Tự kiếm tiền ôn thi đại học

(Dân trí)- Nhà nghèo, cha bỏ đi, mẹ thành trụ cột chính của gia đình, nhưng giấc mơ giảng đường đại học chưa bao giờ lụi tắt nơi cô gái ấy. Sau lần thi trượt đầu tiên, cô quyết định tự kiếm tiền ôn thi ĐH. Và niềm vui đã đến với cô ở lần thi thứ ba…

Đó là chuyện về Lương Thị Tuấn, tân sinh viên khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Kỳ thi ĐH vừa qua, cô thí sinh người dân tộc Thái ở bản Nam Đình (Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An) này đạt được số điểm vừa đủ để đỗ vào trường ứng thí, nhưng đó cũng là một quả ngọt cho những cố gắng của cô suốt mấy năm qua. 

Tự kiếm tiền ôn thi đại học - 1
Tân sinh viên Lương Thị Tuấn.

Từ nhỏ, Tuấn sống cùng mẹ trong căn nhà lụp xụp nhất trong bản người Thái Nam Đình. Cha Tuấn bỏ đi từ khi cô chưa được 10 tuổi. Nhà không có đất sản xuất, ba mẹ con Tuấn sống chật vật bằng công việc làm thuê, khi thì làm cỏ ruộng, khi đi cấy thuê, kéo gỗ trên rừng. Ngoài giờ trên lớp, Tuấn phải giúp mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng bởi vậy mà sức học của cô không được như mong muốn. Tuy nhiên cô gái trẻ ấy sớm xác định, chỉ có con đường học mới có thể giúp cô và gia đình thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng.

Sau lần đầu thi rớt ĐH, Tuấn quyết định ở lại nhà một người bà con ở TP Bắc Ninh để ôn thi. Cô còn kiếm việc làm thêm ở một công ty điện tử để có tiền ăn học. Cứ mỗi tháng, 2, đến 3 lần Tuấn lại đạp xe từ TP Bắc Ninh lên bến xe Mỹ Đình thồ gạo về nhà trọ để có cái ăn ôn thi. Cô cho biết dù đã mấy năm ở xứ Bắc những vẫn chưa quen ngồi xe buýt vì luôn bị say xe. Phương tiện đi lại của cô là chiếc xe đạp cà tàng được mẹ mua cho từ hồi còn học phổ thông.

Niềm vui chỉ thực sự đến với Tuấn qua lần thi ĐH thứ ba. Cầm giấy báo nhập học, cô vừa mừng, vừa thấy lo cho mẹ và em trai. Khoản tiền ban đầu phải đóng khi nhập học là quá lớn đối với ba mẹ con. Căn nhà của ba mẹ con che bằng tấm lợp tồi tàn không có một tài sản nào đáng giá. Mẹ Tuấn lại phải chạy vạy vay mượn làng xóm mới có đủ tiền cho con gái nhập học.

“Nhìn thấy cảnh nghèo túng của gia đình cô, nhiều người khuyên cô không nên cho em đi học.  Nhưng vì muốn con có được cơ hội thay đổi cuộc đời nên cô phải cố gắng thôi”, bà Lô Thị Tỵ - mẹ của Tuấn tâm sự.

Khi bắt tay tạm biệt chúng tôi, Tuấn nói như là hứa với chính mình: “Em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để không phải xin tiền mẹ”.

Cầm chặt bàn tay còn hằn những vết chai của Tuấn, chúng tôi như cảm nhận thêm sự quyết tâm của cô tân sinh viên này.

Thuấn Hoàng

Dòng sự kiện: Vượt khó đỗ ĐH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm