Văn học là nhân học
Sau <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/10/148636.vip">Hà Minh Ngọc</a> (học sinh lớp chuyên văn của ĐH Sư phạm Hà Nội) đến <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/11/151668.vip">Nguyễn Thị Hậu</a> (học sinh lớp 10A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An), chúng ta lại được đọc bài văn rất xúc động của em Nguyễn Đoàn Minh Đức (học sinh Trường THPT Gò Công Đông, Tiền Giang)...
Ba bài văn, ba phong cách viết khác nhau nhưng tựu trung lại đều đem đến cho người đọc những niềm cảm xúc hết sức nhân văn từ những suy nghĩ chân thành của các em học sinh ấy. Và khi “cân lượng” những “quả ngọt đầu cành” đó, người đọc lại phải bắt luồng tư tưởng của mình quay về nơi đã gieo trồng và quay về với những người đã làm công tác ươm mầm cho những dòng văn quý giá ấy của các em.
Quay về để đặt ra vấn đề: vậy thì do đâu mà trong một thời gian rất dài, chúng ta đã thiếu vắng những bài văn mang hơi thở của chính con người đương đại ấy? Do đâu mà trong những kỳ thi tuyển đại học khối C, chúng ta đều cùng ngậm đắng nuốt cay trước hàng núi những bài văn gây sốc?
Những đề tài mà các thầy cô giáo ở ba trường khác nhau đã ra cho các em không phải là những đề tài quá mới lạ, quá ấn tượng. Người thầy ra các đề đó đều đã đơn giản nhìn thấy một thực trạng: đó là bao lâu nay khi giảng dạy bộ môn văn học trong nhà trường, ta chỉ mới đem đến cho các em những lý thuyết văn học chứ chưa bao giờ cho học sinh thấy văn học chính là nhân học - học văn là để học làm người.
Hiểu như thế, và họ cũng tin rằng khi không đi theo lối mòn chết người đó, khi mạnh dạn đem những hạt giống khác gieo trồng trên đất - dù là đất cũ, có thể chưa được cày ải kỹ thì thu hoạch có khác đi, có khả quan hơn cũng là một điều dễ hiểu. Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh chính cuộc sống và góp phần nâng cuộc sống đó lên một tầm cao mới, từ đó giúp cho tâm hồn con người thăng hoa.
Để ra những đề tài như thế không dày công, nhưng nó đòi hỏi nơi người thầy một cái tâm rộng mở, một suy nghĩ đúng tầm văn học với những trăn trở lớn về người, về nghề, về bộ môn và một khát khao cháy bỏng đối với việc đào tạo con người. Tiếc là chúng ta còn chưa có nhiều những đề văn, bài văn như thế, để vẫn phải tiếp tục một câu hỏi “không lớn” nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lời đáp cuối cùng: Văn học mà chúng ta dạy cho học sinh hôm nay đang đứng đâu ở cuộc sống này?
Bài văn của học sinh Nguyễn Đoàn Minh Đức
Đề bài:
Báo Tuổi Trẻ ngày 27/9/2006 có mẩu chuyện như sau:
(...) Một buổi trưa, thầy hiệu trưởng lấy làm lạ khi thấy một cậu học sinh cứ cặm cụi đi nhặt từng cái bao nilông, từng chiếc lá trong sân trường bỏ vào thùng rác. Khi thầy hỏi tại sao buổi trưa không ngủ mà tha thẩn ngoài sân trường, em cho biết bố mẹ đều làm việc vất vả nhưng gia đình rất khó khăn. Đăng ký học bán trú như các bạn thì bố mẹ kham không nổi. Buổi sáng, bố mẹ đưa em đến trường và phát cho 5.000 đồng. Trong đó, 1.000 em dùng để mua xôi ăn sáng và 4.000 còn lại là cho đĩa cơm trưa chỉ toàn rau với cá vụn. Ăn xong, em ở luôn tại trường để tự ôn tập, rồi chiều bố mẹ đến đón.Và em bảo với thầy: “Ăn trưa xong con không biết làm gì nên đi lượm rác để trường mình sạch và đẹp hơn”. Cậu bé ấy tên là Trần Phú Tài, học sinh lớp 7A7 Trường Lương Thế Vinh, Q.1, TPHCM (...).
Đoạn trích trên không có phần mở đầu và phần kết thúc, em hãy nghĩ ra phần mở đầu và kết thúc cho mẩu chuyện này.
Bằng lời văn của mình, em hãy viết lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
Bài làm:
Mấy hôm nay trời cứ trở lạnh. Những cơn gió thổi đến mang theo cái se lạnh của những ngày cuối đông. Nằm vùi trong chăn ấm nhưng tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ phải thức dậy từ rất sớm để phụ giúp gia đình lo toan kế sinh nhai. Lòng tôi như thắt lại. Bất chợt tôi nghĩ đến Trần Phú Tài, một cậu bé mà tôi tình cờ biết được qua một bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Hình ảnh cậu bé Tài in mãi trong tâm trí tôi về nghị lực sống, nghị lực của một con người vượt lên trên số phận.
Câu chuyện bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy. Sau khi dùng cơm trưa xong, thầy hiệu trưởng ở lại trường để chờ cuộc họp lãnh đạo vào buổi chiều. Trưa ấy, mặt trời đổ xuống mặt đất cái nắng cháy da bỏng thịt. Cái nắng giữa lòng Sài Gòn cứ như thiêu đốt vạn vật. Từng lá cây, ngọn cỏ đứng im lìm như đang chết khát bên đường. Dưới khuôn viên trường, giờ này chẳng còn học sinh nào nữa.
