Tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, các tỉnh có "vượt rào" quy định?
(Dân trí) - Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định nào cho phép tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.
Việc nhiều tỉnh thành áp dụng chính sách tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với những thí sinh có chứng chỉ IELTS đang gây tranh luận trong dư luận.
Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập từ năm 2022 đến nay của tỉnh Tuyên Quang, địa phương này áp dụng chính sách tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên.
Riêng thí sinh dự tuyển vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Tuyên Quang, điều kiện tuyển thẳng với chứng chỉ IELTS là 7.0. Thí sinh có IELTS 6.0-6.5 được cộng 1-2 điểm.
Trước đó, từ năm 2021, Nghệ An là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có IELTS vào lớp 10 công lập. Năm 2023, tỉnh Phú Thọ cũng có quy định tuyển thẳng vào lớp 10 công lập với thí sinh có IELTS từ 6.5 trở lên và tương đương.
Ngoài 3 tỉnh tuyển thẳng IELTS, nhiều tỉnh thành khác như Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương, Vĩnh Long... thực hiện chế độ cộng điểm hoặc miễn thi tiếng Anh với thí sinh có IELTS.
Không ít ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp, khiến học sinh chỉ cần "chạy theo" IELTS mà bỏ qua các môn văn hóa khác. Việc đề cao chứng chỉ tiếng Anh quốc tế dễ dẫn đến "thui chột" đi nhiều môn học cơ bản khác, học sinh học tủ, học lệnh bởi chỉ cần một tấm chứng chỉ sẽ vững bước vào cuộc đua lớp 10, khắc nghiệt hơn cả thi đại học.
Đáng chú ý hơn, Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hàng ngày 3/5/2019 không có quy định nào cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 công lập không chuyên.
Trả lời phóng viên Dân trí về quy định tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết chính sách này nhằm đẩy mạnh việc học tiếng Anh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương.
Theo đại diện sở, hiện phong trào học tiếng Anh tại Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Điểm trung bình thi tốt nghiệp môn tiếng Anh hàng năm của địa phương này đều dưới trung bình.
Sở nhìn nhận việc tuyển thẳng, cộng điểm cho thí sinh có IELTS là chủ trương mới. Với 65% dân số là người dân tộc thiểu số, trong 2 năm áp dụng, chỉ 2 học sinh đủ điều kiện về IELTS, được tuyển thẳng vào lớp chuyên tiếng Anh của trường chuyên.
Trước lo ngại học sinh được tuyển thẳng bằng chứng chỉ tiếng Anh học lệch các môn khác, lãnh đạo ngành giáo dục Tuyên Quang cho biết đơn vị này vẫn theo dõi kết quả của những học sinh trúng tuyển bằng phương thức này.
Kết quả các em đang học tốt, tạm thời đánh giá phương án này vẫn hiệu quả.
Đưa quy định ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10 để tạo động lực học tiếng Anh cũng là quan điểm được đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trả lời khi được báo chí đề cập vấn đề này.
Cụ thể, tỉnh này quy định thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương được miễn thi tiếng Anh, quy đổi thành 9 điểm môn này, áp dụng với cả trường chuyên và không chuyên. Điểm quy đổi với chứng chỉ 4.5 và 5.0 IELTS là 9,5 và 10 điểm.
Được biết, đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Quảng Trị miễn thi môn tiếng Anh với học sinh có IELTS. Hai năm trước, tỉnh đã áp dụng cách xét tuyển này, song với mức cộng điểm cao hơn: Đạt 4.0 IELTS, thí sinh đã được tính 10 điểm.
Mặc dù, các đơn vị cho rằng mình tuân thủ đúng quy định nhưng Điều 7, Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh THPT không có nội dung nào đề cập đến chứng chỉ IELTS.
Một cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục phổ thông cho biết các địa phương có quy định thêm trường hợp được tuyển thẳng, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ngoài Thông tư 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 của Bộ GD&ĐT là chưa đúng quy định.
Theo nguồn tin riêng, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ có nhắc nhở để các địa phương thực hiện đúng quy định.
Điều 7, Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh THPT
1. Tuyển thẳng vào THPT các đối tượng sau đây:
a) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;
b) Học sinh là người dân tộc rất ít người;
c) Học sinh khuyết tật;
d) Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.
2. Đối tượng được cộng điểm ưu tiên
Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10, gồm:
a) Nhóm đối tượng 1:
- Con liệt sĩ;
- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên".
- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;
- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
b) Nhóm đối tượng 2:
- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;
- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;
- Con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".
c) Nhóm đối tượng 3:
- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số;
- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.