Văn hóa học đường: Có chống lại được các hành vi phản giáo dục?

Nhật Hồng

(Dân trí) - Nhiều người khi được hỏi vì sao học sinh lại có thái độ lãnh đạm khi bạn bị đánh, họ đã trả lời rằng: nhiều điều tốt, hành vi đẹp hiện nay trong nhà trường chỉ còn lại trong bài giảng...

Văn hóa học đường: Có chống lại được các hành vi phản giáo dục? - 1

Trường học không chỉ là trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn là nơi rèn đức, luyện tài cho từng học sinh theo học.

Trường học là nơi rèn đức, luyện tài cho từng học sinh

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho biết, văn hóa học đường hiện nay đối với giáo dục nước ta là một vấn đề vô cùng quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ - những công dân tương lai sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp.

Xây dựng văn hóa học đường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng trường học. Nếu môi trường học đường thiếu văn hóa thì không những không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ mà còn làm suy hại đến thế hệ tương lai.

Môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, là giường cột của nước nhà. Một môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài năng, đạo đức.

Trường học không chỉ là trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn là nơi rèn đức, luyện tài cho từng học sinh theo học. Trong môi trường này, học sinh phải biết về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với thầy cô, bạn bè và ngược lại, thầy cô giáo cũng phải biết trách nhiệm của mình đối với các em học sinh, với phụ huynh và xã hội.

Văn hóa học đường được hiểu là các chuẩn mực mang tính đạo đức, thẩm mĩ chi phối hành vi ứng xử của con người trong môi trường học đường, được thể hiện qua thái độ, lời nói, cử chỉ, hành động… trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể của hai chủ thể chính là lực lượng giáo dục nhà trường và học sinh/sinh viên.

Quy định rõ ràng cho giáo viên, hiệu trưởng

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong đó nêu rõ phẩm chất "là tư tưởng, đạo đức, lối sống" của giáo viên trong thực hiện công việc nhiệm vụ.

Giáo viên phải đạt một trong 3 cấp độ sau: mức đạt tức là có phẩm chất, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong dạy học và giáo dục học sinh theo quy định; mức khá là giáo viên có phẩm chất, năng lực tự học, tự rèn luyện, chủ động đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ được giao; và mức tốt là có ảnh hưởng tích cực đến học sinh, đồng nghiệp cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông và phát triển giáo dục địa phương.

Về phẩm chất nhà giáo, Thông tư trên cũng quy định có hai tiêu chí để đánh giá: tiêu chí một là đạo đức nhà giáo và tiêu chí hai là phong cách nhà giáo.

Trong thông tư cũng đã quy định xây dựng môi trường giáo dục với các tiêu chí như: Xây dựng văn hóa nhà trường;  Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường và thực hiện xây dựng trường học an toàn phòng chống bạo lực học đường.

Đối với các nhà lãnh đạo, Thông tư số 14/2018/TTBGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018 Ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông là hệ thống phẩm chất, năng lực mà hiệu trưởng cần đạt để lãnh đạo và quản trị trưởng.

Hiệu trưởng phải thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường theo quy định.

Hướng tới tạo lập được môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện trong nhà trường và hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về xây dựng văn hóa trường. Hiệu trưởng còn phải là người thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường, tạo lập được môi trường dân chủ trong nhà trường và hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về thực hiện dân chủ trong nhà trường.

Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực nhà trường: tạo lập các mô hình trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường và hướng dẫn, tổ chức hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

Rõ ràng là các quy định của nhà nước, cụ thể đây là Bộ GD-ĐT đối với giáo viên, cán bộ quản lý là hết sức rõ ràng trong việc xây dựng văn hóa nhà trường văn hóa học đường.

Văn hóa học đường: Có chống lại được các hành vi phản giáo dục? - 2

Một trường học có văn hóa phải là một trường học đề cao sự tôn trọng của học trò đối với học trò, học trò với thầy cô giáo.

