Tuyển sinh ĐH 2021 có cần luyện thi, học tủ?

Năm nay, nhiều trường đại học tổ chức thêm kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, thi theo tổ hợp) để phục vụ tuyển sinh. Để thí sinh yên tâm, các trường khẳng định đề sẽ loại trừ khả năng học tủ, ôn luyện.

Không kiểm tra trí nhớ

Đến nay, có 6 cơ sở giáo dục ĐH đã tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh gồm 2 ĐH quốc gia, trường ĐH Việt Đức, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở miền Bắc và miền Nam. Đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội dài 195 phút với 150 câu hỏi, còn đề thi của ĐH Quốc gia TPHCM dài 150 phút với 120 câu hỏi.

Hiện chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi trên máy, còn các cơ sở giáo dục ĐH khác tổ chức trên giấy.  Các đơn vị đều chuẩn bị sẵn ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi. ĐH Quốc gia Hà Nội với ngân hàng đề thi lên tới 12.000 - 15.000 câu hỏi và dự kiến tổ chức bốn đợt thi trong năm. Trong mỗi đợt thi, thí sinh sẽ thi một đề riêng.

Đề thi kiểm tra năng lực của các trường sẽ bao quát kiến thức của ba năm THPT và kiến thức của lớp 12 sẽ được kiểm tra nhiều hơn. Mỗi câu hỏi cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích của thí sinh, chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc của thí sinh.

Tuyển sinh ĐH 2021 có cần luyện thi, học tủ? - 1

Tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng, thí sinh thêm một cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH. Ảnh: Diệp An

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, đề thi đánh giá tư duy của  trường dài 180 phút, gồm phần bắt buộc, toán (trắc nghiệm, tự luận) và đọc hiểu (trắc nghiệm), phần tự chọn (trắc nghiệm).

Mục tiêu bài thi hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH bằng hình thức đánh giá năng lực tư duy tổng thể của học sinh theo hướng tiếp cận phương pháp của các nước phát triển trên thế giới, đồng thời từng bước hoàn thiện để tiến tới hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Nhà trường tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, đánh giá hiểu biết về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), đánh giá năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy của học sinh, do đó sẽ cung cấp đủ thông tin để các em có thể phân tích, trả lời.

"Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng, cũng như học gì thi nấy. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi", GS Thảo nói. Các chuyên gia cũng khuyên thí sinh tập trung học cho tốt, không nên ôn thi tại các lò luyện, chỉ mất thời gian và tiền bạc. Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường muốn tổ chức thi riêng, phải cam kết không để xảy ra tình trạng học thêm, luyện thi như trước đây.

Chất lượng thế nào?

Nhiều người quan tâm chất lượng thí sinh tuyển theo phương thức dùng kết quả kỳ thi riêng. Lãnh đạo trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM đều khẳng định, chất lượng "tương đối tốt".

Các kỳ thi riêng của các trường có quy mô, cách thức đánh giá khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích tiến tới tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh theo cách thức tiên tiến, đề thi có tính phân hóa cao, đánh giá được đúng năng lực của học sinh THPT, từ đó giúp các em biết được ưu thế của mình, góp phần giúp các em biết được nên chọn nghề gì cho phù hợp.

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ cung cấp bài thi mẫu và thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy hoặc trên máy để quen với dạng đề, cách đặt câu hỏi, ngôn ngữ dùng để trả lời, đồng thời hiểu được nên ôn như thế nào cho tốt.

Riêng trường ĐH Bách khoa Hà Nội không đưa ra đề thi mẫu, mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa. Bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM cung cấp nhiều dữ liệu nhất để thí sinh thể hiện năng lực phân tích, chứ không phải khả năng nhớ, thuộc.

Bài thi kiến thức khối chuyên ngành chỉ có giá trị xét tuyển vào các ngành đào tạo tương ứng. Các kỳ thi tuyển sinh riêng đều tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin. Thí sinh có thể đăng ký trên hệ thống, nộp lệ phí online, nhận được điểm ngay sau khi thi xong. Tờ kết quả có dấu xác nhận của trường được gửi theo đường bưu điện cho thí sinh.

Bên cạnh xét tuyển kết quả kỳ thi riêng, các trường vẫn xét tuyển bằng các phương thức truyền thống như kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng…

Bài thi TestAS của ĐH Việt Đức gồm bài thi kiến thức cơ bản và bài kiểm tra kiến thức khối chuyên ngành. Đối với ngành Khoa học máy tính (CSE), bài thi về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên.

Đối với các ngành Kỹ thuật điện và máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, bài thi về Kỹ thuật; đối với các ngành Tài chính và Kế toán và Quản trị kinh doanh, bài thi về Kinh tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm