Vào guồng trước kỳ thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia được các Sở GD&ĐT, các nhà trường chủ động chuẩn bị từ sớm. Do đó, công tác chỉ đạo, ôn tập đã vào guồng ngay sau khi quy chế chính thức được ban hành.


Sẵn sàng kế hoạch ôn
tập

Sẵn sàng kế hoạch ôn tập

Thầy Bùi Thanh Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt (Phú Yên) - cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 rất cụ thể, chi tiết.

Trường yêu cầu các tổ chuyên môn và giáo viên biên soạn đề cương, thực hiện ôn tập, phụ đạo cho học sinh lớp 12 trên tinh thần dạy học phân hóa, bám sát đối tượng, đáp ứng yêu cầu kì thi THPT quốc gia 2015.

Nội dung ôn tập bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức theo hướng đánh giá năng lực học sinh để vừa đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT, vừa đáp ứng xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.

Riêng các môn khoa học tự nhiên, hướng học sinh nắm chắc chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn đồng thời rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức theo hướng tổng hợp, tích hợp, liên môn.

Cũng theo thầy Bùi Thanh Phúc, nhà trường quán triệt giáo viên chủ nhiệm lớp nắm thông tin nguyện vọng dự thi của học sinh để phân nhóm học sinh theo môn chủ đề.

Giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp, chủ động phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức; từ đó tổ chức ôn tập phụ đạo theo nhóm.

Ngoài ra, các tổ có thể cử thêm các giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình trong tổ để hướng dẫn ôn tập và ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh yếu này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản, tối thiểu theo yêu cầu của kỳ thi.

Từ cuối tháng 2, nhà trường tổ chức kiểm tra tập trung giữa kỳ dành cho học sinh lớp 12 nhằm đánh giá chất lượng dạy, từ đó tiếp tục định hướng hoạt động dạy học trong thời gian tới, bước đầu làm quen qui trình thi THPT quốc gia. Kết quả kiểm tra có thể làm cơ sở ghi điểm hoặc cộng điểm vào cột điểm kiểm tra định kỳ bộ môn.

“Chúng tôi tiếp tục sử dụng chương trình và thời lượng dạy học chủ đề tự chọn để ôn tập phụ đạo học sinh, tiếp tục duy trì các buổi dạy thêm học thêm để tăng cường hiệu quả phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Việc sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải cũng được nhà trường lưu ý.

Nhà trường cũng đã phân công 1 hiệu phó cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm chuẩn bị, hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ dự thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12 đảm bảo hợp lệ, chính xác, đầy đủ theo quy định hiện hành.

Phân công 1 hiệu Phó cùng giáo viên, nhân viên chuẩn bị dữ liệu kì thi theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Nhà trường cũng yêu cầu các tổ bộ môn biên soạn đề thi thử theo 8 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ) để đưa lên website của trường cho học sinh tham khảo” - Phó Hiệu trưởng Bùi Thanh Phúc cho hay.

Không chỉ Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt mà hầu hết các trường THPT trên cả nước đến thời điểm này đã sẵn sàng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Lập lớp phụ đạo theo môn ngay từ đầu học kỳ II

Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia tới, ông Lê Hồng Sơn -Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - yêu cầu lãnh đạo các các trường THPT và các trung tâm GDTX trên địa bàn nắm tình hình dự kiến đăng ký các môn thi THPT của học sinh khối 12.

Từ đó, dựa trên kết quả điểm thi hoặc điểm trung bình môn của học kỳ I của các môn Văn - Toán - Ngoại ngữ và các môn khác dưới 5,0 hình thành các lớp phụ đạo theo môn ngay từ đầu học kỳ II.

Cùng với lưu ý chọn lọc giáo viên giảng dạy phù hợp, Sở GD&ĐT TP HCM cũng nhấn mạnh: Biên chế lớp không quá 25 học sinh/lớp.

Đối với các môn khoa học tự nhiên, Sở hướng dẫn luyện tập thường xuyên các dạng bài tập cơ bản, vừa sức; đối với các môn khoa học xã hội, tăng cường việc ôn bài, kiểm tra bài cho đến khi học sinh nắm chắc kiến thức.

Sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ II, nhà trường rà soát lại kết quả của học sinh để có thể tiếp tục phụ đạo cho đến hết tháng 6 hoặc tham gia các lớp ôn tập phù hợp hơn.

Việc ôn tập sẽ được TP HCM thực hiện ngay khi hết học kỳ II đến cuối tháng 6/2015 với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Nội dung ôn tập nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cách thức ôn tập được lưu ý là vừa ôn tập kiến thức, vừa giúp học sinh làm quen với cách thức làm bài thi; đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).

Việc tổ chức lớp ôn tập cho học sinh được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Học sinh đăng ký tự nguyện từng môn học sau khi nhận được thông báo kế hoạch ôn tập của nhà trường;

Nhà trường tổ chức quản lý lớp, quản lý học sinh chặt chẽ; phối hợp và thông báo thường xuyên với gia đình về tình hình chuyên cần, kết quả học tập của học sinh trong thời gian tham gia lớp ôn tập. Không tổ chức ôn tập vào chủ nhật.

Tại Hòa Bình, theo ông Nguyễn Đức Lương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Sở đã yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDTX, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ biến hai quy chế tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, học viên đang học lớp 12.

Đồng thời yêu cầu các trường, trước ngày 7/3 phải báo cáo số lượng học sinh, học viên đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và số lượng học sinh dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ về Sở GD&ĐT.

Theo GD&TĐ