Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: “Lượng sức” để vào trường công lập

Để có thể vào trường công lập, điều quan trọng là học sinh phải căn cứ vào học lực thực tế của mình để quyết định chọn trường.

Năm học 2017 - 2018, toàn TP. Hà Nội dự kiến có gần 83.000 học sinh được xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có khoảng 70% học sinh có cơ hội được học trong các trường THPT công lập. Vậy làm sao để có thể bước vào “cánh cửa” hẹp của trường công lập?

Căn cứ thực lực để chọn trường

Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập và ngoài công lập, trong số gần 83.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS thì chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.

Như vậy, chỉ có khoảng 70% học sinh Hà Nội có cơ hội được học trong các trường THPT công lập. Chỉ tiêu của các trường này được công bố công khai trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2017 - 2018”.

Thí sinh đăng ký vào các trường nên dựa theo năng lực bản thân.
Thí sinh đăng ký vào các trường nên dựa theo năng lực bản thân.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia giáo dục, để có thể vào trường công lập, điều quan trọng là phụ huynh và học sinh phải căn cứ vào học lực thực tế của mình để quyết định chọn trường. Việc đăng ký chọn trường THPT ở ngay nguyện vọng 1 rất quan trọng, vì nếu thi trượt nguyện vọng 1, khi xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ phải cộng thêm điểm so với nguyện vọng 1 vào trường trước đó.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, thí sinh cần lưu ý, nếu chỉ có nguyện vọng dự tuyển vào trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập thì kết quả thi sẽ không có giá trị xét vào các trường THPT công lập. Bên cạnh việc tuyển sinh bằng kết quả thi và xét tuyển THCS, Sở GD-ĐT quy định các trường không được đưa ra tiêu chí khác để xét tuyển.

Học sinh ở tỉnh ngoài, không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội chỉ được đăng ký vào các trường ngoài công lập do hạn chế về số lượng học sinh trong các trường công lập. Tuy nhiên, để được xét tuyển, học sinh vẫn phải đăng ký thi tại một trường công lập rồi lấy kết quả để xét tuyển vào trường ngoài công lập. Với những học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng không có nguyện vọng vào trường công lập thì cũng có thể đăng ký vào trường ngoài công lập.

Thí sinh cũng cần lưu ý, tránh bị rơi vào trường hợp tuyển sinh “chui” không đúng quy định. Những trường tuyển sinh “chui”, tuyển trước hoặc sau thời hạn đều không được công nhận hiệu lực. Và đối với khối ngoài công lập, phụ huynh, học sinh nên lựa chọn cẩn thận bởi năm nay có một số trường ngoài công lập sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh vì không đảm bảo các yêu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo.

Bài thi tổng hợp của trường chuyên sẽ không đánh đố

Năm nay, một số trường THPT chuyên khối ĐH bất ngờ chuyển sang thi vào lớp 10 cũng làm bài thi tổng hợp giống kỳ thi THPT Quốc gia. Cụ thể: Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay chuyển sang hình thức đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 10. Cụ thể, môn thi Ngoại ngữ trước đây nay được đổi thành môn đánh giá năng lực ngoại ngữ với hình thức thi trắc nghiệm và tự luận (thời gian làm bài 120 phút).

Tương tự, môn thi Toán đổi thành môn đánh giá năng lực Toán và Khoa học tự nhiên với hình thức trắc nghiệm. Môn Văn thành bài đánh giá năng lực Văn và Khoa học xã hội bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Trường THPT Khoa học giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dùng bài thi tổng hợp đánh giá năng lực môn Toán và Ngữ văn trong chương trình THCS để tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 - 2018.

Mặc dù trường THPT chuyên Ngoại ngữ thông báo chuyển sang bài thi đánh giá năng lực từ tháng 12/2016 nhưng phụ huynh và học sinh vẫn khá bất ngờ vì chỉ có một học kỳ để chuẩn bị ôn thi.

Không chỉ hình thức thi, điều khiến phụ huynh và HS thi vào THPT chuyên Ngoại ngữ năm nay lo lắng nữa là, như năm trước chỉ tập trung kiến thức của 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì năm nay đòi hỏi thí sinh phải có những hiểu biết cả về Vật lý và Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Tuy nhiên, phía các trường thi theo hình thức này chia sẻ, bài thi sẽ không đánh đố và vừa sức học sinh.

Theo Nguyễn Hằng

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm