Trường xếp hạng cao thế giới nhưng điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều trường đại học dù đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế nhưng điểm sàn, điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào lại mức thấp.

Trường xếp hạng cao thế giới nhưng điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp - 1

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Duy Tân có vị trí cao trên bảng xếp hạng quốc tế (Ảnh: TL).

Vượt mặt "đại thụ" dẫn đầu về xếp hạng 

Phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) vừa công bố bảng xếp hạng Webometrics lần thứ hai năm 2023.

Trong 186 trường ĐH ở Việt Nam tham gia bảng xếp hạng này, top 5 dẫn đầu lần lượt là: ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đáng chú ý, 2 cơ sở giáo dục ngoài công lập là Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã "vượt mặt" nhiều tên tuổi lớn trong top 10 để giành vị trí thứ 3 và thứ 4.

Các tên tuổi xếp sau như: Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ.

Trường xếp hạng cao thế giới nhưng điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp - 2

Top 15 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics tháng 7/2023 (Ảnh chụp màn hình ngày 5/8).

Hai ngôi trường trên cũng thường có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng khác. Điển hình như Trường ĐH Duy Tân hồi tháng 6/2023 vừa qua gây bất ngờ khi nắm giữ vị trí số 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS).

Tại bảng xếp hạng này, Việt Nam có 5 đại diện lọt top 1.000 lần lượt là: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trong đó, Trường ĐH Duy Tân được xếp ở vị trí 514, tăng 286 bậc so với năm ngoái. Đây cũng là thứ hạng cao nhất của một ĐH của Việt Nam trên bảng xếp hạng ĐH thế giới từ trước đến nay.

Năm 2022, Trường ĐH Duy Tân cũng dẫn đầu tại bảng xếp hạng THE với vị trí 401-500. Xếp sau đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng vị trí 401-500, ĐHQG Hà Nội vị trí 1.001-1.200, ĐH Bách Khoa Hà Nội vị trí 1.201+, ĐHQG TPHCM vị trí 1.201+.

Tại Bảng xếp hạng các viện nghiên cứu, các trường ĐH trên thế giới năm 2023 do SCImago Institutions Rankings công bố hồi tháng 4/2023, Trường ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 2 và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ở vị trí thứ 4 trong tổng số 29 trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Điểm đầu vào chỉ từ 14

Với hàng loạt thành tích xếp hạng trên, nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về mức điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này. 

Năm 2023, Trường ĐH Duy Tân công bố nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 14 điểm (điểm sàn). Riêng ngành khối sức khỏe, điểm sàn xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Mức 14 điểm là tổng điểm xét tuyển của 3 môn trong tổ hợp dự thi và cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có). Như vậy, thí sinh cần chưa tới 5 điểm/môn đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này. 

Mức sàn này được ghi nhận là thấp nhất năm nay, chỉ một số rất ít trường ĐH nhận hồ sơ mức 14 điểm. 

Với phương thức xét tuyển sớm, kết quả trúng tuyển đợt 1 năm 2023 được nhà trường công bố cũng không nhiều khả quan. Cụ thể, điểm chuẩn vào ngành dược, y khoa, răng hàm mặt là 24; ngành điều dưỡng là 19,5; ngành kiến trúc là 17 và các ngành còn lại là 18 điểm.

Trường xếp hạng cao thế giới nhưng điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp - 3

Điểm chuẩn xét tuyển sớm vào Trường ĐH Duy Tân năm 2023 (Nguồn: ĐH Duy Tân).

Nhìn lại mức điểm chuẩn năm 2022 xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (trừ khối sức khỏe) có tới 28 ngành chỉ lấy 14 điểm; 3 ngành lấy từ 17 điểm; 5 ngành lấy từ 16 điểm; 4 ngành lấy 15 điểm. 

Những năm trước, các ngành xét tuyển vào trường này (trừ khối sức khỏe) đa số đều từ 14 điểm.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mức điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 là từ 15 điểm. 

Mức điểm trúng tuyển năm 2022 dao động từ 15-25 điểm. Trong đó, điểm chuẩn của ngành y khoa cao nhất với 25 điểm; ngành dược học 21 điểm; các ngành khác thuộc khối sức khỏe và sư phạm là 19 điểm.

Các ngành quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, kế toán, quan hệ công chúng, logistic và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, truyền thông đa phương tiện là 18 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm chuẩn là 15.

Mức điểm chuẩn xét bằng điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực cũng ở mức tương đối thấp. 

Bà Hoàng Vi - Phó Giám đốc một công ty đầu tư phát triển giáo dục tại TPHCM - cho rằng mỗi bảng xếp hạng đại học sẽ có những tiêu chí riêng để đánh giá, đôi khi chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định hoặc thể hiện 1 góc nào đó của đơn vị đào tạo.

Chưa kể, trong giới học thuật còn tồn tại những chiêu trò giúp tăng thứ hạng một cách không thực chất.

"Kết quả xếp hạng không thể phản ánh chất lượng lâu dài của đơn vị đào tạo. Vì thế, phụ huynh, học sinh chỉ nên tham khảo kết quả này khi tiến hành chọn trường", bà Vi nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm