Nghệ An
Trường xuống cấp, thầy trò dạy học trong lo âu
(Dân trí) - Gần 50 phòng học, phòng ở bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Dãy nhà ăn có nguy cơ bị kéo sập bất cứ lúc nào. Hàng trăm thầy, trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đang học tập trong nơm nớp lo sợ.
Dẫn chúng tôi tới dãy nhà học thực nghiệm, thực hành và phòng làm việc của các bộ môn, thầy Nguyễn Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An thở dài: “Xuống cấp trầm trọng lắm rồi. Cả thầy lẫn trò mỗi khi phải học ở dãy nhà này đều nơm nớp lo sợ gạch, vữa rơi xuống đầu”.
Dãy phòng thực hành, thực nghiệm và phòng làm việc của các bộ môn được xây dựng vào khoảng những năm 1990, chủ yếu bằng vôi trộn cát. Bởi vậy, trải qua hàng chục năm cộng với sự tác động của mưa gió, dãy nhà 24 phòng này đã “rệu rạo”. Tường nhà bong tróc từng mảng lớn, vôi vữa mủn đến nỗi chỉ cần đưa ngón tay xát nhẹ thì cát rơi lả tả như bụi. Thậm chí, ở một số điểm, phần vữa bong tróc, xói vào từng viên gạch tựa hồ kéo nhẹ viên gạch cũng có thể bị lôi ra.
Phần lan can phía đông dãy nhà đã vỡ hết hồ, chỉ còn trơ lại vài thanh cốt sắt hoen gỉ. Nguy nhất là sự bong tróc của trần nhà với từng mảng hồ lớn luôn rình rập, đe dọa giáng xuống đầu giáo viên và học sinh bất cứ lúc nào. Ngay tại cầu thang, dầm bê tông cũng nứt toác, dơ cốt sắt ra ngoài, kéo theo bong tróc phần trần, rất nguy hiểm cho học sinh khi các em phải thường xuyên hàng ngay đi lại, lên xuống nhiều lần ở đây. Vào những ngày mưa gió, tngoài việc nơm nớp lo sợ cho sự an toàn sức khỏe, thầy và trò còn phải "sơ tán" máy móc, dụng cụ học tập, thí nghiệm thực hành.
Nhà trường có hai nhà ký túc xá gồm 76 phòng thì dãy nhà nhà ba tầng phía Tây rộng 1.100m2, xây dựng năm 1994 với 40 phòng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Em Trần Nhật Thông, Bí thư Chi đoàn lớp 12A2 cho biết: “Hiện em và các bạn bạn nam cùng lớp đang ở tại tầng ba của nhà ba tầng. Ngày nắng thì không sao, ngày mưa thì khổ vô cùng, nhất là những lúc mưa to và mưa kéo dài, nước dột chảy xuống như ngoài trời. Nước dột từ tầng 3 thấm xuống cả tầng 2, tầng 1”.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường than thở: “Vào mùa mưa bão thì hết khố luôn. Trong phòng mà ướt nước như ở ngoài trời. Trường phải mua nilông về đóng trần cho các em. Mưa bão, nhà lại xuống cấp, sợ có thể sập bất cứ lúc nào”.
Không chi vậy, hệ thống ống nước, hệ thống vệ sinh do được thi công quá lâu, nay không đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nên gây không ít khó khăn cho các em học sinh. Chúng tôi đã hết sức sửng sốt khi bức tường ngăn cách giữa 2 phòng học xuất hiện cả một lỗ lớn. Các em học sinh ở đây cho biết, do tưởng bong tróc khiến gạch lộ ra. Các em “vui tay” cạy thử vài viên gạch nên đã tạo thành một lỗ hổng lớn xuyên 2 phòng.
Đó là chưa kể đến nhà ăn của học sinh. Do nạo vét, xây dựng công trình Kênh Bắc, nền nhà bị sụt lún, tường nhà nứt toác, khu vực chế biến thực phẩm sụp đổ, hiện chị em cấp dưỡng đang phải đứng làm việc giữa mưa, giữa nắng. Bức tường phía sau nhà ăn cũng đang đứng trước nguy cơ có thể bị kéo đổ sập bất cứ lúc nào do nền nhà đã bị lún, vỡ gần sát móng nhà.
Nói về tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các công trình trên, hiệu trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết: “Từ khi xây dựng đến nay, nhà học và nhà ký túc chưa được sửa chữa lần nào nên hư hỏng ngày càng nặng, nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh. Ngày 4/4/2012, Trường đã có Tờ trình số 66/TT-2012 gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị được cải tạo, nâng cấp hai nhà này”.
Đến ngày 10/10/2012, UBND tỉnh có Công văn số 7121/UBND-TK thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư “kiểm tra cụ thể, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định”. Ngày 24/10/2012, Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An có Công văn số 2011/SKHĐT-VX trả lời UBND tinh “Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương lập dự án cải tạo, nâng cấp Trường THPT DTNT tỉnh khi cân đối được nguồn vốn”.
Trước tình hình này, trường lại phải gõ cửa các cơ quan cấp tỉnh có liên quan như Sở GD-ĐT, Ban Dân tộc và Miền núi và UBND tỉnh kêu cứu. Ngày 27/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định “phê duyệt chủ trương cải tạo, nâng cấp nhà ký túc xá và nhà học đa chức năng Trường THPT DTNT tỉnh” với khái toán tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và huy động nguồn vốn hợp pháp khác, thời gian chuẩn bị đầu tư phải hoàn thành trước ngày 25/10/2013.
“Nhận được quyết định của UBND tỉnh, cả trường đều mừng. Mừng đó, nhưng lại thất vọng ngay đó. Lãnh đạo trường đã lên làm việc nhiều lần với các ngành có liên quan và UBND tỉnh, song cho đến nay, sự việc vẫn dẫm chân tại chỗ chứ chưa hề có một bước tiến triển gì thêm với lý do “vướng nghị quyết 11 nên chưa bố trí được vốn”, ông Trung cho biết thêm.