TPHCM:

Ôn không có thời gian ăn ngủ, học sinh vẫn lo rớt lớp 10

(Dân trí) - Học sinh cuối bậc THCS ở TPHCM đang chạy hết công suất để ôn thi vào lớp 10. Vậy nhưng, nhiều em vẫn lo lắng rớt trường THPT công lập, kể cả những em có học lực khá giỏi.

Gần 6 giờ chiều, sau khi học buổi hai ở trường, em Nguyễn Thùy Linh, học lớp 9 ở Gò Vấp được mẹ chở đến một trung tâm luyện thi có tiếng ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Linh đứng ngay vỉa hè trước cổng trường, ăn vội chiếc bánh bao, uống ly nước mía rồi hòa mình vào nhóm học sinh đang vội vã vào những lớp luyện thi.

Mẹ Linh cho hay, gần hai tháng nay, hôm nào chị cũng “xén” giờ làm tranh thủ đón con đến lớp luyện thi. Đúng vào giờ cao điểm kẹt đường, đi từ Gò Vấp lên đây là cả một hành trình, có khi mất cả giờ đồng hồ. Con vào lớp, chị ở ngoài đứng chờ hết giờ đón cháu về nên cũng ăn tạm bợ.


Học sinh cuối cấp THCS ở TPHCM đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập nhiều áp lực, căng thẳng

Học sinh cuối cấp THCS ở TPHCM đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập nhiều áp lực, căng thẳng

“Cháu đăng ký vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cạnh tranh rất lớn nên không thể lơi là được. Gần 10 giờ tối về đến nhà, cháu tắm rửa rồi ăn uống ngay tại bàn, học đến 1 - 2 giờ sáng. Sáng mai dậy sớm khi còn ngáp ngắn ngáp dài để kịp đến trường”, người mẹ nói và cho biết thêm đợt này con gái mình ngủ mỗi ngày không quá 5 tiếng đồng hồ. Còn mẹ cũng phờ phạc vì đón đưa, đêm lại dậy làm đồ ăn, thức uống tiếp năng lượng cho cháu.

Cũng ôn thi theo cách "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", lực học lại khá em N.M, học sinh Trường THCS Bạch Đằng, Phú Nhuận vẫn lởn vởn với suy nghĩ lỡ trượt lớp 10. Điều này làm em vô cùng căng thẳng, làm gì cũng không thấy yên tâm. M. ôn ở trường, luyện bên ngoài trung tâm, giờ nào trống thì lập tức được lấp bằng lịch của gia sư tiếng Anh và Toán kèm tận nơi...

“Với bố mẹ, việc em đỗ vào lớp 10 phải là chuyện hiển nhiên. Bản thân em biết các năm trước có những anh chị học giỏi, điểm cao vẫn rớt lớp 10 công lập nên thật sự rất lo lắng nhưng bề ngoài vẫn cố tỏ ra bình thường...”, M. bộc bạch.

Học sinh ở TPHCM sẽ trải qua kỳ thi vào lớp 10 công lập vào đầu tháng 6 tới. Hiện nay, các trường THCS đang tăng tốc ôn luyện cho học sinh cuối cấp. Ngoài ra, nhiều em còn “chạy sô” học thêm ở trung tâm luyện thi bên ngoài, học tại nhà giáo viên hoặc thuê gia sư về tại nhà. Lịch học của nhiều em kín mít nên các hoạt động, sinh hoạt khác trong cuộc sống đều bị cắt giảm tối đa.

Cẩn thận sự căng thẳng của con trẻ

Kỳ thi với nhiều thay đổi về cấu trúc đề thi, thi sớm nên thời gian luyện thi ngắn, tỷ lệ vào lớp 10 công lập giảm hơn mọi năm... tạo áp lực lớn cho học sinh. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất với nhiều đến từ kỳ vọng, đòi hỏi của bố mẹ.

Cô Nguyễn Khánh Dương, giáo viên Trường THCS Trường Chinh, TPHCM chia sẻ, học sinh cuối cấp bậc THCS cực kỳ căng thẳng với kỳ thi vào lớp 10. Căng thẳng vì ôn luyện, rất nhiều học sinh đối mặt với mong muốn từ gia đình phải vào trường này trường nọ chứ không phải là lựa chọn của các em.

phụ huynh muốn con phải vào được ngôi trường danh giá trước đây mình đã theo học; có bố mẹ từng ước mơ vào ngôi trường nào đó nhưng không thực hiện được giờ “gửi gắm” vào con... Nhiều em học giỏi mà thi rớt vì chọn nguyện vọng theo yêu cầu của bố mẹ.

Nhiều học trò chịu áp lực chọn trường từ gia đình vượt quá mong muốn và năng lực của mình
Nhiều học trò chịu áp lực chọn trường từ gia đình vượt quá mong muốn và năng lực của mình

Cô Diễm Quyên, một giáo viên có con thi lớp 10 năm nay kể, cô con gái làm cô phải giật mình khi hỏi: “Nếu con thi rớt cả ba nguyện vọng thì con sẽ ra sao hả mẹ?". Chị bình thản nói trượt thì vào dân lập, cháu lại hỏi tiếp: “Nếu học dân lập con không thi vào đại học được thì sao?". Chị xác định rõ với con là tiêu chí chọn trường là gần nhà hoặc tiện đường đi làm. Rồi không đỗ công lập thì vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác.

Từ trường hợp của con gái, cô Quyên cũng băn khoăn và thấy tội nghiệp con trẻ trước ngưỡng cửa chuyển cấp. Cô là người rất cởi mở, tiến bộ mà con còn stress như vậy thì chị những đứa con của những phụ huynh thúc em con vào vào trường top trên để nở mày nở mặt thì còn căng thẳng đến độ nào?

Cô Diễm Quyên cũng bày tỏ quan điểm: “Con không có trách nhiệm gì với ước mơ của tôi và không cần thực hiện những điều tôi chưa làm được. Nếu con thi rớt thì cuộc đời con cũng không đen tối và thê thảm nếu con vào học ở một ngôi trường không danh tiếng. Điều chúng ta cần quan tâm là sức khỏe và nhân cách của đứa trẻ mà thôi vì việc học vẫn còn kéo dài suốt cuộc đời một người”.

Trong quá trình tư vấn cho phụ huynh, ThS Đinh Thanh Phương cho biết bà gặp rất nhiều tình cảnh con trẻ ám ảnh việc học vì kỳ vọng của bố mẹ. Có em đến mùa thi là đổ bệnh, sốt, nôn ói, đau bụng… mà đi khám không hề gặp vấn đề gì về thể chất.

Không chỉ lưu ý đến học sinh yếu kém, mà bà Phương nhấn mạnh phụ huynh cần quan tâm đến cả các em học giỏi, đạt thành tích tốt luôn mang một gánh nặng khó trút bỏ. Những kỳ vọng, lời ngợi ca, tâng bốc của bố mẹ, của mọi người; con đường được bố mẹ chỉ sẵn... làm các em luôn phải gồng mình, và không dám đối diện với thất bại là điều cực kỳ nguy hiểm.

Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý cảnh báo vào mùa thi hoặc hậu mùa thi, rất nhiều học trò phải tìm đến phòng khám để điều trị về sức khỏe tâm thần, có em gặp sang chấn tâm lý vì áp lực học tập rất khó hồi phục. Các em được đi thăm khám là khi vấn đề đã rất trầm trọng, tuy nhiên đó còn là điều may mắn vì nhiều em gặp vấn đề nhưng không dám nói ra, không được hỗ trợ...

Hoài Nam