Thán phục trước nghị lực những tân sinh viên nghèo
(Dân trí) - Hôm qua 14/10, báo Tuổi trẻ tiến hành trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 100 tân sinh viên này là 100 mảnh đời khác nhau nhưng điểm chung của họ là ý chí nghị lực, khát khao học tập để thoát nghèo.
Em Phạm Văn Thịnh, tân sinh viên Trường ĐH Điện lực, quê ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội sinh ra trong một gia đình nghèo có 2 anh em. Bố Thịnh mất từ năm 1999, một mình mẹ Thịnh phải đi làm thuê để nuôi 2 anh em. Đến tháng 8/2010, mẹ Thịnh qua đời vì bệnh tim. Hiện nay 2 anh em Thịnh đang ở với người chú ruột bị mù một mắt nhưng vẫn gắng đi làm thuê để nuôi 2 cháu. Khắc phục khó khăn, Thịnh quyết tâm học tập để thoát khỏi cảnh nghèo và mong có ngày đền đáp lại công ơn của người chú thân yêu.
Cùng trường với Thịnh, Nguyễn Thành Trung cũng có hoàn cảnh hết sức éo le. Bố mẹ Trung ly dị từ khi em mới sinh ra, bố đi lấy vợ hai, sinh thêm được 2 người con và không có trách nhiệm gì với Trung. Còn mẹ Trung lại mắc bệnh tâm thần khi em 1 tuổi, hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều dưỡng người già và trẻ mồ côi Thụy An. Trung phải về sống với bà từ bé bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Hay như sinh viên Phạm Trường Sơn ở Cẩm Giảng, Hải Dương, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bán hàng rong ngoài chợ, cuộc sống chỉ đủ bữa cơm qua ngày. Do làm lụng vất vả, mẹ Sơn đã bị bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện, mỗi tháng tiền thuốc chữa bệnh hết 1 triệu đồng. Vừa chăm mẹ, Sơn vừa bán hàng để có thêm thu thập. Vậy mà thành tích học tập của Sơn làm mọi người kính nể: đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm lớp 12 và thi đỗ vào ĐH Khoa học Tự nhiên.
May mắn không phải chịu cảnh mồ côi như các bạn trên, Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, quê ở Phượng Mao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, chung số phận nghèo. Mạnh là người dân tộc Mường, bố mẹ đều làm ruộng nhưng lại bị bệnh nặng nên nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm. Là con cả trong gia đình, ngay từ những năm cấp 2, Mạnh đã thay bố mẹ làm hết công việc đồng áng. Đến năm học cấp 3, Mạnh đã đi làm thêm công việc như xách vữa, vác xi, mò cua bắt ốc... để có tiền mua sách vở đi học.
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh, khoa Văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, quê ở Điềm Thụy, Phú Bình, Thái Nguyên vừa nhập học em đã đi làm thuê tại quán cơm gần trường để kiếm sống. Cả gia đình Thanh 5 người đều dựa vào thu nhập từ 3 sào ruộng. Nhà nghèo lại bệnh trọng, bố Thanh là thương binh nên thường xuyên đau ốm, mẹ em cũng vậy.
Thanh tâm sự: “Em chọn làm thuê ở quán cơm vì sau mỗi buổi làm em được lương 60.000 đồng và được chủ của hàng cho ăn cơm không mất tiền. Có như thế này là em thấy tốt lắm rồi. Em sẽ cố gắng học thật tốt để vượt qua những khó khăn này. Chắc chắn trong nước mắt sẽ có nhiều nụ cười”.
Còn sinh viên Trần Văn Thắng, Học viện Hành chính Quốc gia, quê ở Liễu Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình Thắng có 5 người, bố Thắng đi bộ đội về bị thương nên mắc bệnh tâm thần, mọi công việc đều dồn lên vai mẹ Thắng. Bà suốt ngày quần quật với 8 sào ruộng để nuôi các con ăn học. Do làm việc quá sức, mẹ Thắng lâm bệnh nặng. Anh trai Thắng học hết lớp 7 phải bỏ học vì không có tiền đóng học và đi làm thuê phụ giúp gia đình. Bản thân Thắng được học hết lớp 12, em xin đi nghĩa vụ trong quân đội để bớt gánh nặng cho gia đình. Hết nghĩa vụ, Thắng xin đi làm phụ hồ vừa trang trải tiền ăn và góp tiền ôn thi đại học.
Thắng chia sẻ: “Gia đình quá nghèo nên em cố gắng làm việc hết mình để vượt qua khó khăn. Và vượt qua cái nghèo này, chỉ có con đường đi học nên em quyết tâm thi đại học”. Được biết, khi trở thành tân sinh viên, Thắng vẫn là thợ phụ hồ đắc lực của một công trình.
Hồng Hạnh