Từ clip cô giáo và nam sinh thân mật: Cô trò được tiếp xúc ở mức nào?
(Dân trí) - Clip cô giáo và nam sinh thân mật ngay giữa lớp không chỉ là vấn đề văn hóa học đường mà còn là vấn đề về giáo dục giới tính, giới hạn trong tiếp xúc.
Từ clip cô giáo và nam sinh thân mật ngay giữa lớp xảy ra tại một trường THPT ở Hà Nội, vấn đề về giới hạn giao tiếp trong mối quan hệ giữa thầy và trò được đặt ra.
Cũng như nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, tương tác giữa thầy - trò nên và được phép tiếp xúc, đụng chạm ở mức nào là điều rất quan trọng từ góc độ giới tính nhưng lâu nay ít được quan tâm, để ý.
Cô Nguyễn Thu Hương, 32 tuổi, giáo viên dạy học tại một trường THPT ở TPHCM kể, khi mới ra trường, cô chỉ mới 21 tuổi (cô Hương học cao đẳng sau này liên thông lên đại học).
Những ngày đầu đi dạy, cô có phần "choáng ngợp" trước những học sinh cấp 3 cao lớn hơn mình. Chưa nói đến những trò quậy phá, trêu đùa và cả chống đối cô giáo trẻ, cô sớm nhận ra mình phải thiết lập giới hạn với học trò, nhất là với các nam sinh.
Cô tránh không tiếp xúc riêng với các em ở lớp, ở phòng giáo viên; tránh nhờ các em hoặc nhận sự giúp đỡ từ các em như chở cô về, nhờ sửa đồ đạc, nhờ hỗ trợ về công nghệ...
Ngay ở trường học, khi hỏi bài hay trò chuyện, cô Hương cũng đặt khoảng cách nhất định khi giao tiếp, tiếp xúc với các em.
Theo nữ giáo viên, các em dưới 18 tuổi vẫn chưa đủ tuổi trưởng thành nên cần được bảo vệ. Trong trường hợp này, bảo vệ các em cũng chính là bảo vệ mình.
Cô Hương ý thức sớm về điều này bởi cô theo học chương trình về giáo dục giới tính. Còn thực tế, vấn đề tiếp xúc với học trò nhìn từ góc độ giới tính thì ở trường sư phạm gần như không được nhắc đến, không được trang bị các kiến thức, kỹ năng.
Giới hạn trong tiếp xúc thầy trò
Theo các chuyên gia tâm lý, clip học trò thân mật với giáo viên ngay trong lớp không chỉ là câu chuyện ứng xử văn hóa học đường mà còn cho thấy những lỗ hổng về kiến thức giới tính, về giới hạn trong giao tiếp với người khác.
Ở đây, cậu học trò không biết được giới hạn của bản thân trong tương tác với cô giáo sẽ được phép ở mức độ nào, thể hiện trong giới hạn ra sao. Và phía cô giáo đã thiếu những phản ứng cần thiết nhằm giữ khoảng cách hợp lý trong mối tương quan này.
Nói về giới hạn tiếp xúc ở độ tuổi mới lớn, tuổi trưởng thành, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, tác giả cuốn sách "Cẩm nang giáo dục giới tính" cho hay, nếu không phải là người trong gia đình và người yêu, khoảng cách tiếp xúc giữa hai người nên cách xa ít nhất 20cm, tức là 1 gang tay.
Giới hạn này có thể "vi phạm" trong vài trường hợp ngoại lệ như chen chúc chỗ đông người trên tàu xe, thang máy, lễ hội…; khi người khác cần mình "giúp một tay" như đỡ em bé bị té ngã, dắt cụ già qua đường, giúp người bệnh hoặc người khuyết tật... hay tương tác khi sinh hoạt tập thể như nắm tay múa hát, tham gia trò chơi, nối vòng tay lớn...
Những điều này, trẻ phải được trang bị kiến thức ngay từ bé để có những ứng xử và phản ứng phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh.
Về bài học giới tính đầu tiên cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh đến "luật bàn tay" với 5 vòng tròn giao tiếp của trẻ. Năm vòng tròn giao tiếp này bao gồm những mối quan hệ, tương tác theo hành trình phát triển, trưởng thành của trẻ với những mối quan hệ ngày càng rộng.
Năm vòng tròn giao tiếp của trẻ được thể hiện qua những hoạt động của bàn tay khi tương tác với người khác gồm vòng tay - nắm tay - bắt tay - vẫy tay - xua tay.
Ở tâm vòng tròn là dành cho người ruột thịt (bố đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột), trẻ được quyền (hoặc cho phép) vòng tay ôm hôn, bế ẵm, cõng, tắm khi chưa tự mình làm vệ sinh, ngồi vào lòng, ngủ chung,...
Đây là điều tế nhị bảo vệ bố dượng/ mẹ kế khi tiếp xúc với con riêng của người kia, vì ngay cả con ruột, dân gian Việt Nam vẫn phòng xa khi con cái đến tuổi lớn: "Con gái 13 không qua giường bố, con trai 17 không nhảy giường mẹ".
Vòng tròn thứ 2, dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè. Ở mối quan hệ này, khi đứa trẻ còn bé sẽ được quyền nắm tay, có thể cho phép đối phương vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ.
Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), bé được quyền bắt tay, chào hỏi, trò chuyện,...
Vòng tròn thứ 4 dành cho người lạ, trẻ chỉ cần vẫy tay chào, tạm biệt.
Ngoài tất cả các vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé xua tay, không tiếp xúc (chứ không phải là xua đuổi, chọc phá, kỳ thị).
Người đáng ngại ở đây không phải là người đen đủi xấu xí, ngớ ngẩn, tâm thần hay làm cái nghề nào đó, mà là tự trẻ cảm thấy không thích, bất an, không thoải mái.
Đặc biệt, kể cả người thân, người quen, người lạ mà gây cho bé cảm giác này, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho hay cũng bị coi là "người đáng ngại". Phụ huynh phải tin vào cảm nhận này của trẻ và đừng ép con phải xã giao với họ mà chưa hỏi rõ vì sao con "ngại'.