Trường tiên tiến: Chọn em này, đẩy em còn lại đi đâu?
(Dân trí) - Sĩ số ít, điều kiện học tập tốt hơn, chuẩn giáo viên cao hơn.... Băn khoăn về sự bất bình đẳng ngay trong môi trường công lập vẫn là một câu hỏi lớn với mô hình "tư nằm trong công" này.
Đến các trường thực hiện mô hình tiên tiến tại TPHCM, có thể dễ dàng nhìn thấy về sự khác biệt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lớp học, sân chơi. Sĩ số ít, sân chơi rộng và nhiều tiêu chí về học tập của học sinh (HS) có thể nói cũng khác biệt so với điều kiện quá tải chung.
Theo quyết định của UBND TPHCM về trường tiên tiến, mỗi trường tùy từng cấp học sẽ có những tiêu chí riêng từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Như ở tiểu học, 100% giáo viên đạt chuẩn và 70% giáo viên trên chuẩn; giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt trình độ B2. Tiếng Anh dạy theo hướng giúp các đạt chuẩn quốc tế, có giáo viên nước ngoài giảng dạy.
Ở mầm non, diện tích sân chơi được quy hoạch, thiết kế phù hợp, có vườn cây dành riêng cho trẻ chăm sóc. Sân vườn có ít nhất 10 loại thiết bị và đồ chơi, có khu chơi giao thông và sân khấu ngoài trời. Số lớp trong một trường không quá 30, số HS trong mỗi lớp không quá 30.
Theo thông tin của Phòng Giáo dục tiểu học, các trường thực hiện theo mô hình tiên tiến được đầu tư sơn sửa khang trang, các phòng chức năng có các trang thiết bị khá đầy đủ, sĩ số 30 HS/lớp, HS được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ 2 tiết/tuần cùng nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ...
Không chỉ HS ít hơn mặt bằng chung, thiết bị, cơ sở vật chất..., theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, chất lượng đội ngũ của giáo viên ở mô hình tiến tiến cũng đòi hỏi cao hơn.
Về kinh phí trường thực hiện mô hình tiên tiến, thu thỏa thuận để đảm bảo các hoạt động của trường tiên tiến nhưng tổng mức thu không quá 1,5 triệu đồng/HS/tháng.
Với sự khác biệt nhất định, trường tiên tiến từng được nhiều người ví von là "trường tư trong trường công" hay có người thẳng thắn nói "biến trường công thành trường tư.
"Gạn đục khơi trong"
Khi thực hiện mô hình trường tiên tiến, quản lý đều nhấn mạnh trước hết phải đảm bảo chỗ học cho con em. Tuy nhiên, trong điều kiện chung của thành phố thiếu trường lớp, sĩ số cao thì rõ ràng, cơi nới cho nơi này thoáng, sĩ số ít thì có nghĩa nơi khác sẽ chật đi, sĩ số tăng lên. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa trường này và trường khác, trường đã khó lại thêm chật vật khi tiếp nhận thêm HS.
Nhiều HS được lợi khi học mô hình tiên tiến thì ngược lại, nhiều em, nhiều gia đình cũng phải chịu thiệt thòi nếu không đủ điều kiện theo học. Nhiều trường hợp đúng tuyến, gần nhà nhưng do trường thực hiện mô hình tiên tiến, thu tiền cao, không thể theo học nên HS phải theo học trường khác xa hơn, bất tiện hơn.
"Chúng ta chọn học sinh tốt, có điều kiện học tại trường mô hình tiên tiến thì các em còn lại học ở đâu?" - ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Bình Chánh
Chưa kể, ngoài việc tuyển sinh HS đủ điều kiện về tài chính, các trường tiên tiến tại TPHCM cũng đề xuất không tiếp nhận HS khuyết tật, chậm phát triển... Việc "gạn đục khơi trong" toàn diện này, chắc chắn sẽ dồn khó khăn sang các trường khác, không riêng gì về sĩ số.
Trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM về mô hình trường tiên tiến, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Bình Chánh, tại địa bàn các trường đều áp lực sĩ số, việc điều tiết HS từ trường A để thực hiện mô hình tiền tiến sang trường B là rất khó, các trường cũng không có sức chứa. Chưa kể, địa bàn rộng, việc đi lại xa xôi rất khó khăn cho học sinh.
"Để thực hiện được mô hình trường tiên tiến ở địa bàn, chúng tôi trả lời câu hỏi mình chọn HS tốt, có điều kiện học tại đây thì các em còn lại học ở đâu? Muốn thực hiện, buộc phải xây thêm trường", ông Dũng nói.
Phải chấp nhận sự ưu tiên
Chính vì áp lực này, nhiều địa bàn ở TPHCM khá e dè trong việc thực hiện mô hình trường tiên tiến, nhiều nơi xin... khất. Đến nay, ở tiểu học, toàn thành phố chỉ có 13 trường thực hiện mô hình tiên tiến. Hai năm nay, chỉ có thêm 1 trường ở Thủ Đức đăng ký mô hình tiên tiến.
Học sinh tiểu học tại trường thực hiện mô hình tiến tiến ở TPHCM
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, các địa bàn chỉ thực hiện mô hình trường tiên tiến khi đảm bảo đủ chỗ học cho HS.
Theo ông Hiếu, trường học nào cũng mong muốn đạt tiên tiến, hiện đại. Nhưng áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất nên Sở tham mưu với thành phố việc chọn một số nơi ở các quận huyện thực hiện để một nhóm đi trước, ưu tiên cho một số bộ phận để thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến, chứ chưa thể thực hiện cả thành phố.
Sau 5 năm thực hiện mô hình này, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, Sở sẽ có báo cáo tổng kết lên UBND thành phố. Qua đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp từ thực tế thực hiện.
Hoài Nam