Phải có dân chủ trường học

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho biết, tuy nhiên, khi khảo sát các trường học bằng cách vào các trang Web của nhiều trường phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi chưa thấy các trường phổ thông trung học của thành phố xây dựng bộ tiêu chí văn hóa nhà trường. Và vì thế, có thể nói rằng ba năm đã qua các cơ sở giáo dục phổ thông chưa hết lòng trong việc xây dựng văn hóa học đường trong trường học của mình. Đó cũng là lý do để giải thích hàng loạt những vi phạm không đáng có trong cán bộ quản lý nhà trường, trống đội ngũ giáo viên, học sinh của nhà trường.

Một trường học có văn hóa phải là một trường học đề cao sự tôn trọng của học trò đối với học trò, học trò với thầy cô giáo, thầy cô giáo với thầy cô giáo và nhân viên trong nhà trường, thầy cô giáo với cán bộ quản lý. Nhà trường phải dân chủ. Các trang web của nhà trường cần có chỗ để thầy cô, học sinh phản ánh cả về những điều tốt lẫn những điều xấu xảy ra trong nhà trường.

Từng giáo viên, nhân viên, từng học sinh phải thể hiện tinh thần dân chủ trong trường học.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, có lẽ trường học của chúng ta còn thiếu vắng tinh thần dân chủ nên ít có những tranh luận thẳng thắn về những biểu hiện đúng sai trong nhà trường. Quy định về qui chế dân chủ không chỉ có trên giấy tờ mà nó cần được sống trong một môi trường thật của giáo dục thông qua quan hệ giữa lãnh đạo nhà trường với đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh; thông qua cách thức ứng xử giữa thầy và trò, giữa trò và trò.

Chỉ khi nào, mọi thành viên trong trường sẵn sàng "mổ xẻ" mọi hành vi sai trái diễn ra trong trường học và ngoài xã hội mới hy vọng dân chủ học đường đã đi vào cuộc sống trường học. Ở một trường học mà khi một bất công xảy ra không nhận được thái độ phẫn nộ của học sinh và giáo viên thì không thể nói đó là một trường học dân chủ.

Thái độ thờ ơ, phi cảm đối với các hành vi sai trái trong nhà trường hôm nay sẽ là tai họa của ngày mai.

Thầy - trò mối quan hệ cốt lõi của Văn hóa học đường

Nhà tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, văn hóa ứng xử học đường Việt Nam đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Đã có quá nhiều hành vi thiếu văn hóa của cả học sinh và giáo viên. Văn hóa học đường đang xuống cấp nghiêm trọng, là sự xuống cấp đáng sợ nhất của một nền giáo dục.

Hiện nay có rất nhiều người đồng tình với ý kiến này khi cho rằng văn hóa ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh. Thực tế cho thấy trong môi trường học đường, nơi văn hóa được coi trọng, được xây dựng và phát huy lại đang diễn ra những điều thiếu văn hóa.

Trong môi trường giáo dục hai mối quan hệ chính là quan hệ giữa thầy và trò và quan hệ giữa các trò với nhau. Trong đó mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ cốt lõi nhất để xây dựng môi trường giáo dục.

Những vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có các vụ án hình sự ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục tuổi từ 10 đến 18 cầm dao, côn, kiếm và cả súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để "xử nhau" chỉ vì những lí do rất trẻ con như "nhìn đểu", không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh "cho bõ ghét".

Văn hóa ứng xử giữa học trò với nhau ngày nay mang nhiều màu sắc biến tướng. Tình trạng kết bè, kết phái tạo thành băng, hội cũng là vấn đề nhức nhối nó không những làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục mà còn làm cho xã hội quan tâm lo lắng. Hiện tượng lập băng nhóm rồi đi cướp, trấn lột, dằn mặt lẫn nhau, thanh toán ân oán cá nhân của học trò làm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà làm công tác giáo dục và quản lí giáo dục.

