Tuyển sinh đại học 2019: Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Năm 2019, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) là nhóm ngành có số lượt nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cao nhất, 822.956 NV, trong khi chỉ tiêu là 126.47 NV. Tuy nhiên, tỉ lệ “chọi” của từng ngành cụ thể lại rất khác nhau nên thí sinh cần cân nhắc trong việc thay đổi NV sau khi kỳ thi diễn ra.
Ngành nào “hot” nhất?
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu NV. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.
Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số NV đăng ký xét tuyển vào các ngành năm 2019, Bộ đưa ra thống kê về tỉ lệ “chọi” của các ngành. Theo đó khối ngành có tỉ lệ “chọi” cao nhất là 1/7, đó là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), tuyển 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 NV.
Tiếp sau đó là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) với tỉ lệ “chọi” là 1/6,5; khối ngành VI (sức khỏe) 1/5,8. Theo giải thích của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), khối ngành VII dẫn đầu về tỉ lệ “chọi” do trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký rất cao nên kéo tỉ lệ “chọi” chung của khối ngành cao lên.
Tương tự, khối ngành sức khỏe tuy tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 NV) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352) nên tỉ lệ NV trên chỉ tiêu cũng rất cao. Từ bảng thống kê cũng cho thấy một thực trạng hiện nay đó là khối ngành khoa học cơ bản vẫn được ít thí sinh lựa chọn nhất khi tỉ lệ “chọi” là 1/2,4 với khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên). Đây cũng là nhóm ngành ít có nhu cầu tuyển dụng theo thống kê của trang web tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks.
Cơ hội việc làm không cao trong khi mức thu nhập không hấp dẫn nên không nhiều thí sinh mặn mà với các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, thống kê của một số trường cho thấy số thí sinh đăng ký NV 1 rất ít, chỉ tập trung ở nguyện vọng 2 và 3 nên sẽ khó cho các trường tuyển dụng thí sinh có điểm số cao. Phương thức xét tuyển bằng học bạ hoặc các phương án khác được một số trường đề xuất.
Cẩn trọng với tỉ lệ “chọi”
Về phía các trường, thống kê ban đầu cho thấy có nhiều trường nhận được số lượng hồ sơ đăng ký vào trường cao vượt trội so với chỉ tiêu cũng như so với năm 2018. Đơn cử, Trường ĐH Y Hà Nội- một trong những trường ĐH có tỉ lệ “chọi” cao nhất cả nước, năm nay có khoảng 17.600 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên. Như vậy, tỉ lệ “chọi” trung bình xấp xỉ 1/16. So với năm ngoái, lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng khoảng hơn 2.000 bộ.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, cũng như mọi năm, ngành Bác sĩ y khoa được thí sinh đăng ký nhiều nhất. Trong khi đó, có một số ngành ít thí sinh đăng ký hơn như cử nhân Y tế công cộng. Răng – Hàm – Mặt cũng là một ngành thu hút lượng thí sinh đăng ký đông (có thể do nhiều thí sinh đăng ký vào Y đa khoa sẽ đăng ký thêm Răng – Hàm – Mặt), trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 80 chỉ tiêu nên tỉ lệ “chọi” vào ngành này cũng khá cao.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng xác nhận năm nay lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng khoảng 30% so với năm 2018.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng “hút” thí sinh khi gần 33.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, cao hơn năm 2018 là 9.000 thí sinh. So với lượng chỉ tiêu là 6.680, năm 2019 trường có tỉ lệ “chọi” tương đương 1/5.
Từ số liệu đã công bố cho thấy, xu hướng chọn ngành nghề có cơ hội ra trường dễ xin việc và có thu nhập cao vẫn được đa số các thí sinh lựa chọn. Giữa các ngành truyền thống đã được xã hội khẳng định thì những ngành mới mở mặc dù được các nhà trường đẩy mạnh truyền thông với lời giới thiệu về nhu cầu nhân lực cho thị trường của nhóm ngành này hiện đang thiếu. Song các thí sinh và gia đình vẫn không quá mặn mà do còn thiếu thông tin về cơ hội việc làm và mức thu nhập cụ thể.
Theo các chuyên gia phân tích, tỉ lệ “chọi” là một yếu tố quan trọng để thí sinh biết về ngành nghề, về trường mình có NV đăng ký xét tuyển nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi có thể khiến thí sinh bị “nhiễu”. Bởi tỉ lệ “chọi” đôi khi không phản ánh được thực tế của trường, của ngành đó do thí sinh đăng ký nhiều nhưng chất lượng ra sao là điều không ai có thể nói trước. Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên các nguyện vọng cũng là căn cứ quan trọng để xét trúng tuyển nên nếu thí sinh có điểm thi cao nhưng xét tuyển ở NV2 thì rất có thể đã trúng tuyển ở NV1 nên không tạo ra sức ép đối với các thí sinh khác.
Một chuyên gia khác lưu ý, từ thực tế các mùa tuyển sinh trước, không phải tỉ lệ “chọi” cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải lúc nào “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển. Thí sinh không nên quá lo lắng mình sẽ không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ “chọi” cao. Điều quan trọng là cần phải thật sáng suốt. Sau khi công bố điểm thi, thí sinh có thể dựa vào phổ điểm để điều chỉnh NV cho phù hợp.
Theo Lam Nhi
Đại Đoàn Kết