Theo kết quả thi tuyển vào ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm nay, thí sinh Huỳnh Thanh Tùng (nhà ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có tổng điểm thi 33,7 điểm (cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành gần 4 điểm). Trong đó, điểm thi môn Toán đạt 6,5 điểm (nhân hệ số 1,5); điểm trung bình môn Văn ở bậc THPT đạt 7,2 điểm; và điểm thi môn Vẽ đạt 8,25 (nhân hệ số 2).
Chỉ có thể vẽ với hai ngón tay, Huỳnh Thanh Tùng vẫn thi đỗ cao vào ngành Kiến trúc với điểm thi môn Vẽ đạt đến 8,25 điểm.
Tin Tùng thi đỗ ngành Kiến trúc với tổng điểm khá cao không quá bất ngờ với những bạn học với Tùng bao lâu nay, dù Tùng chỉ có thể vẽ bằng hai ngón tay. Nhưng để có được thành tích đó, thực sự là một nỗ lực bền bỉ của câu học trò không có được bàn tay thuận lành lặn như những người khác.
Clip: Tùng kể về những ngày tập vẽ lại rất khó khăn và thể hiện nét vẽ tự tin với chỉ hai ngón tay sau bao ngày khổ luyện (Thực hiện: Khánh Hiền)
PV trò chuyện cùng Tùng thì được biết, mùa hè năm Tùng lên 9 tuổi, chuẩn bị vào lớp 4 thì chẳng may khi vui chơi cùng bạn bè, em bị trúng mìn còn sót lại sau chiến tranh. Sau tai nạn, Tùng bị bỏng nặng ở cả chân và tay, riêng bàn tay phải bị mất hai ngón út và áp út; ngón giữa của Tùng là ngón tay đã bị đứt lìa được bác sĩ nối lại thành công nhưng rất yếu ớt. Cậu học trò 9 tuổi lại phải tập đi cho vững, rồi lại tập cầm bút viết với hầu như chỉ hai ngón tay cái và ngón trỏ.
“Phải mất cả một năm hơn em mới có thể đi lại bình thường, và cầm bút viết được với những ngón tay còn lại. Đó là những ngày rất khó khăn” - Tùng nhớ lại những ngày sau tai nạn vào mùa hè năm lên 9 tuổi.
Và khi đã cầm bút viết được, cậu học trò có năng khiếu hội họa từ nhỏ khi đã được nhà trường chọn đi thi vẽ từ những năm học Tiểu học lại cầm cây chì vẽ. Cầm bút viết cho tròn con chữ đã khó, cầm chì vẽ cho ra đường nét lại càng khó gấp bội với bàn tay khuyết tật. Niềm đam mê và ý chí của cậu học trò đã chiến thắng những ngón tay tưởng chừng khó mà chiều theo ý tưởng cho những bức họa của Tùng nữa.
Vượt qua tai nạn lúc mới lên 9 tuổi khiến bàn tay thuận không còn lành lặn, Tùng bền bỉ luyện vẽ với quyết tâm theo đuổi ngành Kiến trúc.
Nói về những bức vẽ của Tùng, Huỳnh Thị Mỹ Linh - tân thủ khoa ngành Kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm nay, cũng là cô bạn cùng lớp học vẽ với Tùng ở Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên Đức Kiến bày tỏ ngưỡng mộ: “Những bức vẽ của Tùng luôn ấn tượng với các bạn vẽ trong lớp bởi những bức vẽ có thể đôi chỗ đường nét chưa cứng cáp nhưng luôn luôn có hồn. Những bức vẽ khiến người xem muốn ngắm lâu hơn”
Thầy Trần Tấn Sơn - thầy giáo dạy vẽ của Tùng cho biết: “Khi Tùng đăng ký vào lớp học Vẽ, tôi có hơi ái ngại khi thấy em như vậy. Nhưng khi Tùng vẽ thử tôi xem và nhận ra ngay đây là một học trò rất có năng khiếu. Thật khó tin khi Tùng có thể vẽ và vẽ rất đẹp với những ngón tay còn lại nếu không nhìn Tùng vẽ. Và khi Tùng vẽ, chúng tôi nhận thấy niềm đam mê trong từng nét chì mải miết say sưa".
Từ chỗ đăng ký đi học vẽ, Tùng được Trung tâm nơi em đăng ký học mời trợ giảng cho các thế hệ học viên sau ở Trung tâm.
Không chỉ bền chí luyện vẽ với ước mơ theo học ngành Kiến trúc, Tùng còn nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba làm thợ nề (phụ hồ), mẹ thì thường hay đau yếu nên không làm lụng được nhiều, mà hỏi Tùng có mấy anh chị, Tùng nói: “Dạ, đông lắm. Nhà em có cả thảy 7 anh chị em”.
Phục hồi chức năng sau tai nạn, những mùa hè thay vì nghỉ ngơi, vui chơi hay học thêm, Tùng lại theo phụ ba đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. “Đi làm phụ hồ với ba, em cũng làm được hết mọi việc đó” - Tùng nói nhẹ tênh nhưng chúng tôi hiểu em đã vất vả hơn bạn bè cùng trang lứa biết là bao. Và trong hoàn cảnh khó khăn đó, Tùng vẫn luôn là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm học phổ thông.
Cánh cổng đại học đã mở ra với cậu học trò giàu ý chí, Tùng chia sẻ những dự định cho tương lai: “Lúc em nói đăng ký thi vào ngành Kiến trúc, ở nhà em cứ cản, nói học ngành ni ra trường dễ chi mà có được công việc ổn định. Trong khi nhà mình thì rất là khó khăn. Nhưng em tin vào khả năng và con đường mà em đã chọn, bởi trước hết là em có đam mê để bền bỉ với ngành học, với con đường mà em đã chọn”.
Khánh Hiền