Thi vào lớp 10 Hà Nội: Phương án 4 môn là hợp lý
(Dân trí) - “Cách đây khoảng 5-6 năm, tôi đã từng đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội thay đổi phương thức thi vào lớp 10 THPT bởi cách cũ đã quá lạc hậu. Tôi cho rằng, lựa chọn 4 môn thi vào lớp 10 rất hợp lý”. Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) về phương án thi vào lớp 10 mà Sở GD&ĐT trình UBND TP Hà Nội.
Nhiều học sinh “rỗng” kiến thức
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND Thành phố phương án thi 4 môn vào lớp 10. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.
Môn tự chọn sẽ được lựa trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ 4 này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
Chia sẻ với PV Dân trí ngày 7/10, ông Bình cho biết, mình hoàn toàn ủng hộ phương án thi này: “Cách đây khoảng 5-6 năm trước, tôi đã từng đề xuất lên Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cũng như Phòng Quản lý thi về việc nên thay đổi cách thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT bởi cách thức cũ đã rất lạc hậu”.
Được biết thời điểm đó, ông Bình đang là hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức - một trong những ngôi trường cấp 3 tiếng tăm của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Bình, trong số những em thi đỗ vào trường, có nhiều em “rỗng” kiến thức do ở cấp THCS học lệch, hoặc có thể do giáo viên thương học sinh nên việc đánh giá nhiều khi không thực chất bởi chỉ thi mỗi môn Văn, Toán nên nhiều em không chú tâm đến Ngoại ngữ, Lý, Hóa…
“Vì thế, khi đón học sinh vào lớp 10, nhà trường đã phải rất vất vả với những lứa học sinh học lệch. Và giáo viên đã phải củng cố lại cho các em khối lượng kiến thức THCS khá nhiều”, ông Bình nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội từng cho rằng, có thể việc kết hợp giữa thi và xét tuyển trước đây nhằm đánh giá cả quá trình học tập của học sinh trong suốt những năm THCS.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, việc xét tuyển dựa vào điểm 4 năm THCS của học bạ dẫn đến đánh giá trong học bạ chưa thật sự khách quan, thiếu độ tin cậy. Nhiều trường THPT không đồng tình với kết quả này. Trong thực tế, qua kiểm chứng ở THPT, khá nhiều học sinh có học bạ THCS “đẹp” nhưng lực học lại kém.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay, trong quá trình theo dõi, khi học sinh THCS lên cấp THPT, các con “rỗng” nhiều kiến thức của các môn không thi như: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa…
“Các thầy cô rất kêu, do các em chỉ tập trung cho Văn, Toán. Vì thế, thầy cô THPT rất vất vả do vừa chạy chương trình mới theo đúng tiến độ, vừa phải củng cố kiến thức của những năm THCS cho học sinh bởi chỉ cần bỏ bê khoảng 1 năm là các con đã quên hết”, ông Nhâm nói.
Có tiếng Anh là hợp lý
Theo ông Bình, việc Sở GD&ĐT đề xuất phương án thi 4 môn là hợp lý bởi phương án này giải quyết được bài toán các em học THCS học đều các môn và tập trung vào nhiều môn hơn, do đó các em học đều hơn và giảm bớt việc học lệch học tủ. Thầy cô ở các trường THPT sau này cũng đỡ khổ hơn.
Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Dân trí, ông Bình cũng thể hiện quan điểm, Ngoại ngữ là môn học để hội nhập. Do vậy, việc đưa môn học này để làm yêu cầu bắt buộc cho kì thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp là hoàn toàn hợp lý.
Cũng theo ông Bình, việc thi cử hiện đang quá thực dụng, học để thi nên thiếu những thế hệ công dân có nền tảng kiến thức vững chắc. Học sinh học rất nhiều nhưng nắm lơ mơ, do vậy thay đổi thi cử sao cho việc học chắc chắn, sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra theo ông Bình, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có công bố sớm môn thi thứ 4 để các nhà trường chuẩn bị, để việc kiểm tra đánh giá sao cho sát với yêu cầu.
“Cách thức xây dựng ma trận đề, kiến thức từng cấp độ phải ra sao… Sở GD&ĐT đã phổ biến đến các trường để thầy cô nắm được. Tuy nhiên, cũng cần có cái gì cụ thể hơn để soi chiếu lại xem đã chính xác chưa”, ông Bình cho hay.
Còn theo ông Hà Xuân Nhâm, từ trước đến nay, ông vẫn luôn có ý kiến ủng hộ phương án thi 4 môn trên đây, bởi Ngoại ngữ là môn bắt buộc nên đưa vào thi là chính xác, đồng thời giúp các em đỡ học lệch hơn trước.
Ông Trần Mạnh Tùng thì đề xuất, việc thi môn Ngoại ngữ nên thi tự luận kết hợp trắc nghiệm. “Qua trao đổi với một số giáo viên Ngoại ngữ, chúng tôi thấy rằng, để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng với môn Ngoại ngữ, nên thi ở dạng tự luận kết hợp một số câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có các dạng câu hỏi khác nhau, tương tự bài thi học kỳ chúng ta vẫn tổ chức ở cấp quận, huyện”, ông Tùng nói.
Mỹ Hà