Từ clip "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn": Bỏ mặc con là bạo hành "lạnh"
(Dân trí) - "Trước nội dung clip dùng búp bê để "xin vía học giỏi" gây xôn xao dư luận của Thơ Nguyễn vừa qua, tôi cho rằng, phụ huynh bỏ mặc trẻ em cho thiết bị điện tử, được xem như một dạng bạo hành "lạnh".
Đó là nhận xét của PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường ĐHGD, ĐHQG Hà Nội).
Ngoài ra, ông đồng cảm, chia sẻ với những suy nghĩ lo sợ và phản cảm của cộng đồng và các phụ huynh về tính độc hại của nội dung clip trên đây:
Trái với bạo hành "nóng" là những hành động hoặc lời nói gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho trẻ, bạo hành "lạnh" là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ trẻ em.
Điều này dẫn đến những tổn thương thể chất, tinh thần thậm chí dẫn đến cái chết ở con trẻ.
Thả lỏng con cho tivi để phụ huynh rảnh tay?
Clip dùng búp bê "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn phản ánh vấn đề nổi cộm khiến nhiều người lo lắng hiện nay.
Đó là việc để con trẻ tiếp xúc với nội dung xấu độc trên mạng, không chỉ có trách nhiệm của những người sản xuất nội dung. Ở đây, tôi cho rằng, phụ huynh không hoàn toàn vô can.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các chính sách giãn cách xã hội để làm giảm và chặn đứng sự lây lan của Covid-19, nhiều đứa trẻ bị mắc kẹt lại trong nhà, bị cách ly khỏi thầy cô và bạn bè nên đã được cha mẹ thả lỏng trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập internet.
Mục đích ban đầu có thể sử dụng các thiết bị công nghệ không chỉ dành cho nhu cầu cá nhân mà còn phục vụ nhu cầu học tập, nhu cầu giải trí và giữ liên lạc khi cha mẹ phải ra khỏi nhà.
Thế nhưng việc cha mẹ "thả lỏng" con cho ti vi, điện thoại…, thiếu kiểm soát, khiến tần suất và thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ trong giới trẻ tăng cao, nguy cơ nhiễm nhiều nội dung độc hại.
Có thể bị quấy rối và bắt nạt
Như phân tích ban đầu, việc sử dụng thiết bị điện tử để học tập, vui chơi, giải trí có chừng mực sẽ rất tốt.
Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát từ cha mẹ, học sinh sa đà vào các thiết bị này, dẫn đến các em có thể bị dẫn dụ đến các nội dung xấu độc trên mạng, thậm chí bị quấy rối, bắt nạt.
Một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng nhiều hơn đến 70% chỉ sau vài tháng giãn cách trong đại dịch Covid.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, các ngôn ngữ độc hại trên các nền tảng trò chơi trực tuyến tăng 40% và ngôn ngữ mang tính thù địch trên các mạng xã hội tăng 200%.
Ngay cả các nền tảng học trực tuyến của trẻ như Zoom cũng bị báo cáo có rất nhiều sự xâm nhập bất hợp pháp vào để lại những bình luận thô lỗ, thù địch không phù hợp.
Bên cạnh nguyên nhân do thời gian, tần suất sử dụng thiết bị công nghệ tăng cao. Một số vấn đề tâm lý cá nhân của đứa trẻ cũng góp phần vào thực trạng này.
Thường thì với trẻ, việc thay đổi thói quen, bị hạn chế hoạt động (nhất là thời gian nghỉ dịch) sẽ làm tăng cảm giác bất an và mất phương hướng.
Điều này ngoài việc dẫn đến những phản ứng cáu kỉnh nóng giận với bạn bè còn dẫn đến những hành vi nguy cơ như liên tục tìm kiếm những thứ mới lạ gây kích thích trên mạng (bao gồm cả những nội dung không phù hợp) như một cách giải tỏa.
Việc phải ở nhà trong thời gian dài cũng dẫn đến cảm giác cô đơn. Đứa trẻ sẽ cảm thấy đói kết nối và việc liên tục xem lướt các nội dung trên Tik Tok, Youtube của tất cả những video đang thuộc top trending như một cách đền bù kết nối. Điều này dẫn đến nguy cơ tiếp xúc nhiều hơn với các nội dung xấu độc không phù hợp.
Việc tiếp xúc nhiều với những nội dung xấu độc không phù hợp cùng với cảm giác buồn chán, muốn được chú ý khiến đứa trẻ cũng có xu hướng tham gia những hành vi xấu tính khác trên mạng hoặc bắt chước các hành vi không phù hợp theo trend để được chú ý.
Nhưng để con trẻ cảm thấy căng thẳng, cô đơn đến mức chỉ biết vùi đầu vào mạng xã hội, game và các nội dung nhảm nhí để giải tỏa cũng thể hiện một phần trách nhiệm của phụ huynh.
Cha mẹ có thể đang cố gắng cân bằng giữa các áp lực công việc, tài chính và việc nhà, việc học của con trong bình thường mới nên đã lỡ bỏ bê không chú ý được đến những gì con đang làm trên mạng.
Trong đợt học online vừa qua, nhiều cha mẹ thậm chí còn không có thời gian ngồi học trực tuyến cùng con thì khó có thể theo dõi những thời gian lên mạng khác.
Đó chính là lỗ hổng để cho các nội dung xấu độc và những kẻ bắt nạt chạm tới con bạn.
Làm gì khi trẻ không thể "tuyệt giao" với công nghệ?
Trước hết, cha mẹ hãy hiểu, trẻ không thể tuyệt giao với công nghệ vì cần sử dụng nó cho học tập và nhu cầu kết nối.
Thế nhưng, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những gì con đang làm với những người khác trên mạng xã hội.
Cần đặt ra thiết chế chặt chẽ về thời gian sử dụng mạng, xác định mục đích sử dụng mạng rõ ràng và xen kẽ giữa thời gian sử dụng mạng là các hoạt động sáng tạo thú vị như các dự án gia đình, làm đồ thủ cộng, thử nghiệm khoa học với những đồ dùng trong nhà...
Tạo một không gian để nói về những cảm xúc căng thẳng. Đây là không gian tin tưởng và cởi mở để đứa trẻ nói về những gì chúng đã làm, đã chứng kiến và trải nghiệm trong một ngày gồm cả những hoạt động trên mạng. Qua đó bố mẹ cũng có cơ hội để chia sẻ về cảm xúc và tư vấn cách giải quyết vấn đề cho con.
Nhắc lại cho con những nguyên tắc để đảm bảo an toàn trực tuyến bao gồm những nguyên tắc về bảo mật thông tin, không nói chuyện với người lạ, nói về những mối nguy trên môi trường trực tuyến, khuyến khích trẻ nói ra những thông tin mang tính đe dọa, những phát biểu gây thù địch, hiện tượng sexting hay hình ảnh, video phản cảm con xem được.
Nếu người lớn biết các nguy cơ, các rủi ro liên quan đến bắt nạt, bạo lực và các nội dung xấu độc đang tăng lên theo cấp số nhân kể từ đầu đại dịch đến nay, nhưng vẫn không có bất kỳ một hành động nào để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và chăm sóc, tôi cho rằng đó là hành vi bỏ mặc.
Bỏ mặc trẻ em được xem như một dạng bạo hành "lạnh", nó cũng tệ như việc lạm dụng trẻ. Và mỗi bậc phụ huynh cần phải chú ý để không vô ý rơi vào tình huống không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ con em trước những nguy cơ trên môi trường mạng.