Vai trò của người thầy trong thực thi văn hóa học đường là rất lớn. Thầy giáo cần phải hướng dẫn các bạn học sinh nên "ăn như thế nào, mặc như thế nào, ứng xử như thế nào, trong nhà ra sao, trong rạp hát làm cách nào" như GS Trần Văn Khê đã nói trong một buổi giao tiếp với học sinh tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây cả chục năm.

Nói về việc ứng xử trong quan hệ trò - thầy, GS Khê khuyên răn: "Thầy cô mình cực nhọc, chịu khó soạn bài, giảng bài để trao cho mình kiến thức, cũng như người mẹ cho con một giọt sữa, mớm cho con một miếng cơm. Mẹ cho giọt sữa để nuôi thân thể mình, mớm một ít cơm để mình ăn mình lớn, còn thầy mớm những kiến thức để tư tưởng mình lớn. Dù có chuyện gì không bằng lòng với thầy cũng phải biết tôn sư trọng đạo".

Không phải là tín đồ cổ vũ học theo noi gương nhưng tôi thấy nhà giáo quả thực cần là một tấm gương để học sinh noi theo. Một trường học sẽ không thể có học sinh tốt nếu không có những thầy cô giáo yêu thương học trò, tận hiến cho nghề nghiệp…

Thật không thể tưởng tượng học sinh chỉ vì một cái nhìn và câu hỏi "nhìn đểu hả" lại xông vào đánh nhau. Hiện tượng đánh nhau trong nhà trường hôm nay lại có cả sự cổ vũ của cả học sinh, kể cả việc học sinh quay video tung lên mạng thay vì xông vào can bạn.

Nhiều người khi được hỏi vì sao học sinh lại có thái độ lãnh đạm khi bạn trong lớp/trong trường bị đánh, họ đã trả lời rằng: nhiều điều tốt, hành vi đẹp hiện nay trong nhà trường chỉ còn lại trong bài giảng - tương phản với hiện trạng phũ phàng được phô bày hàng ngày, hàng giờ ở quá nhiều ở ngoài trường học.

Văn hóa học đường: Có chống lại được các hành vi phản giáo dục? - 3

Học sinh chỉ vì một một cái nhìn và câu hỏi "nhìn đểu hả" lại xông vào đánh nhau.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, nếu trong trường học, học sinh được học (và hành) về tình thương yêu con người - một đức tính cao đẹp không chỉ riêng của con người nhưng lại đậm chất con người của riêng loài người - thì khó có thể xảy ra các hiện tượng phản cảm như trên.

Làm thế nào để chống lại các hành vi phản giáo dục trong trường học?

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, nhà trường, các chủ thể trong trường học phải làm thế nào để chống lại các hành vi phản giáo dục trong trường học. Tất nhiên, trước tiên là cần phải có qui định - qui định để dựa vào đấy mà xử lý, nhưng quan trọng hơn là cần phải tổ chức cho học sinh, giáo viên có thể thể hiện văn hóa học đường trên thực tế (các chatroom trên website, các câu lạc bộ, hoạt động của đoàn thanh niên, mời các diễn giả nói chuyện về văn hóa ứng xử…).

Nói về văn hóa ứng xử trong nhà trường là nói về cái đẹp, nói đến điều thiện, và trước hết học trò phải xử sự như thế nào cho đúng trong quan hệ với bạn, với thầy cô giáo, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, ngày nay, nhiều trường học đã tổ chức những buổi học kỹ năng giúp cho những nhà giáo, học sinh nhiều kinh nghiệm quí giá để hoàn thiện bản thân và giúp thầy cô giáo dục học sinh của mình về văn hóa ứng xử trong trường học và rộng hơn là ngoài cuộc sống. Thầy cô giáo cũng phải học như học sinh - kĩ năng học tập suốt đời là một trong "trụ cột" của giáo dục Thế kỉ XXI.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm