Trường THPT công lập đầu tiên được tự chủ và tuyển dụng ra sao?
(Dân trí) - Từ ngày 5/1, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) là trường THPT công lập đầu tiên được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.
Sau thời gian dài được tự chủ về tài chính, đến nay, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) tiếp tục là trường THPT công lập đầu tiên được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề án tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của Trường THPT Phan Huy Chú.
Theo đó, sau 12 năm tự chủ tài chính, trường này được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023.
Căn cứ chương trình, kế hoạch dài hạn đã được phê duyệt, hiệu trưởng nhà trường được thành lập Hội đồng trường và trình Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt, quyết định kế hoạch biên chế, sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại trường.
Nhà trường cũng được xây dựng phương án tuyển dụng viên chức với các tiêu chí về số lượng, chức danh nghề nghiệp, điều kiện, hình thức và thời gian tuyển.
Việc điều động, biệt phái luân chuyển hay chấm dứt hợp đồng làm việc với giáo viên THPT hạng II trở xuống và những người có chức danh tương đương cũng thuộc quyền quyết định của hiệu trưởng.
Hiệu trường cũng được quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, hoặc nâng lương trước thời hạn, kéo dài thời gian nâng lương với viên chức và người lao đồng hợp đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc trường tự chịu trách nhiệm tuyển dụng và tiếp nhận viên chức, lao động hợp đồng.
Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó xác định rõ số lượng cần tuyển của từng ngạch, chức danh nghề nghiệp, điều kiện tiêu chuẩn, hình thức, thời gian tuyển dụng.
Hiệu trưởng tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức theo đúng quy trình, quy định hiện hành của pháp luật.
Đặc biệt, Hiệu trưởng trường này được tổ chức các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học trong lĩnh vực GD&ĐT và các hợp đồng kinh tế khác, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
Trường được chủ động quyết định việc vay vốn, huy động vốn, góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức xã hội hóa khác nhau để mở rộng cơ sở vật chất… đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Chia sẻ về niềm vui này, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường đã cảm ơn các cơ quan chức năng đã tin tưởng, thông qua và phê duyệt phương án tự chủ của nhà trường.
Điều này cũng khẳng định, nhà trường có đủ năng lực để đón nhận thêm những nội dung tự chủ mới.