Vì sao các trường đại học thực hiện tự chủ nửa vời?
(Dân trí) - Các trường đại học được thí điểm tự chủ đều là những trường đại học lớn và đã được thực hiện một thời gian dài nhưng cho đến nay, theo nhận xét của nhiều chuyên gia việc tự chủ đại học vẫn được cho là nửa vời và đi ngược với xu hướng thế giới. Nguyên nhân vì sao?
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, hiện nay có 15 trường đại học trên cả nước thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên tổng số 436 trường, trong đó 219 trường đại học và 217 trường cao đẳng.
Các trường đại học vẫn một màu
Các quy định về tự chủ đã được cải tiến khá nhiều nhưng vẫn chưa mạnh dạn thực thi, bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định cũng như các trường ĐH vẫn mang tâm lý e dè, thói quen phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của Nhà nước.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, ThS. Nguyễn Ngọc Thảo Trang, Trường Đại học Tài chính-Marketing cho rằng, bị giới hạn bởi luật Giáo dục, cuộc tranh luận tự chủ ĐH của Việt Nam hiếm khi bàn tới vấn đề tự chủ theo đuổi mục tiêu học thuật.
Có thể thấy trong các giới thiệu về trường ĐH, như trên website của các trường chẳng hạn, hầu như tất cả các trường đều đặt mục tiêu đào tạo theo đúng mục tiêu của Luật GD đề ra. Do đó, việc đầu tiên các trường ĐH nên xác định lại mục tiêu hoạt động mang đậm bản sắc của trường hay gọi nôm na là cần tạo ra “thương hiệu” chính mình.
Theo ThS Trang, hiện nay, các trường ĐH tại Việt Nam hầu hết vẫn một màu, nếu dựa vào mục tiêu đào tạo thì không có trường nào nổi bật, phân biệt được với các trường còn lại. Trên thế giới, mỗi một trường đại học danh tiếng được nêu tên đều gắn liền với thế mạnh đặc trưng. Ví dụ: đại học Harvard được xếp là trường đứng đầu về đào tạo kinh tế và khoa học trên thế giới, đại học Stanford lại nghiêng về khoa học máy tính, đại học Princeton mạnh về toán học…
Chuyển Hội đồng trường thành Hội đồng quản trị
Về quản trị đại học, ThS Trang cho rằng, muốn quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, trường ĐH phải được tách ra khỏi cách hoạt động như một tổ chức Nhà nước mà nên được quản lý như mô hình một công ty, một tổ chức độc lập phi chính phủ. Trong đó, một Hội đồng trường được thành lập như Hội đồng quản trị, được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng , quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, sa thải nhân viên), chất lượng đào tạo (tuyển sinh, học phí, chất lượng giảng dạy…).
Việc tuyển dụng giảng viên không nhất thiết phải theo chuẩn chung cả nước mà cần phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc trưng của trường, xác định rõ nhiệm vụ của giảng viên là nghiên cứu khoa học.
Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên đại học không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu trong xã hội (mức sống trung lưu cao cho giảng viên nghiên cứu luôn là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt, để nghiên cứu tốt thì ứng viên tuyệt đối cần thời gian tư duy tự do, không bị ràng buộc bởi "cơm, áo, gạo, tiền"). Vì vậy, cần tăng tính hấp dẫn (cơ chế đãi ngộ, lương bổng…) để các giảng viên hăng say hơn, tránh tình trạng trì trệ trong nghiên cứu.
Mạnh dạn để các trường ĐH thí điểm tự thu tự chi hoàn toàn
Tài chính có vai trò trọng tâm để tạo điều kiện cho các hoạt động học thuật, đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, từ năm 2005, Bộ GDĐT đã giao cho năm trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước, và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước. Tuy vậy, nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo Quyết định 70 và Nghị định 49. Điều nghịch lý là đối với các doanh nghiệp, Nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi; còn đối với trường ĐH được giao tự chủ thì Nhà nước lại không khống chế việc chi mà ngược lại, khống chế mức thu.
Bất cập đó đã khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao.
ThS Trang đề nghị, nhà nước cần mạnh dạn để các trường ĐH thí điểm tự thu tự chi hoàn toàn và chỉ đứng với cương vị giám sát. Hội đồng trường có thể lập bảng kế hoạch tài chính dài hạn trình lên Chính phủ và các cấp liên quan xin cấp trọn gói khoản ngân sách, nếu thông qua Hội đồng trường hoàn toàn tự chủ quản trị thu chi sử dụng, có thể huy động thêm từ nhiều nguồn và tự chịu trách nhiệm về việc thực thi tài chính của mình.
Tách biệt giữa khảo thí và xét tuyển
Đối với tự chủ trong tuyển sinh, các trường cho rằng Bộ GD&ĐT cần có “cơ chế để điều phối chung” các trường ĐH, CĐ trong hệ thống. Thậm chí một cơ sở GDĐH lớn nhất nước là ĐHQG Hà Nội cũng cho biết nếu được lựa chọn, họ không có chủ trương tự mình ra đề và vẫn sẽ chọn... “ba chung”.
Phản ứng của các trường có thể khiến một số nhà quan sát cảm thấy thất vọng vì nó cho thấy các trường chưa sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và chưa tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình.
Chính vì vậy, ThS Trang cho rằng, các trường ĐH công lập được bao cấp tư duy đã quá lâu và chưa có tinh thần “entrepreneurial” - chấp nhận tự mình đương đầu với thách thức, vượt qua nó và được hưởng thành quả tùy theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Họ vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công lập thay vì chấp nhận cạnh tranh tự do và công bằng trong thế giới phẳng.
Theo ThS Trang, giao việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường thật ra không phải là điều đáng khuyến khích, vì đánh giá năng lực thí sinh là một lĩnh vực kỹ thuật cần có chuyên môn sâu và cần đầu tư một nguồn lực lớn mà không phải trường nào cũng có năng lực thực hiện.
Bài toán tuyển sinh có thể giải quyết đơn giản bằng cách tách biệt giữa khảo thí và xét tuyển, như các nước đã làm từ lâu. Bộ GD-ĐT đã “cho” các trường tự chủ ở chỗ không cần tự chủ, trong lúc điều các trường cần là tự chủ trong xét tuyển, tức là tự quyết định các tiêu chuẩn xét tuyển và lựa chọn phương pháp xét tuyển cũng như số lượng tuyển sinh.
Bộ có thể giao cho một tổ chức công lập hoặc tư nhân tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh, tương tự như SAT hay ACT, GRE, GMAT, thực hiện nhiều lần trong năm, tại nhiều địa phương, một cách chuyên nghiệp, bất cứ ai cũng có thể đóng phí để dự thi. Sự liêm chính của kỳ thi này, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể giám sát được.
Hai mặt của một đồng xu khi giao quyền tự chủ
Về mô hình quản lý tự chủ đại học ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ Giáo dục Đại học -Bộ GD&ĐT cho biết, các trường chịu sự quản lý bởi các bộ chủ quản, hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trừ hai đại học quốc gia chịu sự quản lý bởi Chính phủ. Tất cả các cơ sở đào tạo phải thực hiện các quy định quản lý nhà nước về giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối, nhưng về nhân sự và tài chính thì theo sự quản lý của cơ quan chủ quản là các bộ, ngành hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy các trường đại học, cao đẳng của Việt nam được phân loại theo phương diện quản lý thông qua cơ chế bộ chủ quản mà chưa được phân loại xét theo khía cạnh sứ mệnh phát triển của các trường.
TS Thủy cho rằng, tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội của các trường được xem như hai mặt của một đồng xu khi giao quyền tự chủ. Mô hình quản lý đại học được xem là lựa chọn phù hợp khi năng lực của Hội đồng trường đáp ứng mức độ tự chủ được giao theo sứ mệnh của trường; cơ chế thực thi việc quản trị, quản lý trong trường đảm bảo được tính hiệu quả, công bằng, chất lượng của giáo dục đại học.
Theo GS. Phạm Phụ, Đại học Quốc gia Tp. HCM, quá trình thực hiện tự chủ ĐH thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và Hiệu trưởng, sang Hội đồng trường. Mà quyền lực luôn là điều ham muốn của mọi người. Vì vậy, nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng mà thực hiện tự chủ ĐH.
Nhật Hồng