“Tuyên ngôn độc lập” vào đề thi Sử
(Dân trí) - Sau buổi thi môn Lịch Sử sáng nay, nhiều thí sinh cho biết đề Sử năm nay dễ hơn các năm trước, những em học được Sử có thể đạt tới 9 điểm.
Tại cụm thi Gia Lai, còn hơn nửa tiếng nữa mới hết giờ làm bài môn Lịch Sử nhưng một số thí sinh đã hoàn thành bài thi và ra sớm. Trên khuôn mặt rạng rỡ vì làm xong bài thi sớm, em Nguyễn Thị Tường Vi cho biết: “Đề thi Sử năm nay dễ và ngắn hơn những năm trước. Em làm hết tất cả các câu, sau khi rà soát toàn bộ lại bài làm và thấy yên tâm thì em nộp bài thi và ra về. Em mong đạt được điểm tuyệt đối môn Sử để nâng điểm những môn khác lên”.
Còn thí sinh Huỳnh Thiên Ân, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ vui vẻ cho biết: “Đề thi lịch sử rất là dễ và hay. Đặc biệt là câu hỏi liên quan tới lòng yêu nước của thanh niên hiện nay. Em rất bất ngờ khi đề thi không nhắc tới các vấn đề như biển Đông, ASEAN, Liên Hợp Quốc, nhưng với đề thi khi hỏi về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản thì em càng dễ dàng làm, vì đây là đất nước em muốn sang du học”.
Thí sinh Lê Thị Huỳnh Như, học sinh Trường THP Bình Long (tỉnh Bình Phước) với vẻ mặt không được vui lắm nhận định đề: “Đề thi so với em thì rất khó vì em thi khối M, Sử cũng không phải thế mạnh nữa, nên em chỉ tự tin 50% thôi nhưng vẫn hy vọng hơn. Trong khi làm bài thi môn Lịch sử yêu cầu thí sinh phải viết thành bài còn em thì chỉ gạch ý thôi nên sẽ không được đánh giá cao, câu lòng yêu nước của thanh niên ngày nay, em nghĩ câu này rất hay và thời sự liên quan đến các vấn đề về biển đảo hiện nay”.
Qua trao đổi, các thí sinh tại điểm thi tại điểm thi Trung tâm GDTX cho biết đề thi môn Sử gồm có 4 câu, đề không quá khó.
Thí sinh Đinh Thị Mỹ Duyên (THPT Ea Súp, huyện Ea Súp), cho biết: “Với đề thi này em làm được trên 70% bài, trong đề có câu hỏi vận dụng, gợi mở đến thế hệ thanh niên trẻ chúng em nên em rất thích thú”.
Tương tự, thí sinh Phạm Thị Quỳnh My (THPT Krong Bông), cho rằng: “Em thấy đề thi rất hay, liên quan rộng đến các vấn đề xã hội nên em dễ dàng liên hệ giữ lịch sử và thực tiễn của cuộc sống hiện tại, em cũng làm được khoảng 80% bài và hi vọng điểm sẽ tốt trong môn này”.
Câu hỏi về vai trò của thanh niên, là câu hỏi được đông đảo các thí sinh hào hứng, thí sinh Lê Đinh Hoàng Vỹ (THPT Buôn Hồ) nhận xét: “Với đề thi này, chúng em có khả năng để thể hiện những khát vọng và trách nhiệm của chúng em trong việc giữ vững chủ quyền của đất nước”.
Thí sinh Nguyễn Văn Sơn (Sông Cầu, Phú Yên), dự thi THPT quốc gia tại điểm thi 3 – trường ĐH Nha Trang cho biết có 4 câu hỏi lớn nên rất dài và có phân loại cao đối với thí sinh. Theo Sơn, mức điểm phổ biến mà thí sinh đạt được sẽ rơi vào mức 5-6 điểm, rất ít thí sinh đạt 7 điểm.
Thí sinh Bảo Linh, học sinh Đà Nẵng, dự định thi lấy điểm các môn khối C để đăng ký vào ngành Luật ở Huế chia sẻ: “Trong 4 câu đề thi môn Sử, thì có 2 câu hỏi về phần lý thuyết căn bản trong sách giáo khoa; nếu có ôn tập, thì học sinh sẽ dễ dàng có trọn điểm ở hai câu này. Nhưng em vẫn cảm thấy thú vị hơn với các câu có tính mở như câu hỏi về Tuyên ngôn độc lập. Tuy khó, nhưng đây là câu hỏi cho học sinh có cơ hội trình bày quan điểm cũng như khả năng nghị luận về sự kiện lịch sử”.
Ghi nhận tại hội đồng thi Quảng Xương 3, dù chưa hết thời gian nhưng đã có lác đác thí sinh ra về. Thí sinh Lê Quốc Trung, học sinh trường THPT Thọ Xuân 4 cho biết: “Đề năm nay khá đơn giản, lại ngắn nên chúng em không mất nhiều thời gian để đọc và hiểu đề. Theo em thì nếu bạn nào là thế mạnh của môn Sử thì dễ dàng lấy điểm 8, điểm 9. Em làm xong và còn thời gian thoải mái để soát lại bài nữa”.
Tại hội đồng thi trường Đại học Công nghiệp TP HCM, trường Lý Thường Kiệt…, nhiều thí sinh cũng có chung quan điểm về đề thi năm nay ngắn và khá dễ.
Chia sẻ về bài thi, thí sinh Nguyễn Thái Thuận, ở Cam Lộ cho biết, em làm được gần hết các nội dung trong đề thi. Em đã từng tham khảo đề thi các năm trước và nhận thấy đề thi môn Lịch sử năm nay có nhiều thay đổi khi kiến thức học thuộc theo SGK chỉ chiếm dung lượng rất ít, khoảng 40 %, còn lại yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức thực tiễn, khả năng tổng hợp là chủ yếu. Em nghĩ với những gì đã trình bày em sẽ đạt được khoảng 5-6 điểm.
Thuận nêu ví dụ như câu III.2: Bằng những sự kiện chọn lọc, thuộc một trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc giai đoạn 1945 - 1954, 1954-1975... và hiện nay, yêu cầu làm sáng tỏ quyết tâm của nhận dân Việt Nam trong đấu tranh và giữ vững quyền tự do, độc lập. Câu này nếu không nắm vững kiến thức, tổng hợp các sự kiện lịch sử thì rất khó hoàn thành.
Câu IV.2 yêu cầu: Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Theo anh/chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để phát huy các nhân tố đó.
Thí sinh Thái Minh Huỳnh chia sẻ: Đề thi môn Lịch sử không yêu cầu kiến thức học thuộc SGK quá nhiều mà bắt thí sinh tổng hợp và nhớ dữ kiện lịch sử là chủ yếu. Em nghĩ rằng, với cách ra đề như thế cũng không gây khó khăn cho thí sinh. Chỉ cần thường xuyên cập nhật tin tức, xem thông tin thời sự, học để hiểu… rồi áp dụng thì cũng làm được. Em hoàn thành hết các câu hỏi trong đề nhưng chắc chắn đạt khoảng 60%.
Đồng quan điểm với các thí sinh trên, em Võ Văn Nam và Bùi Công Luận cũng cho biết, đề thi Lịch sử có sự đổi mới rất rõ, hạn chế kiến thức SGK, có câu hỏi mở và yêu cầu thí sinh tổng hợp kiến thức. Chính vì vậy, những thí sinh bình thường cũng có thể đạt điểm trung bình ở môn thi này.
Môn Lịch sử Hà Nam có 164 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có nhiều điểm thi không có thí sinh nào đăng ký tham dự như Bình Lục và Duy Tiên. Điểm thi có nhiều thí sinh dự thi môn Lịch sử nhất là thành phố Phủ Lý với 164 thí sinh. Còn lại các điểm thi có nơi chỉ có 5 thí sinh đăng ký dự thi.
Theo nhận định của các thí sinh Hà Nam, đề Lịch sử năm nay ngắn, không khó, bên cạnh việc nắm vững các sự kiện thì cần phải xâu chuỗi các sự kiện lịch sử thì thí sinh có thể lấy được điểm khá.
Em Lê Minh Nguyệt, trường THPT Phủ Lý B cho biết: “Nếu bạn nào nắm kiến thức vững, đồng thời chữ đẹp, trình bày sạch thì lấy được điểm 8 là không khó. Cá nhân em hoàn thành bài thi xong sớm hơn thời gian quy định, em hi vọng sẽ đạt được điểm 8”.
Với thời gian 180 phút, đề thi môn thi Lịch Sử năm nay được thí sinh đánh giá là không quá khó nếu làm bài kiểu học thuộc lòng trong sách giáo khoa để làm bài thì sẽ khó đạt điểm cao. Tuy nhiên, nếu thí sinh nào nắm vững phần cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó vận dụng kĩ năng tích và nhận xét về sự kiện lịch sử thì chắc chắn sẽ đạt điểm cao.
Ghi nhận tại hội đồng thi trường Phan Đình Phùng (TP Đồng Hới), môn lịch sử chỉ có 2 thí sinh đăng kí dự thi. Một thí sinh cho rằng: “Đề thi Lịch Sử năm nay không khó nhưng hơi dài, khi mới đọc qua đề em rất bất ngờ vì cách ra đề năm nay khá mới, yêu cầu vận dụng kiến thức đã học cộng với kĩ năng cảm nhận và phân tích của từng cá nhân, đề thi không nặng nề về các con số, số liệu khô cứng. em nghĩ với đề này em chỉ làm được khoảng 60% số điểm”.
Và theo nhiều thí sinh chỉ đăng kí dự thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT thì đề thi được cho là quá dài, có tính phân loại cao và yêu cầu vận dụng kĩ năng nhận xét, phân tích, cách ra đề năm nay khá mới khiến không ít thí sinh hơi lúng túng khi làm bài. Với những học sinh trung bình không khó để lấy 50 - 60% số điểm.
Theo báo cáo nhanh từ Sở GD-ĐT Quảng Bình, môn thi Lịch Sử có số lượng thí sinh dự thi thấp nhất, chỉ có 45/4.640 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hội đồng thi chỉ có 1 đến 2 thí sinh dự thi. Nhìn chung kì thi diễn ra khá nghiêm túc và không có thí sinh nào bị đình chỉ thi hay vi phạm quy chế thi.
Ghi nhận của PV Dân trí buổi thi sáng nay 4/7 môn Lịch Sử tại cụm thi Bạc Liêu, sau 2/3 thời gian có rất nhiều thí sinh hoàn thành bài thi và ra khỏi phòng thi. Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề Sử tương đối vừa sức và có những câu rất hay.
Một nam thí sinh tên Hiếu (THPT Lê Thị Riêng) cho biết, đề có 4 câu, không quá dài và trong 180 phút có thể làm dư thời gian. Tuy nhiên, với đề thi năm nay thì thí sinh cần phải vừa thuộc lòng, vừa hiểu mới có thể làm tốt bài thi. Theo Hiếu, câu dễ ăn điểm là phần hỏi về lịch sử thế giới. “Theo em thì mức điểm phổ biến đối với đề Sử năm nay có thể đạt 3- 5 điểm”, Hiếu nhận định.
Còn nữ thí sinh tên Dung thi tại điểm thi ĐH Bạc Liêu thì chia sẻ, đề thi môn Sử năm nay rất hay so với những năm trước. Theo Dung, em thấy hay nhất là câu hỏi về Tuyên ngôn độc lập và cuối cùng là câu 4 ý 2 mang tính xã hội đời sống, trong đó đề cập đến thế hệ thanh thiếu niên trong việc bảo vệ xây dựng Tổ quốc mang một ý nghĩa về tinh thần dân tộc rất cao. Cũng theo nữ thí sinh này thì đề Sử cần phải hiểu để vận dụng mới có thể làm được điểm cao.
Tại cụm thi liên tỉnh Bình Định, nhiều điểm thi “trắng” thí sinh dự thi môn Lịch Sử. Theo thống kê, chỉ có 15/40 điểm thi có thí sinh dự thi, trong đó có điểm thí chỉ có 3 phòng thi. Số lượng thí sinh đăng ký thi môn Sử khoảng gần 4.000 thí sinh. Đây cũng là môn có số lượng thí sinh ít nhất.
Ghi nhận tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh Bình Đinh, trong buổi sáng thi môn Lịch Sử, dù chỉ hết 2/3, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi. Hầu hết các thí sinh ra sớm nhận định đề thi Lịch Sử khá hay vừa vận dụng kiến thức thầy cô giáo giảng dạy trên lớp vừa vận dụng kiến thức ngoài thực tế đời sống. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi mở nói về suy nghĩ của bản thân về một vấn đề lịch sử của dân tộc với kiểu làm bài bố cục như bài văn được nhiều thí sinh đánh giá khá thú vị.
Thí sinh Nguyễn Thị Ái Quanh - học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn dự thi tại điểm Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) cho biết: Đề Lịch sử năm nay tương đối khó, đề mở rộng khác với kiến thức học trong sách vở không áp dụng cho thí sinh học thuộc lòng mà phải áp dụng kiến thức lịch sử hiện nay.
Đồng quan điểm với Quanh, thí sinh Võ Thị Thúy Kiều, học sinh Trường THPT Hoài Ân cũng cho rằng đề Lịch Sử ra khá hay, đặc biệt là câu cuối nhằm giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải nắm chắc lịch sử nước nhà, những nhân vật lịch sử…
Có mặt tại hội đồng thi trường ĐH Nông lâm Huế, sau 180 phút làm bài thì tâm lý của tất cả các thí sinh đều lo lắng do đề ra dài và có tính phân loại, cần có tư duy cao. Được một thí sinh cho biết, trong phần đề ra thì e ngại nhất là câu 1 về “Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó”.
Bạn Trần Văn Nhân (Quảng Trị) cho biết: “Đề năm nay hơi dài, thí sinh nào muốn điểm cao thì cần có sự tư duy tốt, riêng phần em thì em vẫn lo ngại về điểm thi môn Lịch Sử của mình”.
Theo Ban chỉ đạo cụm thi số 35, sáng 4/7 buổi thi môn Lịch sử có tổng cộng 2.695 thí sinh dự thi, vắng mặt 76 thí sinh, có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu. Ngày thi môn Lịch sử số lượng thí sinh thi ít nên khá vắng vẻ, có đến 8 điểm thi trong tổng số 15 điểm thi của cụm thi số 35 không có thí sinh dự thi môn Lịch sử.
Trường THPT Hà Huy Giáp ở huyện Cờ Đỏ là điểm thi có ít thí sinh nhất với số lượng chỉ có 4 em; còn điểm có nhiều thí sinh nhất là điểm thi Trường THPT Thới Lai ở huyện Thới Lai với số lượng 98 em.