Những câu hỏi "nóng" về chính sách đào tạo nghề cho thanh niên?
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Lê Tấn Dũng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng trả lời rất nhiều câu hỏi về chính sách đào tạo nghề dành cho thanh niên.
Ngày 30/3, Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên có chủ đề "Đào tạo nghề cho thanh niên" đã diễn ra sôi nổi, đề cập tới nhiều vấn đề như: chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0...
Tại diễn đàn, đại biểu Mai Thị Tươi (Thái Bình) hỏi Nhà nước đã có những chính sách gì để đào tạo lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp? Đại biểu Mai cũng hỏi về các cơ chế chuẩn hóa lao động trong môi trường quốc tế và những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Tấn (Viện Ứng dụng công nghệ) hỏi, nhiều thanh niên học đại học nhưng không phù hợp, mong muốn học nghề nhưng lo lắng lỡ mất những kiến thức học, vậy có nên khuyên các bạn thay đổi không?
Đại biểu Phạm Quang Khoát (Hội thanh niên khuyết tật TP Hà Nội) hỏi về chính sách hỗ trợ thanh niên khuyết tật để được đào tạo nghề bài bản, tham gia thị trường lao động.
Đại biểu Trần Hùng Tiến (Trung cấp nghề Kỹ thuật Bắc Thăng Long) hỏi: Trường hợp các thanh niên ra nước ngoài lao động sau khi về nước nên làm công việc gì, có chính sách hỗ trợ hay không?
Đại biểu Phạm Đức Hiếu (quân nhân xuất ngũ) mong muốn đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp cho quân nhân xuất ngũ để có cơ hội nghề nghiệp và đề xuất mở rộng thời hạn thẻ đào tạo nghề sau xuất ngũ.
Đại biểu Bùi Tuấn Minh (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) nêu vấn đề là các trung tâm đào tạo nghề đang ưu tiên kết hợp với các doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có chính sách thúc đẩy kết nối đôi bên.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu thanh niên đại diện cho nhiều địa phương, tầng lớp khác nhau, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổng hợp 5 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là đào tạo ngành nghề chất lượng cao, công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao. Ông Trương Anh Dũng cho biết, hiện nay Chính phủ đã có quy hoạch phát triển các trường chất lượng cao, được phê duyệt theo Quyết định 2239 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Dự kiến đến năm 2025, chúng ta sẽ có 70 trường chất lượng cao, 130 ngành nghề trọng điểm ở các cấp độ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao và chất lượng cao", ông Trương Anh Dũng nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cũng cho hay, Chính phủ đã cho phép chuyển giao các chương trình đào tạo của các quốc gia phát triển để Việt Nam có thể đào tạo, cấp bằng tương đương với các nước phát triển. Hiện tại, trong nước đã có 25 trường đạt tiêu chuẩn đào tạo theo chương trình của Úc và 45 trường đạt tiêu chuẩn theo chương trình đào tạo của Đức và đang tiếp tục triển khai.
Mặt khác, Chính phủ cũng đã có chính sách phân luồng hướng nghiệp sau THCS, THPT. Đây là chính sách quan trọng để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh và thanh niên ngay sau khi tốt nghiệp THCS và THPT. Thực tế, Tổng Cục GDNN đã triển khai ứng dụng "Chọn trường, chọn nghề" trên hai nền tảng web và di động, có rất nhiều thông tin tư vấn, hướng dẫn về ngành nghề cụ thể để các bạn thanh niên tham khảo.
Đối với những ngành nghề đặc thù, Chính phủ có chính sách miễn, giảm học phí, trong đó có ngành nông nghiệp công nghệ cao là ngành nghề được ưu tiên.
Nhóm vấn đề thứ hai, về đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ, ông Trương Anh Dũng trả lời rằng, vừa qua Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất gia hạn thẻ học nghề cho đối tượng này, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản thống nhất để Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thẻ học nghề.
Nhóm vấn đề thứ ba, về đào tạo nghề cho người khuyết tật, Chính phủ cũng đã có Quyết định 1190 về Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 để hỗ trợ cho người khuyết tật, trong đó có đào tạo nghề. Dự kiến, 300.000 người khuyết tật sẽ được hỗ trợ và giải quyết việc làm thông qua chương trình này.
Nhóm vấn đề thứ tư, về các ngành nghề có nhu cầu lớn nhưng chưa có trong danh mục đào tạo của GDNN, đặc biệt là các ngành nghề về chuyển đổi số. Theo quy định hiện nay của pháp luật, đối với những ngành nghề chưa có trong danh mục thì các cơ sở GDNN có thể xây dựng đề án để được cho phép dạy thí điểm. Bên cạnh đó, Chính phủ thông qua đề án về Chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2035. Đây là cơ sở để GDNN tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao.
Nhóm vấn đề thứ năm, về cơ hội việc làm cho những người xuất khẩu lao động trở về. Nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho Cục Lao động ngoài nước xây dựng đề án để kết nối, khai thác, sử dụng nguồn lực lao động từ nước ngoài trở về.
Tiếp nối chủ đề đào tạo nghề cho thanh niên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cũng nêu lên các chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược phát GDNN trong thời gian tới, trong đó có nhiều con số đáng quan tâm. Đó là chỉ tiêu thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống GDNN; trong đó khuyến khích thu hút trên 30% học sinh nữ, phấn đấu tỷ lệ người khuyết tật còn khả năng lao động vào học nghề là 35% và tỷ lệ thanh niên dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề là 45%.
Ngoài ra còn có chỉ tiêu 80% ngành nghề đào tạo xây dựng chương trình chuẩn đầu ra khung trình độ quốc gia và 70% trường chất lượng cao, phấn đấu 40 trường tiếp cận trình độ ASEAN 4 và 3 trường trình độ nhóm G20.
"Đây là những chỉ tiêu rất tham vọng trong phát triển GDNN trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng các bạn thanh niên sẽ tìm hiểu kỹ chính sách để tham gia", Thứ trưởng nói.
Thêm vào đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng nhấn mạnh rằng GDNN thời gian tới sẽ tập trung cho: đẩy mạnh thể chế hóa, chuyển đổi số, phát triển đội ngũ nhà giáo, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, phát triển nghiên cứu khoa học vươn tầm thế giới...