn, dài hạn và các chương trình học chính quy, văn bằng 2, thạc sĩ, tiến sĩ).

Phần trăm công ty được hưởng ở nhà trường gần như không có mà chỉ có hưởng tiền tư vấn. Chúng tôi môi giới học viên đến với trường ĐH Đông Đô với nhiệm vụ, hướng dẫn học viên làm hồ sơ dựa trên thông báo của nhà trường và sau đó, học viên chuyển về trường.

Thông qua thông báo tuyển sinh của nhà trường, công ty chúng tôi đã đầu tư chi phí marketing để giới thiệu về các khóa tuyển sinh đào tạo của nhà trường và có một số lượng học viên (38 người ở Lâm Đồng, Đà Lạt) và hơn 40 học viên ngoài Hà Nội, tổng cộng xấp xỉ 80 học viên.

Đối tượng học viên học văn bằng 2 mà công ty tôi giới thiệu chủ yếu là sinh viên, cán bộ công chức, viên chức cũng như những người đi học có nguyện vọng làm đầu vào, đầu ra của bằng thạc sĩ, nghiên cứu sinh.

Phóng viên: Vậy trường ĐH Đông Đô tổ chức dạy và học như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Trường Đại học Đông Đô đã thu học phí của các học viên và thông báo, các học viên ở xa nên trường áp dụng hình thức học 50% online và 50% thực tế  (giáo viên nhà trường  bay vào dạy). Hiện nay, một số người đã lấy bằng trước (12 người), một số khác chưa lấy bằng…

Sau khi giới thiệu học viên vào trường thì bên công ty chúng tôi không thể kiểm soát được trường dạy gì, lịch học thế nào… đến khi thi cử thì chúng tôi bố trí vé máy bay  để giáo viên nhà trường di chuyển. Tiền này do quỹ lớp đóng ra.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2019, đã có rất nhiều học viên nhập học hệ văn bằng 2 tiếng Anh của trường thì đến tháng 4/2019, cơ quan điều tra an ninh vào cuộc nên nhà trường đã cho học sinh tạm dừng việc học không lý do.

Thông qua các phương tiện truyền thông báo chí chúng tôi được biết nhà trường chưa được cấp giấy phép đào tạo Văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nên rất hoang mang.

Hiện nay, các học viên do công ty chúng tôi giới thiệu đã ủy quyền đại diện pháp lý cho tôi đi đòi lại quyền lợi cho họ vì nhiều học viên của tôi đang đi làm là thạc sĩ, nghiên cứu sinh nên họ không muốn lộ mặt.

Phóng viên: Những học viên ủy quyền cho bà làm đại diện pháp lý họ đòi quyền lợi gì?

Bà Nguyễn Thị Hiền:  Hiện nay, nhóm 1 là các học viên đã lấy bằng và nhóm 2 là những trường hợp đã tham gia chương trình học đầy đủ theo quy trình của nhà trường. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, các bằng do trường ĐH Đông Đô cấp khi chưa được phép nên có khả năng sẽ bị hủy.

Do đó, tâm tư nguyện vọng của các học viên đã được cấp bằng là xin kiến nghị Bộ GD-ĐT có thể giao một bên thứ 3 tổ chức sát hạch lại, ví dụ như trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN hoặc trường ĐH Hà Nội để bằng đó được chính thức công nhận.

Chương trình mà các học viên đã học trong 2 năm, các học viên thu nhận được khá nhiều kiến thức nhưng giờ bằng không được công nhận nên xảy ra nhiều vấn đề. Các cơ quan đang sử dụng bằng này thì lập tức bác bỏ kết quả của các học viên, thứ hai tư cách danh dự và nhân cách của học viên bị ảnh hưởng rất lớn vì đây như một hành vi gian dối, lừa đảo của nhà trường.

Bởi lẽ, những người học thực bây giờ cũng bị đánh đồng với người học giả. Hiện nay, không công khai danh tính của học viên đi học cũng như học viên không đi học, như vậy những người có học bằng thực cũng coi như là không đi học.

Bên cạnh đó, một số học viên đã có quyết định làm nghiên cứu sinh đầu vào hay đầu ra thì bây giờ gần như quyết định đó không có hiệu lực. Thời gian, tiền bạc, công sức của các học viên đó là con số 0.

Nói chung, nguyện vọng của học viên là nhà trường trả lại học phí để đăng ký học một trường khác được cấp phép để phục vụ việc học đảm bảo tiến độ đầu ra càng sớm càng tốt.

Vì trước đó, ngày 7/11/2019, tôi và đại diện lớp đã làm việc với trường ĐH Đông Đô và nhà trường hứa: sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhà trường có chức danh Chủ tịch Hội đồng trường hoặc hiệu trưởng nhà trường sẽ giải quyết nguyện vọng của sinh viên. Đối với nhữn học viên học thật thi thật và đã được nhà trường cấp bằng 2 tiếng Anh, nếu văn bằng này không được Bộ GD-ĐT công nhận thì sinh viên nộp lại bằng, nhà trường trả lại học phí.

Nữ giám đốc môi giới học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì? - 2

Thông báo của trường ĐH Đông Đô gửi học viên

Ngày 13/11/2019, trường ĐH Đông Đô có công văn về đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, học viên do Phó hiệu trưởng nhà trường Lê Ngọc Tòng ký thông báo:

"Trường ĐH Đông Đô đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để thành lập Hội đồng trường và chức danh hiệu trưởng theo quy định của Luật giáo dục đại học sửa đổi ban hành năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Sau khi thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm hiệu trưởng, trường ĐH Đông Đô sẽ giải quyết nguyện vọng của sinh viên, học viên sau 15 ngày làm việc.

Đối với những sinh viên học thật, thi thật và đã được nhà trường cấp văn bằng 2 tiếng Anh, nếu văn bằng này không được Bộ GD-ĐT công nhận thì sinh viên có thể nộp lại văn bằng và Nhà trường hoàn trả lại học phí.

Đối với những sinh viên đang theo học văn bằng 2 tiếng Anh (học thật, thi thật) nhà trường tạm dừng việc đào tạo và sẽ giải quyết quyền lợi cho sinh viên sau khi có kết luận của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an".

Đến ngày 26/2/2020, trường ĐH Đông Đô công bố trên website đã có Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường.

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố.

Do đó, học viên mong muốn trường ĐH Đông Đô và Bộ GD-ĐT sớm giải quyết cho những kiến nghị trên của chúng tôi.

Phóng viên: Tại sao các học viên không muốn công khai danh tính để đòi hỏi quyền lợi việc học thực của mình?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Tất cả học viên họ không mong muốn việc công khai này. Thứ nhất sự việc đã quá lùm xùm. Thứ hai, giờ đã có kết luận của cơ quan điều tra và sự việc nằm trong quản lý của Bộ GD-ĐT nên Bộ cần rà soát lại năng lực ngoại ngữ của học viên và sớm công nhận bằng cho họ. 

Còn một số học sinh đã có bằng rồi nhưng cơ quan họ đang công tác không sử dụng bằng học được cấp ở trường ĐH Đông Đô. Nhóm học viên này đa phần mong muốn trường trả lại học phí.

Nữ giám đốc môi giới học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì? - 3

Công văn Bộ GD-ĐT trả lời học viên trường ĐH Đông Đô

Phóng viên: Được biết, bà đã nhiều lần lên Bộ GD-ĐT kiến nghị và kêu cứu, vậy Bộ GD-ĐT  trả lời như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Trước đó, học viên chúng tôi cũng đã nhiều lần lên làm việc với Bộ GD-ĐT, ngày 24/6/2020, Bộ trả lời bằng văn bản do Phó Chánh Thanh tra Ngô Minh Hưng ký với nội dung: "Hiện nay, Bộ Công an đang khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại trường ĐH Đông Đô. Việc trường ĐH Đông Đô tổ chức đào tạo và thu học phí không đúng quy định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và công dân có quyền khởi kiện trường đến Tòa án nhân dân để yêu cầu bồi thường các quyền và lợi ích hợp pháp.

Trên cơ sở kết luận vụ án của cơ quan có thẩm quyền, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo trường ĐH Đông Đô thực hiện trách nhiệm của mình, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người học".

Quyền lợi ở đây bao gồm  học phí mà học sinh đã đóng về nhà trường và văn bằng không có giá trị sử dụng. Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT giữ đúng lời hứa.

Phóng viên: Tại sao các phương tiện truyền thông đã đưa lùm xùm về đào tạo của trường ĐH Đông Đô từ năm 2017 mà đến năm 2018, 2019, học viên vẫn đến đăng ký học và nộp tiền văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại đây?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Không phải học viên nào cũng có thời gian theo dõi thông tin trên báo chí. Tất cả giấy báo nhập học của nhà trường đều đóng dấu đỏ. Một trường đại học có 24 năm bề dày lịch sử lại trực thuộc Bộ GD-ĐT thì làm sao học viên lại không tin.

Trong khi đó, nhà trường đưa ra thông tin văn bản tuyển sinh gửi về nhiều UBND tỉnh, vậy nên người học vẫn tin tưởng. Chúng tôi nghĩ người học không có nhiệm vụ tìm hiểu trường có được cấp giấy phép quản lý hay không. Đây là lỗi của cơ quan quản lý đào tạo.

Khi sự việc xảy ra, là đơn vị tư vấn, chúng tôi đã thông báo các học viên dừng việc học. Bên chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với nhà trường và đưa ra giải pháp.

Công ty chúng tôi chỉ là một trong số hàng trăm đại lý, công ty tư vấn làm việc với trường ĐH Đông Đô. Còn về cơ bản, đầu vào của trường ĐH Đông Đô cũng khá giống với các đại học khác, đều tạo điều kiện cho học viên vì bản chất là học viên học thêm.

Thêm nữa, trong khi các trường ĐH khác tuyển sinh theo đợt thì  trường ĐH Đông Đô đủ quân số là tổ chức khai giảng liên tục nên học viên không cần chờ đợi.

Nữ giám đốc môi giới học viên đến trường ĐH Đông Đô nói gì? - 4

Nữ giám đốc "môi giới" học viên trình bày các văn bản ký kết với trường ĐH Đông Đô

 Phóng viên: Mỗi trường hợp học viên được  "môi giới", trường  ĐH Đông Đô trả cho công ty bà bao tiền?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Mỗi một học viên, trường Đại học Đông Đô thu tiền cả khóa ngay khi học viên vào học với số tiền là 29 triệu đồng/ học viên, 1 triệu lệ phí đầu vào, 1 triệu lệ phí đầu ra. Tổng là 31.820.000 đồng/ 1 học viên.

Mỗi hồ sơ, do chi phí quảng cáo, trường ĐH Đông Đô trả cho bên chúng tôi 3 triệu đồng với điều kiện học viên tốt nghiệp lấy bằng chứ không trả ngay.

Phóng viên: Cám ơn bà!

Lợi dụng sơ sở, thiếu sót của Bộ GD-ĐT để cấp bằng tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh

Kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an nhấn mạnh, vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; các bị can đã lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ quy định về văn bằng giáo dục đại học của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo, cấp bằng đại học thứ 2, có cơ sở xác định các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy do Trường ĐH Đông Đô cấp cho các đối tượng nhưng không đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng là bằng giả.

Các bị can Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ đều là người có chức vụ tại Trường ĐH Đông Đô; các bị can Phạm Vân Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Lê Thị Thanh Tâm, Ngô Quang Hiển, Lê Thị Lương có nhiệm vụ, quyền hạn phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo, làm thủ tục cấp bằng của Trường ĐH Đông Đô đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm, cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu. 

Căn cứ tài liệu thu giữ được, Cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019); 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị....

Hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường ĐH Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm