Vị giáo sư “cắp sách đi học lại” để nghiên cứu về Bác Hồ
Có một vị giáo sư Việt kiều đã đủ đầy danh vọng và địa vị nhưng vẫn quyết định dành 9 năm trời “cắp sách đi học lại” để nghiên cứu và bảo vệ luận văn thạc sĩ về Cách mạng tháng Tám và luận án tiến sĩ về Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, PV đã phỏng vấn ông - Giáo sư, Tiến sĩ Việt kiều Mỹ Lê Văn Hóa.
Ông có thể cho biết lý do nào đưa ông tới quyết định nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh?
Khi quyết định bảo vệ luận án tiến sĩ về “Nền tảng văn hóa dân tộc trong tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh”, tôi đang là Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Vật lý và Y học hạt nhân tại Đại học Y khoa Chi-ga-cô (Mỹ). Hồi còn học tiểu học và trung học trong nước, tôi đã say mê môn lịch sử, nhất là giai đoạn các bậc tiền bối yêu nước đứng lên phất cờ khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm. Hồi đó, học thuộc lòng hai tác phẩm nổi tiếng “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo”, tôi đã rất ngưỡng mộ các bậc tiền bối anh hùng nên sau này khi có điều kiện về nước, tôi đã học hỏi và dành rất nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến đại thắng mùa Xuân năm 1975. Con đường đó dẫn tôi tới với công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh, vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam là như vậy.
Vậy trong nhiều nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh, tại sao Giáo sư lại chọn những giá trị truyền thống và văn hóa dân tộc trong tư tưởng của Người để nghiên cứu?
Tôi muốn có thêm dẫn chứng để chứng tỏ sự vô lý trong lập luận của một số nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng “việc xâm nhập của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào cuộc cách mạng Tháng Tám và đề cao phong trào Cộng sản đã phá hủy nền móng truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”. Tôi đã thành công trong việc chứng minh họ “đã sai” trong một nghiên cứu trước đó của mình về “Những đặc trưng truyền thống của cuộc Cách mạng Việt Nam tháng Tám năm 1945”. Trong đó, tôi đã bác bỏ việc các nhà nghiên cứu phương Tây nhấn mạnh rằng, có sự “gián đoạn” trong lịch sử Việt Nam hay sự “cắt đứt” lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam với việc áp dụng chiến lược và chiến thuật của chủ nghĩa Mác-Lê nin để thay đổi toàn bộ lịch sử của đất nước cũng như giá trị văn hóa của dân tộc. Theo tôi cuộc Cách mạng tháng Tám có tính “kế thừa” lịch sử truyền thống, đó là sự nối tiếp tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam đã có từ ngàn xưa.
Hồ Chí Minh đã dùng đạo đức con người nhân bản của mình vốn được hấp thụ sâu đậm văn hóa và luân lý đạo đức Nho giáo trong thời niên thiếu và thanh niên ở quê nhà trước khi ra đi tìm đường cứu nước, và đã mang theo một di sản văn hóa dân tộc để sau này về nước làm cách mạng giải phóng quê hương.
Hồ Chí Minh đã áp dụng rất hữu hiệu chủ nghĩa Mác-Lê nin để làm chiến thuật và chiến lược cho tổ chức chức cách mạng thành công. Thành công đó đã dựa vào nền tảng văn hóa tranh đấu, truyền thống bất khuất ngàn năm của dân tộc, để dung hòa tư tưởng thực dụng hữu hiệu của một hệ chính trị hiện đại với sự thay đổi xã hội chính trị cần thiết, mà không làm xáo trộn căn bản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sống xa quê hương lâu như vậy, việc lựa chọn giá trị truyền thống dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh để nghiên cứu liệu có phải là một quyết định phù hợp?
Chính người mẹ không biết đọc, không biết viết của tôi đã nuôi dưỡng tình cảm với truyền thống văn hóa dân tộc từ thuở thiếu thời, qua những câu ca dao, ngụ ngôn, tục ngữ của nền văn học bình dân truyền khẩu phong phú của quê hương miền Trung của tôi.
Quả thực tôi đã trải qua 9 năm (1981-1989) lao lực, vừa làm việc, vừa học tập, tham khảo, nghiên cứu để đáp ứng sự đòi hỏi khắt khe của hai trường Đại học ở Mỹ để hoàn thành các nghiên cứu. Thành quả tôi được bù đắp đó là đã thuyết phục được Hội đồng Giáo sư xét duyệt đề tài cực kỳ nghiêm khắc ở Khoa Chính trị học của trường Đại học Tây Bắc (Northwestern University). Và sau 6 năm, từ 1983 đến 1989, tôi đã bảo vệ thành công luận án với lời phê “nghiên cứu có giá trị khoa học”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có ảnh hưởng tới cá nhân ông như thế nào?
Đối với tôi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải xuất phát từ tâm nguyện của mỗi người, không phải chỉ vì được kêu gọi, được khuyến khích thì mới biết học và biết làm điều tốt. Tôi từng được mời tới Paris dự một hội nghị về Hồ Chí Minh có đông đảo bà con kiều bào tham dự. Tại đây tôi đã cảm nhận được một sự đồng cảm của họ, đó là cùng tâm nguyện, noi gương Bác để cùng nhau làm những việc “trung với nước, hiếu với dân”, hướng về quê cha đất tổ.
Ông có ấp ủ dự định tiếp tục nghiên cứu về Hồ Chí Minh?
Tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn sự “cộng hưởng tinh thần” của Hồ Chí Minh đối với toàn thể nhân dân. Muốn nghiên cứu sâu rộng phương thức tài tình của Người trong việc huy động thành công tất cả mọi tầng lớp đồng bào đồng tâm, đồng chí đoàn kết để tranh đấu cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tôi cũng đang tham khảo tài liệu để nghiên cứu về ba người học trò gần gũi nhất của Hồ Chủ tịch là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và những đóng góp của họ trong sự thành công của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn Giáo sư.