Dấu hiệu của nhiều tội danh trong vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền ở Hà Nội
(Dân trí) - Theo các luật sư, ngoài dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân, Trung còn có thể bị xem xét xử lý về 3 tội danh khác.
Như đã đưa tin, khoảng 19h ngày 14/8, Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) phát hiện cháu C. (7 tuổi, ở khu biệt thự BT7, khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đạp xe một mình nên đã mở cửa xe, khống chế và đưa nạn nhân lên ô tô rồi bỏ trốn. Sau khi lòng vòng qua nhiều tỉnh, Trung về lẩn trốn tại một khu công nghiệp thuộc địa phận thị xã Duy Tiên (Hà Nam) rồi gọi điện cho gia đình nạn nhân đòi tiền chuộc.
Sau khoảng 10 giờ gây án, Trung bị phát hiện. Nghi phạm sử dụng súng cao su chống trả, làm bị thương một chiến sĩ cảnh sát hình sự nhưng không thể bỏ trốn. Cơ quan công an sau đó đã khống chế, di lý Trung về Hà Nội và ra quyết định tạm giữ hình sự nghi phạm này.
Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi, với hàng loạt hành vi nêu trên, Trung có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hành vi của Trung cho thấy sự liều lĩnh, manh động và bất chấp, gây hoang mang, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội. Với một chuỗi các hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật như trên, nghi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về nhiều tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, sau khi bắt cóc bé trai 7 tuổi, Trung yêu cầu bố mẹ cháu phải đưa 13 tỷ đồng thì mới trả lại con và hẹn gặp giao nhận tiền gần khu công nghiệp Đồng Văn thuộc địa phận thị xã Duy Tiên.
Khi mẹ bé trai giao tiền, Trung nhận tiền, thả bé trai rồi bỏ chạy. Thời điểm bị bắt giữ, nghi phạm cầm theo số tiền 13 tỷ đồng chiếm đoạt từ gia đình nạn nhân.
Trong nội dung này, có 2 tình tiết cần lưu ý, đó là bắt cóc trẻ em và tống tiền gia đình. Đối chiếu với quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Trang nhìn nhận những hành vi của Trung có dấu hiệu cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự Trung để điều tra hành vi này là hợp lý và có cơ sở.
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, căn cứ khoản 4 Điều này, người phạm tội sẽ đối diện khung hình phạt 15-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ xem xét để ghi nhận các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tòa án có thể căn cứ quy định tại các Điều 51, 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét tuyên mức án thấp hơn mức án mà người phạm tội có thể bị VKS truy tố.
Bên cạnh đó, một hành vi khác cần lưu ý đó là khi bị lực lượng chức năng phát hiện, Trung đã sử dụng súng bắn đạn cao su chống trả và làm một cán bộ cảnh sát hình sự thuộc Công an quận Long Biên bị thương. Đối với tình tiết này, luật sư Trang cho biết Trung có thể bị xem xét thêm trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, trong trường hợp kết quả giám định cho thấy cán bộ này có xuất hiện tỷ lệ phần trăm thương tật, dù có ở mức từ 11% trở lên hay không, Trung vẫn có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng theo dõi sự việc, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng với những hành vi đã thực hiện với cháu bé cũng như cán bộ công an, Trung trước mắt sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Chống người thi hành công vụ và Cố ý gây thương tích. Ngoài ra, ông Thắng nhìn nhận cũng cần phải kiểm tra nhân thân và làm rõ hành vi tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn cao su để chống trả công an của Trung.
Cụ thể, trích dẫn quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, luật sư cho biết súng bắn đạn cao su được coi là công cụ hỗ trợ. Theo Điều 55 Luật này và Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA, chỉ một số những đối tượng nhất định, có chứng chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ mới được phép sử dụng súng bắn đạn cao su.
Những người này có thể bao gồm người trong lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, lực lượng thi hành án dân sự, cơ quan điều tra VKSND Tối cao, kiểm ngư, hải quan, kiểm lâm hay người bảo vệ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hay các đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ, bảo vệ dân phố…
Nếu không thuộc những nhóm đối tượng đã nêu, công dân không được phép và không đủ điều kiện được sử dụng công cụ hỗ trợ. Việc tự ý sử dụng là trái với quy định của pháp luật.
"Về chế tài, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng.
Trường hợp người vi phạm từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ theo Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt áp dụng là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm", luật sư Thắng cho biết.
Hoàng Diệu