Câu chuyện giáo dục:
Lại tranh luận chi tiết ăn mù tạt trong bài "Bắt nạt", sách ngữ văn lớp 6
(Dân trí) - Bài thơ "Bắt nạt" in trong sách ngữ văn lớp 6 (bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống") với cách gieo vần, ngôn từ khác lạ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Dù đã từng tạo nên "cơn sốt" tranh luận vào năm 2021 khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng ở lớp 6 nhưng những ngày qua, dư luận vẫn đổ dồn sự chú ý vào bài thơ "Bắt nạt".
Đây là bài thơ của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh in trong sách giáo khoa ngữ văn 6 tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 27-28, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2021.
Bài thơ được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25).
Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 dòng, nội dung xuyên suốt nói về những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình.
Tuy nhiên, khi đọc bài thơ này, không ít phụ huynh bức xúc khi cho rằng cách gieo vần lủng củng và thiếu lô-gíc.
Chị Đào Bích - phụ huynh học sinh tại huyện Đông Anh, Hà Nội - bày tỏ sự khó hiểu khi tác giả gieo vần "bắt nạt" với "trêu mù nạt", "dễ lây", "dễ hôi"… Đặc biệt, theo phụ huynh này 2 khổ thơ cuối bài rất khó hiểu khi đưa nội dung: "Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi".
"Vậy cuối cùng sau một loạt lời răn đe thì cái kết vẫn là cứ đến bắt nạt bạn à? Tôi thực sự không hiểu được hết ý tứ từ bài thơ này. Cách ví von khá trẻ con kiểu bắt nạt bị "hôi", bắt nạt "dễ lây" hợp với trẻ mầm non chứ không phù hợp với lứa tuổi lớp 6 đã nhận thức rõ ràng hơn về việc lây nhiễm bệnh, cơ chế tạo mùi hôi...", chị Bích chia sẻ.
Phụ huynh Thủy Linh (quận Tân Bình, TPHCM) cũng bình luận từ ngữ bài thơ này có vẻ ngô nghê, khác lạ.
"Ngày xưa đi học có những bài thơ đọc dễ nhớ, dễ nghe, dễ đi vào lòng người mà đến bây giờ vẫn không quên. Tôi chưa hiểu cách thức dạy đổi mới ngày nay như thế nào nhưng rõ ràng nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa ngữ văn đã gây tranh cãi. Con tôi học chương trình mới mà thấy tranh luận riết về nội dung trong sách giáo khoa chưa chuẩn chỉnh", chị Linh nói.
Trên mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh cũng cùng trăn trở việc đưa bài thơ "Bắt nạt" làm ngữ liệu dạy học trong chương trình ngữ văn 6 là chưa tương xứng, được xếp vào thể loại thơ nhưng ít chất thơ, vần điệu.
ThS Phan Thế Hoài - giáo viên dạy môn ngữ văn tại TPHCM - cho rằng về thể loại (thơ), bài thơ "Bắt nạt" chưa đạt yêu cầu về cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu, chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 6 (12 tuổi).
Chẳng hạn, đa số học sinh (kể cả thành thị) vẫn không biết mù tạt là gì, hay các em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng không biết hip-hóp là điệu nhảy thế này. Hơn nữa, đưa "mù tạt" và "hip-hóp" để khuyên các em đừng nên bắt nạt là một cách liên tưởng, so sánh khập khiễng.
Ngoài ra, theo giáo viên này, ông cũng không hiểu nội dung những câu thơ này có ý nghĩa gì. Ông dẫn chứng đoạn: "Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay/ Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi?".
"Nếu tôi là giáo viên dạy môn ngữ văn chương trình 6, tôi sẽ thay bài này bằng một bài hay hơn, có tính thẩm mỹ hơn", ThS Phan Thế Hoài bày tỏ.
Cô giáo Mai Hương - giáo viên dạy bậc THCS tại Thái Nguyên - bày tỏ rất yêu thích phong cách thơ mới của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.
"Phong cách thơ của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh mang hơi thở của hiện đại, có một xu hướng, gu thẩm mỹ riêng và khác biệt so với cách cảm thụ thơ thông thường. Song, để giảng dạy bài thơ này hay đòi hỏi giáo viên phải cảm thụ và truyền tải được tinh thần của thơ mới. Điều này không dễ dàng bởi nhiều người lớn còn khó hiểu", cô Hương trao đổi.
Cô Hương nhấn mạnh rằng bài thơ không có lỗi nhưng cần xem xét có phù hợp khi đưa vào sách giáo khoa lớp 6 hay không.
Bên cạnh đó, vẫn có những quan điểm bảo vệ nội dung bài thơ này. Một ý kiến khác cho rằng kiến thức đi học xưa và nay đã khác. Ngày xưa đi học, chúng ta được học rất nhiều bài thơ trong sáng, cảnh đồng quê, cảnh vườn nhà, cảnh lũy tre.
Bây giờ, khi học sinh xưa giờ đã là phụ huynh sẽ gặp những bài thơ mới và cảm thấy lạ lẫm.
Mới đọc có vẻ hơi kỳ lạ nhưng nhìn vào bối cảnh xã hội thì nó không có gì lạ cả. Những hình ảnh lũy tre, cây dừa trước ngõ là những hình ảnh khá xa lạ với thế hệ bây giờ. Nếu có học, các con khó mà cảm nhận được hết các vẻ đẹp vì các con không được nhìn tận mắt và cảm nhận bằng đầy đủ giác quan.
"Xã hội hiện nay là xã hội của thông tin, của Internet, của rất nhiều thông tin có thể không chuẩn mực. Vì vậy các bài thơ mang tính định hướng như thế này phải nói là rất ổn.
Giữa vấn nạn bạo lực học đường, tác giả đưa ra các cách thách thức khác nhau vừa thú vị vừa hiện đại, vừa bình đẳng vừa an toàn. Trò kích thích vị giác như ăn mù tạt cũng là một trò chơi hay ho. Vừa ăn, vừa hít, vừa cười ha hả, ai cũng vui", ý kiến bình luận cho hay.
Theo một số quan điểm, nếu phụ huynh vẫn giữ tư duy cũ, làm sao con có tư duy mới để theo kịp xã hội thay đổi rất nhanh như hiện nay.
Hiện nội dung tranh luận vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.