Chỉ có cái nắng tha hồ nhảy nhót, đùa giỡn trên sân trường. Cái oi bức của buổi trưa hè khiến thầy hiệu trưởng phải mở toang cả hai cánh cửa sổ ở tầng hai để mong có chút gió ùa vào. Thầy nhìn xuống sân trường. Chợt thầy thấy một cậu học trò dáng người thấp bé đang đi đi lại lại trên sân trường. Qua cặp kính cận dày cộp thầy chẳng thấy rõ. Do đó thầy bước xuống tầng trệt và gọi cậu học sinh ấy vào. Đó là một cậu bé có nước da hơi ngăm đen nhưng đôi mắt sáng ngời nghị lực. Cậu mặc chiếc áo đã cũ nhưng sạch sẽ và chiếc quần xanh sờn bạc màu. Thầy cất tiếng hỏi cậu học trò nhỏ:
- Sao buổi trưa con không về nhà mà lại tha thẩn ngoài nắng thế kia? Nhà con ở đâu? Con tên gì, học lớp mấy?
Cậu bé lí nhí trả lời:
- Thưa thầy, nhà con ở quận 4. Từ trường về nhà con rất xa nên con ở lại trường đến chiều mới về. Con tên Trần Phú Tài, học lớp 7A7.
Thầy lại hỏi:
- Tại sao con không đăng ký học bán trú như bao bạn khác cho tiện việc đi lại?
Cậu học trò đáp:
- Thưa thầy, bố mẹ con đều là công nhân, làm việc vất vả từ sáng đến chiều tối mới về. Gia đình con khó khăn nên không thể kham nổi tiền học bán trú.
- Thế thì con ăn trưa ở đâu? Con có nhà người quen ở đây à?
- Thưa thầy, không ạ. Sáng nào bố mẹ cũng đưa con đến trường rồi cho con năm nghìn đồng. Một nghìn con dùng để mua xôi ăn sáng. Còn lại bốn nghìn con dùng để ăn cơm trưa ạ.
Nghe Tài hồn nhiên kể, thầy hiệu trưởng chạnh lòng khi mường tượng đến bữa cơm trưa đạm bạc của cậu học trò nghèo có lẽ sẽ chỉ có rau và cá vụn. Thầy xoa đầu Tài và nói:
- Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà con vẫn cố gắng đến trường là rất đáng quí. Hẳn con học rất giỏi. Thầy rất vui khi có một người học trò như con. Cứ thế mà phát huy con nhé. Mà này, con làm gì mà đi lại loanh quanh giữa trưa nắng thế kia?
Tài cười nói:
- Thưa thầy, ăn trưa xong con không biết làm gì nên đi nhặt rác để trường mình sạch và đẹp hơn.
Nói rồi Tài vòng tay cúi chào thầy rồi chạy ra sân trường tiếp tục nhặt từng cái bao nilông, từng chiếc lá trên sân trường. Nắng sân trường dường như dịu lại. Thầy hiệu trưởng trở lại phòng làm việc với bao suy nghĩ nhưng niềm vui vẫn rạng ngời trên mặt thầy suốt cả ngày hôm đó.
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ tuần sau, thầy hiệu trưởng khen ngợi, tuyên dương tấm gương vượt khó và trao cho Tài học bổng của trường. Thầy còn cho Tài được học bán trú miễn phí.
Cuối cùng người tốt cũng được đền đáp xứng đáng. Qua câu chuyện của Tài tôi nhận ra rằng: “Chúng ta chỉ mất hết mọi hi vọng khi chúng ta từ bỏ chúng”. Mặt khác, tôi nhận thấy cuộc sống này còn nhiều mảnh đời giống như Tài. Họ đang ngày đêm vừa lo toan cuộc sống vừa đến trường. Tôi mong rằng các cấp chính quyền cùng các đoàn thể quan tâm nhiều hơn đến những con người như vậy để mỗi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được sự giúp đỡ như Tài. Tôi thầm cảm ơn Tài vì em đã cho tôi nhận ra rằng mình phải trân trọng những gì đang có. Tôi sẽ hài lòng với chiếc xe đạp cũ của mình vì ngoài kia vẫn còn những cậu học trò hằng ngày phải đi bộ hàng cây số để đến trường. Tôi sẽ không đòi cha mẹ phải nấu những bữa ăn thịnh soạn vì tôi biết ngoài kia còn bao người phải ăn đĩa cơm chỉ có rau luộc và cá vụn. Tôi sẽ hài lòng với chiếc chăn cũ của mình vì biết ngoài kia vẫn có những người đang nằm co ro dưới gầm cầu...
Tài đã cho tôi bài học về nghị lực sống, nghị lực vượt qua khó khăn. Tôi tự nhủ: Hãy hài lòng với những gì mình đang có và hãy đương đầu với khó khăn rồi mình sẽ giành chiến thắng. Mai này, khi lớn lên, dù ở một vùng quê nghèo hay chốn thị thành, dù làm một bác sĩ, kỹ sư hay chỉ làm một người công nhân bình thường, tôi vẫn dành một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn để lưu giữ những câu chuyện, những con người như Tài như một tấm gương trong suốt cho đời tôi. |
Theo Minh Lâm
Tuổi Trẻ