Văn nghệ "cây nhà lá vườn" có hại cho học sinh?
(Dân trí) - "Toán, lý, hóa vươn tầm quốc tế, tại sao văn nghệ phải cây nhà lá vườn?", đó là câu hỏi của nữ giáo viên dạy môn âm nhạc tại Hà Nội.
"Học sinh không học được gì nhiều từ văn nghệ cây nhà lá vườn"
Hơn 10 năm giảng dạy môn âm nhạc tại một trường tiểu học công lập tại Hà Nội, cô N.P.L. cho biết có khoảng cách đáng kể về thẩm mỹ nghệ thuật giữa học sinh trường tư và học sinh trường công. Khoảng cách này xuất phát từ cách các nhà trường đầu tư cho giáo dục nghệ thuật.
Theo cô L., đa số trường tư thục dành một phần kinh phí lớn cho giáo dục nghệ thuật thông qua đầu tư trang thiết bị dạy học và chương trình văn nghệ trong nhà trường.
"Điều này cũng tương tự ở trường công lập chất lượng cao, tự chủ tài chính. Tôi từng dự một cuộc thi nhảy dân vũ tại Trường THCS Cầu Giấy và choáng ngợp trước sự đầu tư của nhà trường, của phụ huynh học sinh cho hoạt động văn nghệ.
Các tiết mục không chỉ đặc sắc về ý tưởng mà còn được dàn dựng kỹ lưỡng, đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Chỉ cần xem một tiết mục là có thể nhận thấy sự tập luyện rất nghiêm, rất kỳ công của học sinh.
Những tiết mục văn nghệ như thế mới giúp các em nâng cao thẩm mỹ, hiểu về cái đẹp, là nền tảng để rèn luyện dần khả năng cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật nhằm trở thành những công chúng nghệ thuật đúng nghĩa trong tương lai.
Còn với văn nghệ "cây nhà lá vườn", học sinh hầu như không học được gì nhiều", cô L. chia sẻ.
Cô L. nói thêm, tại các trường học không có điều kiện đầu tư cho hoạt động văn nghệ, học sinh chịu nhiều thiệt thòi.
Học sinh thường lên mạng tìm những tiết mục có sẵn rồi tập theo. Tiết mục sao chép không chỉ thiếu tính sáng tạo mà còn dễ gặp những lỗi nghiêm trọng về giáo dục.
"Nhiều tiết mục múa được dàn dựng cho người lớn nhưng các em sao chép y nguyên các động tác không phù hợp với độ tuổi. Thậm chí, các em sao chép cả trang phục quá hở, quá ngắn hay trang phục có yếu tố lịch sử nhạy cảm.
Từ việc sao chép, các em sẽ bị mất năng lực sáng tạo. Các em cũng sẽ không hiểu tác phẩm, ý nghĩa của mỗi động tác, mỗi đoạn nhạc.
Đáng quan ngại nhất là khi tiếp xúc nhiều, thực hành nhiều văn nghệ "cây nhà lá vườn", thẩm mỹ nghệ thuật của các em sẽ giậm chân tại chỗ. Các em sẽ không có tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là đẹp, là hay. Ở góc độ nào đó, có thể nói văn nghệ "cây nhà lá vườn" có hại với thẩm mỹ của học sinh", cô L. phân tích.
Cô L. khẳng định, văn nghệ học đường phong cách "cây nhà là vườn" xuất phát từ điều kiện hạn chế trong các trường học, đặc biệt là trường học ở vùng kinh tế - xã hội chưa cao. Vì thiếu điều kiện nên thầy và trò phải tự biên tự diễn. Do đó, không nên xem đây là một tiêu chuẩn.
"Toán, lý, hóa thì hướng đến tầm thế giới, tại sao văn nghệ cứ phải "cây nhà lá vườn"?", cô L. đặt câu hỏi.
Giáo dục nghệ thuật không dành cho thiểu số học sinh
Cô P.T.C., giáo viên nghệ thuật tại một trường liên cấp tư thục, nhận định: "Dù âm nhạc, mỹ thuật là môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và THCS, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng giáo dục nghệ thuật chỉ dành cho các bạn có năng khiếu.
Do đó, họ không coi trọng việc học các môn này, xem văn nghệ học đường chỉ là vui chơi giải trí, không có mục tiêu hay ý nghĩa giáo dục".
Tuy nhiên, cô C. cho rằng nhiều nhà trường cũng chưa đánh giá đầy đủ về ý nghĩa của văn nghệ học đường, còn xem các cuộc thi văn nghệ thuần túy là thi đua. Do vậy, cách nhà trường, thầy cô ứng xử với văn nghệ học đường có sự phân biệt so với những môn văn hóa khác.
Đồng quan điểm, cô N.P.L. cho biết, từng có học sinh của cô bị giáo viên chủ nhiệm cấm không cho đi tập văn nghệ vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn luyện đội tuyển.
"Giáo dục nghệ thuật không dành cho thiểu số học sinh. Giáo dục nghệ thuật là 1 trong 4 trụ cột của giáo dục toàn diện gồm đức - trí - thể - mỹ. Vì thế, cả nhà trường và phụ huynh đều cần chung tay góp sức để con trẻ có môi trường sinh hoạt nghệ thuật lành mạnh, bổ ích", cô P.T.C. bày tỏ.