Quảng Nam:

Ước mơ trở thành chiến sĩ công an của nữ sinh nghèo đạt 27 điểm khối C

(Dân trí) - “Em ước mơ trở thành một chiến sĩ công an từ lâu lắm rồi nên trước khi thi, em quyết định nộp hồ sơ vào ĐH An ninh Nhân dân. Giờ với tổng điểm 27, em hy vọng mình sẽ có chắc chắn một suất ở trường này rồi”.

Đó là chia sẻ của em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Nguyệt có số điểm thi 3 môn khối C đạt tổng 27 điểm, trong đó Văn 7,5, Sử 9,75 và Địa 9,75 điểm. Ngoài ra, Nguyệt được cộng 1,5 điểm ưu tiên cho thí sinh vùng bãi ngang nên tổng điểm cuối cùng đạt 28,5 điểm.

Từ TP Tam Kỳ đi về phía biển gần 10km và rẽ phải, men theo con đường nhựa nhỏ gồ ghề ven biển. Đến xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) hỏi “Ánh Nguyệt học giỏi con ông Mỹ” thì ai cũng biết và chỉ đường tận tình.

1-416a7

Ông Nguyễn Văn Mỹ và em Ánh Nguyệt trò chuyện với PV Dân trí tại nhà.

 

Thôn Hà Quang, xã Tam Tiến sát biển nên đa số là ngư dân. Đất chật người đông, ngoài làm biển ra, không thể làm nghề gì khác vì không có đất. Bố mẹ Nguyệt cũng thế. Dù không hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến, có cả Nguyệt và bố mẹ em ở nhà.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (bố Nguyệt, năm nay 45 tuổi) rót nước mời khách đường xa. Ông kể, trước đây nhà cũng có chiếc ghe nhỏ đi biển cũng đủ nuôi sống gia đình và lo cho 3 đứa nhỏ ăn học. Mấy năm vừa qua biển giã hết cá, giá dầu lại tăng, không đủ chi phí nên bán chiếc ghe cho người khác và đi bạn cho họ.

“Mùa này, chiều đi đến sáng về mỗi ngày còn kiếm được đôi ba trăm về lo cho gia đình chứ mùa mưa đến là khó khăn lắm vì biển động, không thể ra biển kiếm con cá con tôm được”, ông Mỹ tâm sự.

Vợ ông Mỹ là bà Trần Thị Thúy lúc này bị bệnh hoài nên sức khỏe giảm sút và chỉ ở nhà lo công việc nội trợ. Mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai ông Mỹ.

Vợ chồng ông Mỹ có 3 người con, con trai lớn chuẩn bị vào học năm 3 ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Nguyệt thì vừa có điểm thi xong và cũng chuẩn bị khăn gói lên đường vào TPHCM, còn cậu út đang học lớp 8.

Tuy cuộc sống dù khó khăn nhưng khi nghe tin con mình đạt điểm cao, ông Mỹ rất phấn khởi. Khi kể về con gái của mình, nét mặt của ông giãn ra và vui vẻ hẳn lên. Ông kể: “Nghe cháu đạt điểm cao, vợ chồng tôi mừng lắm, bao nhiêu mệt nhọc đều tan hết. Hàng xóm láng giềng và thầy cô ở trường cũng đến nhà chúc mừng cháu rất đông”.

2-2d46f
Kết quả học tập của Nguyệt với những giấy khen, phần thưởng được dán trong nhà

Hỏi Nguyệt cảm giác lúc này khi kết quả điểm thi đạt điểm cao, em nói mấy hôm nay vui lắm, trong người lúc cũng cảm thấy sung sướng. Với Nguyệt, điều vui nhất với em lúc này là em chắc chắn vào được trường mà em mong muốn, đó là ĐH An ninh Nhân dân.

“Gia đình em đã xác định trước rồi. 3 tháng trước khi thi, em làm hồ sơ nộp vào trường ĐH An ninh Nhân dân. Khi xác định rồi thì em cố gắng học thật tốt để làm bài đạt điểm cao”, Nguyệt tâm sự.

Hỏi về bí quyết để học và thi đạt kết quả cao, Nguyệt cho rằng mình cũng không có bí quyết gì cao siêu. “Vì là khối C nên chủ yếu là tự học, học theo phương pháp riêng. Ở trường thì tập trung nghe thầy cô giảng, bên cạnh đó là đọc sách nhiều, rèn kỹ năng viết, học theo phương pháp là chính và học theo ý chính để hiểu bài rồi sau đó triển khai ra thêm”, Nguyệt chia sẻ.

Nguyệt cũng cho rằng, việc học hành không nên ép. Cảm thấy học được thì học, còn không thì giải trí để đầu óc được thư giãn. Ngoài ra, khi học bài không nên ôm đồm, nêm nắm bắt các ý chính, tham khảo cách diễn đạt ý trong sách và triển khai ra bên ngoài theo ý mình mới có thể đạt được điểm cao.

“Vì lớp em là chuyên văn nên bạn nào cũng giỏi Văn. Riêng môn Văn em học cũng bình thường nhưng môn Lịch sử và Địa lý thì em rất thích học. Vì vậy, em đầu tư thời gian nhiều vào 2 môn Sử và Địa để bù vào môn Văn nên kết quả 2 môn kia cao và kéo tổng điểm cao”, Nguyệt chia sẻ thêm.

Bây giờ cả nhà đang chờ giấy thông báo nhập học của trường ĐH An ninh Nhân dân vì chắc một suất ở trường này như cả vợ chồng ông Mỹ đang hy vọng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bên cạnh niềm vui là nỗi lo lắng, dù ông Mỹ biết con mình học trường ĐH An ninh Nhân dân sẽ đỡ một khoảng kinh phí rất lớn nhưng tiền sinh hoạt, tiền đi lại của Nguyệt hàng tháng cũng nhiều.

“Bây giờ đến đâu hay đến đó thôi chứ biết làm sao. Một mình tôi làm lụng nuôi một đứa đang học ở Đà Nẵng cũng căng lắm rồi, thêm một đứa nữa càng căng hơn nhưng chẳng lẽ con nó học được mà mình là bố mẹ mà không lo nổi cho con, bắt con nghỉ học thì coi sao được”, ông Mỹ tâm sự.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Ngô Thị Minh Thủy - chủ nhiệm Nguyệt 3 năm ở trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho hay, với hoàn cảnh Nguyệt rất khó khăn nhưng trong quá trình học em cũng có nhiều cố gắng vượt khó, có phương pháp học khoa học và hợp lý nên đạt được điểm cao.

“Vừa qua, tôi có đến thăm gia đình Nguyệt nhưng thấy gia đình em khó khăn cũng ái ngại. Để em theo đuổi con đường ĐH, với hoàn cảnh gia đình em thì thật là khó khăn. Sức khỏe mẹ của em giảm sút, không lao động được, nhà chỉ trông chờ vào ông Mỹ và còn lo thêm 1 đứa con đang học ở Đà Nẵng. Nếu có mạnh thường quân giúp đỡ thì gia đình em sẽ bớt khó khăn dù biết rằng vào trường ĐH An ninh Nhân dân thì sẽ được chế độ đãi ngộ của nhà nước”, cô Thủy chia sẻ.

Công Bính

(congbinh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm