TS Vũ Thu Hương: Cho trẻ em đeo các loại trang sức vào cổ sẽ rất nguy hiểm
(Dân trí) - Sự việc một bé 15 tháng tuổi chết bất thường ở cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội nghi do mắc dây chuyền đeo cổ vào khóa tủ khiến nhiều người lo lắng. TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học- Trường ĐHSP Hà Nội) chia sẻ: "Có quá nhiều bất cập trong trường học khiến phụ huynh mất niềm tin".
Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của giáo viên ở đâu khi trong giờ dạy để một trẻ 15 tháng tuổi chết bất thường như vậy? TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học- Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghĩ trước hết giáo viên của lớp đã rất thiếu quan tâm.
Ngay từ đầu, nếu thấy cháu nào đeo dây chuyền thiếu an toàn, giáo viên cần tư vấn hoặc tháo ra ngay. Thứ hai, khi mắc dây vào trẻ em không thể chết ngay được mà phải mất một thời gian. Điều này khiến tôi nghĩ đến chuyện đứa trẻ đó đã bị bỏ mặc khá lâu, đến mức sự vụ đau lòng đó xảy ra".
Quá tắc trách và cần phải xem lại vấn đề an toàn.
Thông thường, ở các trường mầm non, đồ đạc thường rất đơn giản để an toàn cho trẻ. Bà nhận xét gì về hình ảnh chiếc dây chuyền vướng vào khóa tủ đựng đồ khiến một bé 15 tháng tử vong?
Con tôi từng học ở Đức nên tôi đã có điều kiện quan sát rất kĩ trường học ở đây. Trong lớp học của các cháu cực kì đơn giản nhưng đầy đủ. Hệ thống sưởi ấm áp nhưng an toàn, không có quá nhiều đồ đạc trong lớp.
Các lớp học ở đây có hệ thống camera cực tốt. Ở mỗi phòng, có một người chuyên ngồi quan sát camera cả ngày xem có trường hợp nào bất thường để can thiệp và xử lý ngay.
Ở phòng ngủ, giáo viên luôn quan sát các con xem có gì bất thường không. Tôi rất ngạc nhiên khi phòng ngủ không hề có rèm, không có vật gì bất thường để trẻ có thể nghịch ngợm, ngoài hệ thống thông gió và lò sưởi giữ ấm.
Đặc biệt, ở khu vui chơi của các con cũng đều có lưới bảo vệ để đảm bảo an toàn. Vì vậy, nếu nói vì chiếc dây chuyền mà để xảy ra tình trạng đáng tiếc vừa qua thì quá tắc trách và cần phải xem lại vấn đề an toàn.
Bà có nghĩ, câu chuyện vừa qua khiến nhiều người lo ngại và mất niềm tin vào trường học? Phụ huynh cần làm gì khi trường học không còn là nơi an toàn để gửi gắm con em?
Ngoài đảm bảo an toàn từ các vật dụng trong lớp, việc tuyển chọn giáo viên ở nước ngoài cũng cực kì cẩn trọng, giáo viên tâm huyết và yêu nghề. Giáo viên phải qua những khóa thực tập gắt gao. Họ có thời gian nghỉ ngơi nhiều nên chất lượng giảng dạy cũng tốt.
Trong khi đó cũng phải nói lại, ở nước ta giáo viên dạy quá tải, học sinh trong lớp quá đông, lương giáo viên thấp. Nói chung, nhà trường vắt kiệt sức lao động của giáo viên.
Nhiều bố mẹ ở nước ta hiện hiện nay không có kĩ năng và không có điều kiện tìm trường lớp tốt cho con. Đặc biệt, nhiều khu lao động còn thiếu các trường học đạt chuẩn cho trẻ em nên nhiều gia đình gửi gắm con em ở những cơ sở mầm non tư thục chất lượng thấp.
Cho trẻ em đeo các loại trang sức vào cổ sẽ rất nguy hiểm
Nhiều gia đình lâu nay vẫn có thói quen cho trẻ em đeo các loại trang sức để kị gió, tránh bệnh tật. Bà thấy điều này có cơ sở khoa học?
Tôi nghĩ, không nên cho trẻ con đeo các thể loại dây chuyền hoặc vòng. Như chúng ta đã biết, quan niệm Á Đông từ trước đến nay, khi trẻ em còn nhỏ thì ông bà và bố mẹ thường tặng những món quà nhỏ cho các cháu đeo lên người để may mắn và chóng lớn.
Thứ hai, nhiều người quan niệm các loại trang sức, vòng bằng bạc thì kị gió, khi trẻ em đeo vào thì sẽ hạn chế được bệnh tật. Tuy nhiên, theo tôi thấy chưa có nghiên cứu khoa học nào nhắc đến điều này và không có cơ sở.
Việc nhiều gia đình quan niệm sai lầm như trên đây, gây nguy hiểm cho trẻ ra sao, thưa bà?
Tôi thấy cho trẻ em đeo các loại trang sức vào cổ sẽ rất nguy hiểm. Bản thân tôi là người lớn, tôi đeo một dây chuyền ở cổ nhưng đêm ngủ, tôi thấy khó chịu và khó thở. Vì thế, trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường bỏ dây chuyền ra cất đi và khi tỉnh dậy mới đeo.
Trong trường hợp gia đình rất muốn con đeo gì đó lên cơ thể, tốt nhất chỉ đeo vào cổ chân bởi đó là vị trí khá an toàn.
Trong quá trình nghiên cứu, bà từng biết câu chuyện nào đáng tiếc liên quan đến kĩ năng này?
Cách đây một vài năm, tôi đã từng nghe câu chuyện đâu đó ở nước ngoài, liên quan đến một trẻ em khoảng ba tuổi. Cháu bé này ngủ ở phòng riêng. Khi thức giấc, cháu nghịch và bị mắc vào sợi dây treo mành khiến cháu ngạt thở chết.
Chỉ một sợi dây treo mành cũng khiến một trẻ em mất mạng thì tôi nghĩ, nếu một sợi dây chuyền suốt ngày kè kè ở cổ, sẽ rất nguy hại cho trẻ nên cần khuyến cáo bố mẹ hết sức cẩn trọng.
Đấy là chưa kể nhiều gia đình còn cho con đeo vàng. Với trẻ còn bế ẵm thì luôn có người lớn bên cạnh nhưng với những trẻ đến tuổi đi học, tôi thấy thực sự không hề cần thiết nếu không nói rằng cực kì nguy hiểm nếu để những người xấu nhìn thấy và lừa đảo, cướp giật.
Tiêu chuẩn an toàn phải được đưa lên hàng đầu
Trong giáo trình sư phạm, việc giáo viên phải đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non được chú trọng ra sao thưa bà?
Đối với các trường mầm non, tiêu chuẩn an toàn phải được đưa lên hàng đầu. Trong tất cả các hoạt động, thầy cô luôn đặt an toàn lên hàng đầu rồi mới đến các kĩ năng chăm sóc khác, bởi trẻ em mầm non chưa biết đến các kĩ năng giữ an toàn cho chính mình, chưa biết kêu cứu, chưa biết làm gì để tự lo cho bản thân mình.
Chúng ta có thể thấy một chi tiết nhỏ ở trường mầm non hoặc tiểu học, bậc thang cầu thang luôn thấp hơn bình thường so với các ngôi nhà. Trong khi đó, các lan can lại cao hơn bình thường để học sinh không leo trèo.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Mỹ Hà (thực hiện)
(Email:myha@dantri.com.vn)