Tuyển thẳng vào ĐH bằng bài luận và thư giới thiệu: Liệu có đảm bảo công bằng?

(Dân trí) - Phương án tuyển thẳng HS trường chuyên bằng thư giới thiệu và viết bài luận của ĐH QG TP.HCM được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra, xét tuyển kiểu gì để đảm bảo công bằng?

Ông Đỗ Bá Khôi- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam: “Chúng ta đang tuyển sinh theo quy trình ngược”.

Tôi ủng hộ phương án tuyển thẳng học sinh trường chuyên bằng thư giới thiệu và viết bài luận. Đây là một phương án rất hay, là tín hiệu tốt trên con đường hội nhập bởi nó làm đơn giản hoá chuyện tuyển sinh cho các cháu. Tuy nhiên, tôi không biết họ sẽ làm thế nào để tránh tiêu cực bởi hiện nay, chúng ta đang tập trung quản đầu vào mà chưa quản đầu ra.

Thứ hai, tôi cũng mong Trường ĐHQG TP Hồ Chí Minh làm sao việc tuyển sinh này minh bạch theo hướng tuyển năng lực chứ không phải do… quan hệ bởi dư luận đang lo lắng việc viết thư giới thiệu sẽ có nhiều giáo viên đặt cảm tình riêng trong đó. Trường cũng nên sớm công bố cụ thể kế hoạch và kết quả xét tuyển để các em không phải lo chuẩn bị chuyện thi cử.

Tôi nghĩ sau một thời gian nữa, Việt Nam nên theo xu thế Quốc tế để tuyển sinh theo hướng: Mở cửa đầu vào và kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Việc tốt nghiệp THPT là do các trường này tự chủ trên cơ sở chữ tín về chất lượng đào tạo của trường mình. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang tuyển sinh theo quy trình ngược, kiểm soát đầu vào và thả lỏng đầu ra nên sẽ khó cho các trường đi “tiên phong” bằng các phương án tuyển sinh mới mẻ.

HS Trường chuyên Hà Nội Amsterdam
HS Trường chuyên Hà Nội Amsterdam

Hiện chúng ta quá “sính” việc học để làm thầy, các gia đình ào ào cho con vào đại học nhưng sau đó không thắt chặt đầu ra. Kĩ sư bác sĩ ra trường, nhiều người không biết gì, điều đó rất phí phạm. Tôi nghĩ nên làm theo cách, vẫn mở rộng đầu vào như phương án trên đây nhưng phải quản chặt ở trường đại học để em đó nếu không có năng lực thì không thể ra nổi.

Vì thế, với một phương thức tuyển sinh rất hay trên đây, chúng ta phải làm việc công tâm. Nếu không, vì một lý do gì đó mà một học sinh không đủ năng lực lại được viết thư, được giới thiệu để học và “lọt” ra trường đại học thì thiếu công bằng với học sinh khác.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều lần tôi đã viết thư giới thiệu cho học sinh trường mình đi du học trước đây, các trường đại học nhận được thư giới thiệu thí sinh phải biết rõ người giới thiệu đó có uy tín không? Khi nhận được thư giới thiệu, bộ phận tuyển sinh của trường đại học đó thậm chí còn gọi ngược lại trường THPT của thí sinh để kiểm tra thông tin lần nữa xem có đúng hay không.

Nói tóm lại, phương pháp tuyển sinh này ở nước ngoài đã thực hiện từ lâu và rất hiệu quả bởi họ làm việc rất chặt chẽ, công tâm. Phương thức đào tạo của họ cũng rất tiên tiến để không có chỗ cho tiêu cực. Còn chúng ta, tôi chưa hiểu các trường sẽ thực hiện ra sao khi phần lớn công tác tuyển sinh và dạy/học ở các trường vẫn còn theo phương thức cũ.

Bà Lê Nguyên Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội: “Tôi sợ thiệt thòi cho những em học khối khoa học tự nhiên”.

Tôi rất ủng hộ phương án này bởi học sinh trường chuyên đã được lựa chọn kĩ từ trước. Tuy nhiên, có một điều không hiểu là bài luận đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh xét tuyển kiểu gì để đảm bảo công bằng?

Hiện rất nhiều học sinh giỏi nhưng những em học khối khoa học tự nhiên sẽ ít để ý hoặc chưa có kinh nghiệm viết bài luận bằng các em giỏi văn. Trong khi đó, các em khối chuyên Văn hoặc chuyên Anh được luyện viết văn, viết bài luận rất nhiều.

Vì thế tôi sợ những em giỏi văn hoặc có ưu thế viết bài luận sẽ có lợi hơn còn những em khối khoa học tự nhiên sẽ thiệt thòi so với các bạn khác mặc dù so học lực, các em không hề thua kém. Nếu khắc phục được những băn khoăn này để thực hiện phương thức tuyển sinh mới đó, tôi nghĩ sẽ rất tốt.

Tôi thấy năm ngoái, Trường ĐHQG Hà Nội có cách tuyển sinh khá hay: Những em được vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, không cần biết có giải hay không đều được tuyển thẳng vào trường này mà không cần đòi hỏi gì ngoài việc học sinh đó phải đỗ tốt nghiệp.

Chẳng hạn trường tôi, mỗi năm có gần 47 em/560 học sinh của toàn trường được vào đội tuyển luyện thi HS giỏi Quốc gia. Con số này đối với cả một trường chuyên là quá xứng đáng bởi các em đã được lựa chọn và ôn luyện rất kĩ. Còn phương thức tuyển sinh bằng thư giới thiệu và viết bài luận, thứ nhất tôi lo lắng tiêu cực. Thứ hai, là ưu thế sẽ nghiêng về phía các học sinh khối xã hội.

TS Vũ Viết Bình, ĐHQG Hà Nội: “Phương thức xét tuyển thẳng rất hiệu quả”!

Năm ngoái chúng tôi cũng sử dụng phương pháp xét tuyển thẳng trong kì thi tuyển sinh riêng của ĐHQG Hà Nội. Nhìn chung phương thức tuyển thẳng đó rất hiệu quả.

Hiện đề án tuyển sinh của chúng tôi chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên, dự kiến chúng tôi vẫn sử dụng phương thức tuyển thẳng học sinh từ trường THPT chuyên ĐHKH tự nhiên và năm nay sẽ mở rộng ra ở các trường THPT chuyên khác.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)