Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Trường THPT công lập sẽ giảm khoảng 3.000 học sinh
(Dân trí) - Theo kế hoạch chi tiết tuyển sinh lớp 10 THPT do UBND TP Nà Nội vừa phê duyệt, năm học 2018-2019, dự kiến toàn thành phố tuyển vào trường THPT khoảng 81.200 đến 83.200 học sinh (giảm từ 3.000-4.000 học sinh so với năm ngoái). Trong đó, trường công lập tuyển từ 60.900 đến 62.900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019), các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh (tương đương năm học 2018-2019).
Cụ thể, năm học 2018-2019, dự kiến toàn thành phố có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS (giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017-2018).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, khoảng 60-62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 20% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên và 8-10% số học sinh tham gia học nghề.
Theo kế hoạch tuyển sinh này, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và giáo dục thường xuyên năm 2018-2019 như sau:
Tuyển vào trường THPT: khoảng 81.200 đến 83.200 học sinh (giảm từ 3.000-4.000 học sinh so với năm ngoái).
Trong đó các trường công lập tuyển từ 60.900- 62.900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019), các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh (tương đương năm học 2018-2019).
Tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên là 10.100 học sinh. Số còn lại vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Như Dân trí đưa tin trước đó, vào ngày 5/10, trong cuộc họp giao ban các trường phổ thông, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cho biết UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận phương án học sinh dự thi 4 môn gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn thi khác.
Như vậy, sau 2 tháng Sở GD&ĐT trình 3 phương án tuyển sinh để lấy ý kiến rộng rãi các trường thì đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án 1. Cụ thể, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
Phương án 4 môn thi được nhiều chuyên gia ủng hộ bởi môn Ngoại ngữ bắt buộc là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hội nhập. (Ảnh: Mỹ Hà)
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, thí sinh sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4 thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với các bài thi Toán, Ngữ văn là 120 phút, thời gian làm bài đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài thi.
Trả lời PV Dân trí, một số giáo viên và nhà khoa học cho rằng, phương án như tuyển sinh lâu nay đã quá lạc hậu, nhiều học sinh lên cấp 3 “rỗng” kiến thức nhiều môn do học lệch để thi. Vì vậy, cần thiết phải có cách thức tuyển sinh khác phù hợp hơn.
Ở phương án thi tổ hợp mà Sở GD&ĐT đưa ra lựa chọn, nhiều người cho rằng khộng hợp lý, nhiều tỉnh đã bỏ cách thức thi này.
Do đó, phương án 4 môn thi được nhiều chuyên gia ủng hộ bởi môn Ngoại ngữ bắt buộc là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hội nhập.
Việc thi 4 môn giúp học sinh không học lệch, học tủ. Tuy nhiên, môn thi thứ 4 và đề thi minh họa, Sở GD&ĐT nên công bố sớm để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Mỹ Hà