Đắk Nông;

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đăng ký học nghề còn thấp

Đặng Dương

(Dân trí) - Đây là nhận định chung của các đại biểu tham gia Hội nghị Giáo dục và Định hướng phân luồng học sinh trong Giáo dục phổ thông, được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 12/5.

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan đến quy định, chính sách về công tác đào tạo nghề, trong đó có phân luồng đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Đối với phân luồng học sinh sau THPT, tỷ lệ tốt nghiệp và học tại các trường đại học tăng từ 33,8% (năm học 2012-2014) lên 43% (năm học 2019-2020), tỷ lệ vào học các trường cao đẳng là khoảng 16,9% trong cùng giai đoạn. Trong khi đó, số học sinh sơ cấp và vào học trung cấp lại tăng dần, chiếm tỷ lệ lần lượt là 19% đến 25%.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đăng ký học nghề còn thấp - 1

Nhiều giải pháp được đưa ra để nâng cao tỷ lệ học sinh học nghề sau tốt nghiệp tại Đắk Nông.

Đánh giá chung, việc học sinh vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp ngày càng được chú trọng hơn trong đại bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, số lượng học sinh tham gia học kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa cao; nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đủ, dẫn đến công tác tuyển sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Ninh Công Dũng, Phó phòng Lao động- Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt hiệu quả là do tỷ lệ giáo viên thấp, tâm lý của học sinh và phụ huynh vẫn định hướng phải học đại học.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, định hướng học nghề chưa thường xuyên; phần lớn các trường chỉ dạy những gì đã có, chưa quan tâm tới việc "dạy những gì xã hội cần"… dẫn đến việc học sinh còn "ngại ngùng" trong việc chọn học nghề.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đăng ký học nghề còn thấp - 2

Các trường học duy trì việc lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong quá trình dạy học.

Để giải quyết tình trạng này, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác GDNN và Định hướng phân luồng học sinh.

Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan cùng nhau xây dựng mô hình liên kết hướng nghiệp, liên kết học sinh- đơn vị sử dụng lao động và đơn vị đào tạo.

Ngoài ra, các trường học duy trì việc lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong quá trình dạy học, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin để học sinh có nhận thức đầy đủ về giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài các sở, ngành liên quan, tỉnh Đắk Nông cũng đã mời một số doanh nghiệp trên địa bàn đã sử dụng lao động được đào tạo qua các trường nghề. Đánh giá chung, sau khi được đào tạo, các lao động đều dễ dàng bắt tay vào làm việc, nhanh nhạy và thích ứng tốt. Đặc biệt, cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo nghề rất lớn khi Đắk Nông đang kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến đây hoạt động.

Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam cho biết: "Bắt đầu từ năm 2022, nhà trường tổ chức tuyển sinh theo hình thức 9+, nghĩa là học sinh sau khi tốt nghiệp bậc THCS, có thể tiếp tục vừa học bậc THPT vừa học nghề. Sau 3 năm, học sinh vừa được cấp bằng THPT quốc gia và bằng trung cấp nghề, được liên thông Cao đẳng, Đại học hoặc tham gia thị trường lao động với ngành nghề mình được đào tạo do nhà trường giới thiệu".

Theo ông Phong, hình thức đào tạo này đặc biệt thích hợp với các em học sinh có học lực trung bình hoặc những em có điều kiện khó khăn về kinh tế tại Đắk Nông. Hình thức đào tạo cũng sẽ giúp nhiều học sinh vừa hoàn thành chương trình học phổ thông, vừa trang bị cho mình một nghề nghiệp để tự lập trong cuộc sống với thời gian ngắn nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm