Nghệ An:

Trường tư thu học phí cao ngất ngưởng, phụ huynh bức xúc

(Dân trí) - Là trường mầm non tư thục nhưng Trường mầm non Họa My (TP Vinh, Nghệ An) vẫn dán quy định mức thu học phí cho các trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao lên cửa lớp để đánh lừa phụ huynh và đưa ra mức học phí cao ngất ngưởng.

Trường tư thu học phí cao ngất ngưởng, phụ huynh bức xúc - 1

Học sinh Trường mầm non Họa My (TP Vinh, Nghệ An).

Phụ huynh phản đối

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con đang học Trường mầm non (MN) tư thục Họa My, những năm trước đây nhà trường thu học phí bằng với mức của các trường trên địa bàn. Đầu năm học 2011-2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 40/QĐ-UBND quy định mức thu học phí tối đa đối với trường MN công lập thực hiện chương trình chất lượng cao là 540.000 đồng/tháng. Mặc dù là trường tư thục, không thuộc đối tượng áp dụng Quyết định 40 nhưng Trường MN Họa My cũng dán thông báo quyết định này lên cửa lớp và tăng mức học phí lên 540.000 đồng.

Mức học phí năm học 2011-2012 cao hơn gấp đôi học phí năm học 2010-2011 khiến phụ huynh hết sức sửng sốt. Khi có phụ huynh thắc mắc về học phí tăng cao, lãnh đạo nhà trường giải thích là thu theo Quyết định 40 của UBND tỉnh.

Chị N.T.K, có con đang học lớp MN tuổi tại Trường MN Họa My, cho biết: “Khi cô giáo thông báo mức thu học phí mới, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến không đồng ý vì mức thu đó là quá cao so với thu nhập chung của hầu hết phụ huynh. Cô chủ nhiệm chỉ trả lời ngắn gọn là thu theo quy định mới của tỉnh. Ai không đồng ý nộp thì có thể xin chuyển trường cho con đến nơi khác để học”.

Trường tư thu học phí cao ngất ngưởng, phụ huynh bức xúc - 2

Mặc dù không thuộc đối tương áp dụng mức thu học phí theo Quyết định 40 của UBND tỉnh Nghệ An nhưng Trường Mầm non Họa My vẫn dán Quyết định này lên cửa vào lớp.

Thế nhưng đến cuối tháng 9, UBND tỉnh và UBND TP Vinh đã chỉ đạo các trường dừng thu học phí theo Quyết định 40, khi nào thực hiện chương trình chất lượng cao thì các trường thuộc diện này mới được thu theo mức 540 nghìn đồng/tháng. Vậy nhưng Trường MN Họa My vẫn tiếp tục “ăn theo” Quyết định 40 và ấn định mức thu học phí tháng 10 với mức 540.000/tháng. Cách làm này khiến cho phụ huynh rất bức xúc.

“Lần này chúng tôi lại tiếp tục có ý kiến nhưng ban giám hiệu nhà trường lại viện cớ trường khó khăn, lương giáo viên (GV) thấp, cần nhiều kinh phí để xây dựng trường lớp nên đề nghị phụ huynh thông cảm. Để mua sắm cơ sở vật chất và đồ dùng học tập cho các cháu chúng tôi đã phải nộp nhiều khoản khác chứ đâu phải chỉ nộp riêng học phí thôi đâu. Họ bảo chúng tôi phải thương các giáo viên của trường nhưng với mức thu quá cao như thế này có ai thương chúng tôi không?”, chị N.T.K cho biết thêm.

Còn chị H.T.C - một phụ huynh khác lại bức xúc nói: “Trường MN Họa My chỉ là một trường tư thục, chất lượng đội ngũ GV và chương trình giảng dạy cho các cháu chưa thấy hơn các trường khác mà lại áp dụng mức thu học phí tối đa của trường MN công lập thực hiện chương trình chất lượng cao là quá bất hợp lý. Theo quy định thì trường phải thỏa thuận với phụ huynh về mức thu học phí nhưng trường này không thực hiện mà chỉ áp đặt mức thu. Chúng tôi không đồng tình với cách làm của nhà trường nhưng đành phải chịu vì tại thời điểm này xin chuyển con đến trường công học là rất khó vì trường nào cũng quá tải. Hơn nữa thay đổi môi trường, bạn bè, cô giáo đối với các cháu là việc bất đắc dĩ mới thực hiện thôi”.

“Không có Quyết định 40 thì chúng tôi vẫn tăng học phí!”

Qua nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp và 2 lần đến trực tiếp để đề nghị làm việc với lãnh đạo nhà trường, chúng tôi mới được giới thiệu làm việc với cô phó hiệu trưởng Trần Thị Hải Anh. Trước những thắc mắc, bức xúc của phụ huynh học sinh, cô Hải Anh cho biết: “Nhà trường đã có kế hoạch tăng học phí từ năm ngoái bởi với mức thu cũ (226 nghìn/tháng đối với lớp mẫu giáo và 256 nghìn/tháng đối với lớp nhà trẻ) thì nhà trường không đủ để trả lương cho GV và các khoản chi khác.

