Vì sao học sinh vẫn chưa mặn mà học nghề?
(Dân trí) - Dù mới bắt đầu tuyển sinh nhưng nhiều trường THPT trên địa bàn Đắk Nông đã tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ xét tuyển, trong khi đó số học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề rất ít.
Vẫn áp lực tuyển sinh THPT
Năm học 2023-2024, trường THPT Gia Nghĩa (TP Gia Nghĩa) được giao chỉ tiêu 340 học sinh lớp 10. Dù mới tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh trong 2 ngày thế nhưng nhà trường đã nhận gần đủ số lượng chỉ tiêu.
Dự kiến, số lượng hồ sơ nộp vào trường THPT Gia Nghĩa sẽ tiếp tục tăng sau khi Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, Trường Dân tộc Nội trú N'Trang Lơng công bố kết quả của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.
Năm học trước, Trường THPT Gia Nghĩa là một trong số các trường gặp áp lực về tuyển sinh khi số lượng hồ sơ xét tuyển tăng đột biến. Sau đó, nhà trường phải xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên hơn 400 học sinh so với 350 chỉ tiêu như kế hoạch giao trước đó.
Tương tự, Trường THPT Krông Nô nằm ngay trung tâm của huyện Krông Nô. Đây là một trong 3 trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có số lượng học sinh đông nhất, với vùng tuyển sinh tại 9/12 xã, thị trấn của huyện Krông Nô.
Trong những năm qua, trường cũng liên tục gặp áp lực về tuyển sinh đầu cấp, do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu nhà trường được giao. Riêng năm học 2023-2024, nhà trường dự kiến tiếp nhận hơn 700 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển 530 học sinh.
Bà Lê Thị Chung, Hiệu trưởng trường THPT Krông Nô, cho biết toàn huyện chỉ có 3 trường THPT. Các trường nằm cách nhau 10-30km nên hàng năm đều tiếp nhận rất nhiều hồ sơ tuyển sinh. Chỉ khi nào không trúng tuyển vào các trường THPT, học sinh mới lựa chọn vào các trường nghề.
Theo lãnh đạo trường THPT Krông Nô, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển vào trường nghề còn hạn chế đó là công tác hướng nghiệp, phân luồng cấp THCS chưa thực sự hiệu quả; học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý phải vào học THPT và mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về số lượng.
Làm gì để thu hút học viên học nghề?
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin, ngành Hệ thống thông tin, chị Phạm Thị Thảo Quyên ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) không tìm công việc đúng chuyên ngành đã học mà quyết định mở quán trà sữa.
Trải qua 5 năm, đến nay, chị Quyên đã đầu tư, phát triển 3 quán trà sữa. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, hiện chuỗi cửa hàng trà sữa của chị Quyên còn tạo việc làm cho 30-40 lao động.
Chị Quyên chia sẻ: "Do kinh tế gia đình khó khăn nên để có tiền đóng học phí, bố mẹ tôi đã rất vất vả. Nếu được quay lại, tôi sẽ lựa chọn ngành nghề học phù hợp hơn với năng lực, sở trường của mình và nhu cầu của xã hội".
Lựa chọn học nghề sẽ mở ra nhiều cơ hội về việc làm. Tuy nhiên theo chị Quyên hiện nay, rất nhiều bạn trẻ tại Đắk Nông chưa thực sự quan tâm tới học nghề.
Lý do là bởi ngoài một số trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp đặt tại các huyện, hiện toàn tỉnh Đắk Nông chỉ có 1 trường trung cấp, 1 trường cao đẳng. Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít khiến học sinh không có nhiều sự lựa chọn.
Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo cũng chưa thực sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn học sinh. Đặc biệt, nhiều ngành nghề đang có nhu cầu lao động lớn nhưng chưa có trường, lớp đào tạo tại Đắk Nông.
Theo Sở GD&ĐT Đắk Nông, trong 5 năm trở lại đây, có gần 60% học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp vào các trường cao đẳng, đại học; 20% lựa chọn học nghề, 20% còn lại đi làm, tham gia vào sản xuất.
Đánh giá chung, hiện vẫn còn rất nhiều phụ huynh đặt nặng tâm lý con em mình khi học xong THCS phải học THPT thay vì chọn học nghề.
Bên cạnh đó, một số trường nghề chưa chú trọng đến việc phát triển đa dạng các ngành nghề đào tạo, từ đó gặp khó khăn trong việc thu hút học viên theo học.
Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam (Đắk Nông), cho rằng cần đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS.
Cũng theo ông Chung, trong thời gian tới, cần sắp xếp hệ thống các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội để học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề có thể xin được việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống.