Vì sao học sinh lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra trong TT30 sửa đổi?

(Dân trí) - Theo Dự thảo sửa đổi, ở điều 10, học sinh lớp 1,2,3 chủ yếu đánh giá bằng nhận xét tích cực, chỉ cần kiểm tra vào cuối học kì I và cuối năm. Riêng ở lớp 4 và lớp 5, việc thêm bài kiểm tra giữa kì với môn Tiếng Việt và môn Toán để học sinh tiếp cận với yêu cầu của cấp THCS.

Chống “sốc” khi vào lớp 6

Theo anh Trần Nam (Thanh Miện, Hải Dương) nên phân ra các mức xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu theo khung điểm để đánh giá cho từng em học sinh. Như vậy, các em sẽ vẫn phải bị kiểm tra và chấm điểm nhưng điểm số đó không công bố cho học sinh mà làm cơ sở cho giáo viên nhận xét sức học của từng học sinh một cách thiết thực nhất. Như vậy, giáo viên cũng không cần tốn công sức để tìm các câu chữ để mà nhận xét cho từng học sinh.

Một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội cũng cho hay, hàng tuần cô vẫn cho các bài kiểm tra và chấm điểm môn tiếng Việt và Toán để phụ huynh biết con em mình học như thế nào. Tuy nhiên, điểm số không ghi vào sổ như trước. Cuối học kỳ vẫn có các bài thi và chấm điểm, vì vậy các cháu thấy điểm số kém bạn thì lại cố phấn đấu, gia đình cũng biết con em mình kém môn gì mà nhắc nhở.

Chia sẻ về TT30-2014-BGDĐT tại Hội thảo do Liên hội KHKT Việt Nam tổ chức mới đây, bà Lê Đoan Trang - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) cho biết, giáo viên hoàn toàn ủng hộ TT30/2014-BGDĐT nhưng thực tế đang phát sinh mâu thuẫn.

Với những học sinh tích cực, Thông tư 30 phát huy tác dụng tốt nhưng với học sinh chưa tự giác thì có tình trạng tụt lùi. Đã xảy ra tình trạng phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên khi kết quả kiểm tra cuối năm của học sinh chỉ đạt 1 điểm mặc dù cả học kỳ, cô giáo vẫn gửi nhận xét tình hình học tập của con nhưng phụ huynh không chịu để ý.

TT30 sửa đổi giúp giáo viên được cởi trói
TT30 sửa đổi giúp giáo viên được "cởi trói"

“Khi chúng tôi tham khảo ý kiến của các giáo viên cấp 2 về việc, nếu lứa học sinh này lên cấp 2 thì sẽ ra sao? nhiều người cho biết, học sinh lười học hơn, nhiều em không định lượng được cách thức làm một bài kiểm tra ra sao... Tóm lại, nhiều phụ huynh và học sinh “sốc toàn tập”, bà Đoan Trang nói.

Theo tìm hiểu, khi lên cấp THCS, học sinh sẽ học 11 môn, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn thể dục, nhạc, họa đánh giá bằng nhận xét.

Ngay từ khi vào lớp 6, các em đã phải làm các bài kiểm tra bằng chấm điểm với hình thức hoàn toàn xa lạ mà ở tiểu học chưa từng biết đến như: kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 90 phút… Nhiều HS nhận điểm kém do chưa quen với cách làm bài kiểm tra như thế. Do đó, nhận xét trên đây về việc một số học sinh khi lên cấp 2 bị “sốc” là điều dễ hiểu.

Đảm bảo tính liên thông

Đấy là ý kiến của ông Trần Việt Hùng (Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam) khi nhận xét về việc TT30 nên thay đổi theo hướng nào. Ông cho rằng, phương pháp của hai cấp tiểu học và THCS quá khác biệt nên việc áp dụng TT30 như hiện nay, học sinh sẽ hụt hẫng khi lên lớp 6.

Vì vậy, theo kiến nghị của ông Hùng, cần điều chỉnh TT30 theo hướng vừa nhận xét vừa kết hợp điểm số và tăng dần khi lên lớp 4, lớp 5 là hợp lý và đảm bảo tính liên thông. Cụ thể, tính liên thông sẽ thể hiện ở việc, nên nhận xét bằng lời ở lớp 1 lớp 3. Từ lớp 4 đến lớp 5, nhận xét bằng lời cùng với điểm số, khi lên cấp 2 học sinh không quá hụt hẫng.

Ông Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, mọi đổi mới đều tạo ra phản ứng trái chiều. Nó giống như việc đưa ra một món ăn mới lạ và cần có cơ sở để người dùng tin tưởng sử dụng.

Để TT30 phát huy được tác dụng, không những giáo viên, nhà trường mà phụ huynh cũng phải thay đổi trong việc nhận thức và phối hợp với nhà trường (ảnh minh họa)
Để TT30 phát huy được tác dụng, không những giáo viên, nhà trường mà phụ huynh cũng phải thay đổi trong việc nhận thức và phối hợp với nhà trường (ảnh minh họa)

Xếp loại bằng cách cho điểm rất nhanh nhưng chưa giúp học sinh tiểu học hiểu về bản thân còn thiếu gì, cần khắc phục như thế nào, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của các em. Nếu đánh giá bằng nhận xét sẽ thúc đẩy tốt hơn cho việc học.

Ông chia sẻ, lâu nay giáo viên đánh giá thường xuyên bằng điểm số để biết học sinh đang ở mức nào. Việc cho điểm có nhiều điểm lợi cho học sinh bởi những em đạt điểm 9, 10 rất thích còn học sinh điểm thấp luôn bị ám ảnh.

Nhiều người cho rằng, không đánh giá bằng điểm số, sẽ không biết học sinh đang ở đâu. Tuy nhiên, với vai trò là giáo viên lâu năm và đồng thời là chuyên gia về đánh giá, ông cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng vì điều này.

Khi đánh giá hay nhận xét học sinh, giáo viên tâm huyết phải chỉ ra được các con đúng/sai ở đâu, cần sửa ở chỗ nào, đó mới là đánh giá mang tính phát triển. Đây là cách tiếp cận mới nhưng khi nào giáo viên chưa hiểu được ý nghĩa thì còn băn khoăn lo lắng.

“Lâu nay, việc chấm điểm đã tồn tại cố hữu nhưng chúng ta rất ít quan tâm đến những môn khác như kĩ năng sống hoặc trải nghiệm ngoài môn học nên giáo dục của ta còn phát triển lệch lạc. Khi đổi sang đánh giá bằng nhận xét, chúng ta hãy tự hỏi đánh giá để làm gì? Đánh giá là để phải triển vì sự tiến bộ, vì để phát hiện chính bản thân và thứ 3 là đánh giá kết quả học tập. Lâu nay chúng ta chỉ đánh giá kết quả học tập nhưng đánh giá về quá trình tự học và tự phát triển thì coi nhẹ nên khiến giáo viên gặp khó khăn như hiện nay”, ông Khanh cho hay.

Cũng theo ông Khanh, để TT30 phát huy được tác dụng, không những giáo viên, nhà trường mà phụ huynh cũng phải thay đổi trong việc nhận thức và phối hợp để thường xuyên liên lạc và nhận xét, đánh giá học sinh.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)