Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ tiền chuộc, cha mẹ trăm phương ngàn kế bảo vệ con
(Dân trí) - Đọc tin bé trai 7 tuổi bị bắt cóc đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc, nhiều phụ huynh quyết "cấm" con đi ra ngoài một mình. Chuyên gia khuyên rằng khư khư giữ con không phải biện pháp tốt.
Giật mình... tưởng bắt cóc chỉ có trên phim
Thông tin bé trai 7 tuổi ở Hà Nội bị bắt cóc khi đang đạp xe ngoài đường đang khiến nhiều phụ huynh giật mình vì bấy lâu nay nghĩ chuyện này chỉ có trên phim ảnh.
Đọc tin tức, chị Mộng Lan (huyện Bình Chánh, TPHCM) bủn rủn chân tay. Chị chia sẻ, vì thích yên tĩnh, gia đình đã chọn mua nhà ở một căn nhà trong khu biệt thự ven sông vắng vẻ. Nhưng cũng chính vì cách xa khu dân cư nên giờ đây, điều này lại trở thành nỗi lo lắng của người mẹ thường xuyên vắng nhà.
"Khu nhà tôi ở cách xa khu dân cư, khá biệt lập. Nhà nào biết nhà nấy, chẳng giao tiếp với nhau nhiều. Chiều chiều, con gái tôi hay đạp xe quanh khu. Đọc tin về vụ bắt cóc, tôi giật mình. Trước nay cứ nghĩ khu nhà đã có bảo vệ sẽ yên tâm", chị Lan chia sẻ.
Do kinh doanh bất động sản nên vợ chồng chị đi vắng suốt, ở nhà chỉ có bố mẹ đã lớn tuổi và cô con gái nhỏ. Thấy vậy, chị định rằng sẽ không cho con đi dạo mỗi buổi chiều nữa vì không có người giám sát.
Còn anh Việt Trung (quận Bình Thạnh, TPHCM), dù vẫn thường xuyên dạy và hướng dẫn con gái những động tác chống cự khi bị bắt cóc nhưng người bố này cho biết sẽ không chủ quan.
"Khi con gái 6 tuổi, tôi đã dạy và tập cho con một số kỹ năng khi gặp kẻ biến thái, bị bắt cóc. Nhưng hai cha con tập là một chuyện còn áp dụng thực tế lại là chuyện khác. Lúc này, rất cần sự bình tĩnh của cháu. Sau chuyện này, tôi sẽ thường xuyên nhắc nhở và làm công tác tâm lý cho con", anh Trung nói.
Trong khi đó, chị Phan Nga (TP Thủ Đức, TPHCM) lên mạng tìm ngay một khóa tập võ cho con. Theo chị, võ thuật không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp con biết cách tự vệ.
Trách nhiệm không của riêng ai
Nhận định về vụ việc này, PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, trong chương trình tiểu học, trẻ đã được giới thiệu những kỹ năng rất cơ bản như phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống bắt cóc, phòng, chống xâm hại tình dục...
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kiến thức trên lý thuyết, các bé chưa có nhiều cơ hội thực hành.
PGS.TS Thành Nam bày tỏ khi xuất hiện khủng hoảng kinh tế, khó khăn về việc làm thường luôn dẫn đến ảnh hưởng về an ninh tài chính, nguy cơ bùng phát các dạng tội phạm, nổi cộm là nạn trộm cắp, cướp giật, thậm chí là bắt cóc, tống tiền. Vì thế, chúng ta phải ý thức được về nguy cơ để có biện pháp tăng cường giám sát.
"Sẽ có những cha mẹ bắt đầu sợ sệt, cho rằng, tốt nhất là không đi ra ngoài, tốt nhất là không giao tiếp, vui chơi, ở nhà cho an toàn... Đây là suy nghĩ sai lầm. Không phải giữ rịt con ở nhà đã là tốt, không nên có suy nghĩ không quản được thì cấm", ông Nam nói.
Phân tích sâu hơn, PGS.TS Thành Nam nêu, khi trẻ không có cơ hội ra ngoài, các con càng mất đi cơ hội để rèn kỹ năng sống. Quan trọng là khi thấy môi trường ở xung quanh đứa trẻ không an toàn, cha mẹ cần giúp cho trẻ được sống và phát triển tốt hơn, để con có được một số kỹ năng cần thiết và áp dụng nó vào thực tiễn.
Ông lấy ví dụ, cha mẹ cần hướng dẫn con nhận diện vấn đề, khi có người lạ mặt đến gần chỗ mình, có những hành động lạ hoặc lôi kéo, dụ dỗ, bắt ép... lúc này, con phải hét lên, gây chú ý cho người khác hoặc thể hiện chống cự theo cách thức cụ thể.
Cha mẹ cần dạy con phải bình tĩnh để tìm cơ hội thoát ra, nhờ sự giúp đỡ của người lớn khác. Muốn làm được điều này, bản thân bố mẹ rất cần có kiến thức và kỹ năng để giáo dục con.
"Kỹ năng rất quan trọng. Bởi vì, thủ đoạn phạm tội có thể luôn đổi mới. Vì thế, kể cả là bố mẹ có cấm con, không cho ra ngoài thì đến lúc nào đó chính con chủ động trốn đi vì lời dụ dỗ của kẻ xấu", ông Nam cảnh báo.
Nâng cao trách nhiệm cộng đồng
Vị chuyên gia này cho rằng bất cứ bố mẹ nào cũng không thể giám sát con mình 24/7, vì thế, điều quan trọng là phải huy động được sức mạnh cộng đồng, mọi người đều phải có trách nhiệm.
Ông đưa giải pháp về việc thiết lập các liên gia canh gác, tức là các khu phố đều cần những người có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Gia đình này bận rộn sẽ có gia đình khác chăm sóc trẻ.
"Nhiều vấn đề như bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt cóc... có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở trong bất cứ bối cảnh nào. Vì thế, chúng ta cần phải có sự cảnh giác, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Cần tinh thần cộng đồng", ông Nam phân tích.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh tới việc thiết lập một hệ thống liên lạc để khi phát hiện dấu hiệu, nghi ngờ hoặc một hành vi sai trái nào đó, tất cả mọi người đều nắm được và phải có trách nhiệm cảnh báo.
Điều này giúp cho cơ quan nghiệp vụ ngay lập tức vào cuộc và ngăn chặn kịp thời những hành vi tội phạm.
Cách khác là xây dựng khu vui chơi cho trẻ ở trong lòng khu dân cư và có sự giám sát của người lớn. Vấn đề này liên quan đến nội lực của từng khu dân cư và công tác quy hoạch.
Dẫu vậy, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng vấn đề quan trọng vẫn là xây dựng ý thức cộng đồng. Mỗi người cần tự nhận thấy trách nhiệm phát hiện ra nguy cơ bất ổn, trường hợp không bình thường, phải có trách nhiệm tố cáo bắt buộc.
Hiện nay, khi người dân phát hiện ra các vấn đề liên quan đến trẻ em như nghi ngờ bị xâm hại, lạm dụng trẻ em... được phép tố cáo và lực lượng chức năng có nhiệm vụ chứng minh trường hợp này. Người tố cáo sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai.
Người dân phải được tuyên truyền, phổ biến về mặt pháp luật, pháp lý để biết và hành động bảo vệ trẻ em, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.