TS Trần Du Lịch: Cần tổ chức lại toàn bộ hệ thống giáo dục
(Dân trí) - “Cần tổ chức lại giáo dục phổ thông và dạy nghề là một bộ, còn đại học và nghiên cứu khoa học thành một bộ. Với tình trạng như hiện nay thì toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của chúng ta đang chia cắt nghiêm trọng và không tránh khỏi lợi ích cục bộ theo từng mảng bị chia cắt”.
Đó là đề xuất mà TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Hội thảo góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (dự thảo lần 5) do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức.
Theo ông Lịch, dự thảo luật lần này Chính phủ đã tập trung xử lý những "điểm nghẽn, nút thắt cản trở việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học. Nêu cụ thể ba nhóm nội dung của điểm nghẽn chủ yếu phải sửa đổi, bổ sung gồm: tự chủ đại học và quản trị đại học; Quản lý đào tạo và Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ đại học.
Tuy nhiên, theo ông để tháo gỡ nút thắt, dự án Luật lần này đã đề nghị sửa đổi 39 trên tổng số 73 điều của luật hiện hành và bổ sung thêm hai điều mới, tức là chiếm 53%. Như vậy, với số lượng sửa đổi như trên thì không phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội là sửa đổi một số điều mà thực chất phải gọi là Luật Giáo dục đại học sửa đổi mới phù hợp.
Đồng thời, ông cho rằng thay vì chỉ tập trung vào giải quyết những “điểm nghẽn” cơ bản thì dự thảo đã sửa quá nhiều chỗ không cần thiết, làm rối lên. “Nếu xét ở chỗ sửa đổi 39 điều và bổ sung 2 điều mới có giải quyết được các điểm nghẽn không thì tôi cho rằng không. Cụ thể như ở điều 12 chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học thì chỉ mang tính khẩu hiệu mà không có nội dung cụ thể nào. Như vậy thì ban hành làm gì?”, ông Lịch băn khoăn.
TS Trần Du Lịch cũng nhận xét chính sách được nêu trong dự thảo luật vẫn mơ hồ. Như khoản 3 nói về cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận cũng nói chung chung mà không biết sẽ có chính sách gì áp dụng ở đây. Luật có khắc phục được tình trạng thương mại hóa trong giáo dục đại học không, có khuyến khích những nhà hảo tâm đóng góp xây dựng các cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận hay không.
Vị nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết: “Tôi đồng tình với quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của nhà nước chứ không có yếu tố thị trường kể cả ở nước Mỹ. Ai nói giáo dục do thị trường điều tiết là sai lầm nghiêm trọng. Đừng tưởng ở Mỹ trường tư chiếm 80% thì là thị trường không đâu thực tế tất cả là do nhà nước chi phối. Cái họ khác mình là cách quản lý. Họ quản lý là dùng chính sách quản lý để tác động đến giáo dục, còn ta quản lý thì bày đặt ra tầng tầng, lớp lớp để quyết cái nọ, quyết cái kia. Tôi cho rằng dự thảo luật lần này phải làm rõ điều đó”.
Ông Lịch cũng nhấn mạnh phải thay đổi quan điểm về quản lý, cách quản lý hiện nay. “Tôi ủng hộ quan điểm mở rộng quyền tự chủ đại học, nhưng tự chủ gì mà vẫn quy định nội dung phải thế này, thế kia thì sao gọi là tự chủ. Tự chủ là được mọi quyền để sáng tạo và chỉ những gì luật quy định mới phải làm theo. Hãy bắt chước luật doanh nghiệp, cái gì không cho thì ghi trong luật, còn lại thì trường được quyền làm. Nên mở rộng tự chủ đại học trên hai nội dung chính: đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và quản trị đại học”, ông Lịch nói.
Theo TS Trần Du Lịch, việc sửa đổi luật là cần thiết tuy nhiên những bất cập về chất lượng đào tạo ĐH của nước ta hiện nay như cho ra đời quá nhiều trường ĐH kém chất lượng, sự thương mại hóa giáo dục không phải chỉ có nguyên nhân từ sự bất cập của luật mà từ những con người thực thi. Do đó nếu chỉ tập trung sửa luật mà không quan tâm tổ chức lại bộ máy quản lý, bố trí người có tâm, có tầm với sự nghiệp giáo dục thì tình hình giáo dục ĐH khó được cải thiện nếu có sửa Luật”, ông Lịch nhấn mạnh.
Ông đề nghị: “Quốc hội nên chủ động sắp xếp tất cả các ĐH, viện do nhà nước quản lý. Cần phải bỏ cơ chế Bộ nào cũng có trường ĐH, trừ những Bộ có cơ chế sử dụng cán bộ phải “hậu bổ” như Học viện Quốc phòng còn nếu đào tạo cho xã hội thì cần gì bộ nào cũng đào tạo là điều không hiểu được.
Cần tổ chức lại giáo dục phổ thông và dạy nghề là một bộ, còn ĐH và nghiên cứu khoa học thành một bộ. Với các bộ như hiện nay thì toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của chúng ta đang chia cắt nghiêm trọng và không tránh khỏi lợi ích cục bộ theo từng mảng bị chia cắt”.
Do đó, ông Lịch đề xuất hai phương án: “Nếu sửa một số điều đối với Luật hiện hành thì chỉ tập trung vào một số điều quan trọng về quyền tự chủ ĐH và tập trung chế định chính sách cho loại hình ĐH phi lợi nhuận. Nếu chậm lại 1-2 năm thì nghiên cứu viết lại toàn bộ Luật giáo dục ĐH mới thể hiện tư duy cải cách cơ bản toàn diện, thay đổi tư duy quản lý nhà nước về giáo dục”.
Lê Phương (ghi)