Chúng tôi là trường tư thục, tất cả mọi khoản chi như lương, mua sắm thiết bị đồ dùng học tập, xây dựng cơ sở vật chất… đều trông chờ vào nguồn thu học phí. Không có Quyết định 40 của UBND tỉnh thì chúng tôi cũng sẽ tăng học phí. Học phí của các cháu lớp thường là 540 nghìn chứ học phí của lớp chất lượng cao của trường chúng tôi thu 1 triệu đồng/tháng, có phụ huynh nào có ý kiến đâu”. 

Trường tư thu học phí cao ngất ngưởng, phụ huynh bức xúc - 3
Ngoài việc phải nộp học phí quá cao, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản tiền khác.

Trả lời cho câu hỏi: Vì sao không phải là trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao nhưng nhà trường vẫn dán Quyết định 40 trước cửa vào lớp. Cô hiệu phó cho rằng làm như vậy là để các phụ huynh biết là các trường khác đều thu với mức như thế. Và cô không quên khẳng định, ban đầu mặc dù mức thu 540 nghìn đồng bị một số phụ huynh phản đối nhưng cuối cùng thì hầu hết phụ huynh đều tán thành.

Bằng chứng của sự “đồng lòng” của các phụ huynh mà cô hiệu phó đưa ra là biên bản họp phụ huynh đầu năm học. Thế nhưng trong hầu hết các biên bản này đều chỉ ghi một cách chung chung: “100% phụ huynh nhất trí”, “tất cả các phụ huynh đồng ý các khoản nộp mà nhà trường đưa ra”. Dưới mỗi biên bản họp lớp mà cô phó hiệu trưởng cho rằng đã có sự đồng ý của phụ huynh về mức học phí cao ngất ngưởng này ngoài chữ ký của giáo viên chủ nhiệm và thư ký thì không có bất cứ một chữ ký nào của phụ huynh chứng tỏ họ đồng ý với mức thu mới này.

Ngoài khoản thu học phí, các phụ huynh của trường phải nộp các khoản thu khác như tiền bảo vệ xe 15.000 đồng/tháng, hội phí 100.000 đồng, tiền xã hội hóa giáo dục 300.000 đồng, bảo hiểm thân thể 50.000 đồng, tiền ăn 25.000 đồng/ngày. Ngoài ra còn có một số khoản thu được ghi dưới cái tên “phụ huynh đề nghị” như học thứ bảy 18.000 đồng/ngày, tiền phục vụ sáng 25.000 đồng/tháng, học năng khiếu (họa, múa) 50.000 đồng/tháng, học tiếng Anh 550.000 đồng/khóa.

Trường tư thu học phí cao ngất ngưởng, phụ huynh bức xúc - 4

Vì không muốn con phải thay đổi môi trường mới, nhiều phụ huynh phải "è cổ" nộp học phí cao hơn rất nhiều so với các trường khác.

Các phụ huynh còn cho biết, trước khi bước vào năm học mới họ đã phải đóng tiền điều hòa, máy phát điện, đồ dùng học tập... Mặc dù đã thu tiền xã hội hóa giáo dục và tính riêng khoản điều hòa, đồ dùng học tập nhưng nhà trường vẫn bắt học phí “gánh” thêm các khoản chi xây dựng cơ sở vật chất này? Cô Hải Anh lý giải: “Các khoản thu đó không đủ để chi. Hơn nữa tăng học phí nên thu nhập của GV tăng lên đáng kể, từ tháng 9/2011 lương của các cô giáo đã tăng lên 2,5-4 triệu đồng”.

Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị được xem bảng lương mới, cô hiệu phó cho biết do kế toán đang nghỉ việc nên chưa áp dụng mức lương mới(?). Theo ước tính, với gần 500 học sinh thuộc các lớp, nhóm trẻ thì mỗi tháng nguồn thu từ học phí của trường này xấp xỉ 270 triệu đồng. Với 30 giáo viên và 39 cán bộ, nhân viên toàn trường thì mức thu học phí này sẽ đủ trả lương cho GV với mức gần 4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng theo phản ánh của các GV thì hiện tại GV ở đây chưa được áp dụng mức lương mới, trong khi mức lương cũ giao động từ 1,3 - gần 3 triệu đồng.

Ngoài việc khẳng định việc tăng học phí lên mức 540 nghìn đồng/tháng là hợp lý, người đại diện Ban giám hiệu Trường MN Họa My cho biết sẽ giữ nguyên mức thu này, không thay đổi. Trong khi chất lượng giáo dục chưa được cam kết nâng cao thì gần 500 phụ huynh thuộc 14 lớp trong sẽ tiếp tục phải è cổ ra “gánh” mức học phí trên trời này.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm