Bài 3:
Giải pháp xóa bỏ cơ quan chủ quản để đại học được tự chủ đúng nghĩa
(Dân trí) - Nếu như các trường ĐH được giao các quyền tự chủ đầy đủ, toàn diện thì chắc chắn vai trò của CQCQ sẽ không còn nữa, cái "vai trò" ấy sẽ tự biến mất, không cần một quyết định hành chính nào.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục về tiến trình thực hiện tự chủ đại học hiện nay trong việc từng bước xóa bỏ cơ quan chủ quản để đại học được tự chủ đầy đủ và toàn diện.
Bài 1: Vì sao cơ quan chủ quản và trường đại học chưa muốn "buông" nhau?
Bài 2: Tự chủ đại học: 8 nguyên nhân chưa thể dỡ bỏ "cái áo" cơ chế chủ quản
Vai trò cơ quan chủ quản sẽ tự biến mất khi trường đại học được tự chủ toàn diện
Tự chủ là thuộc tính của trường đại học (ĐH) và tự chủ hóa ĐH là thực hiện một bức dân chủ hóa trong quá trình xây dựng đất nước.
Quá trình tự chủ hóa ĐH cũng là một quá trình xã hội hóa vì Hội đồng trường (HĐT) của các trường ĐH công lập là một thiết chế thay mặt nhà nước (qua vị đại diện của CQCQ trong HĐT) và các cộng đồng xã hội thực hiện quản trị trực tiếp trường ĐH, đồng thời HĐT còn là một thiết chế của dân chủ cơ sở, khi trong thành phần của nó có đại diện cán bộ viện chức, đội ngũ các nhà giáo, người lao động và người học.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tự chủ là quyền của các trường ĐH được tự quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển ĐH mà không bị ràng buộc bởi các quy định bên ngoài, điều này khác hoàn toàn với tự lo. Nhưng tự chủ cũng không có nghĩa là tự do.
Để tự chủ ĐH thành công, ngoài việc xây dựng và thực hành các quy chế quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục (CSGD), thì vấn đề mang tính quyết định là cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng khung pháp lý phù hợp, thiết kế qui tắc giám sát, hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ và khả thi cho xã hội và cho nhà nước theo các chỉ số "đầu ra cơ bản" mà CSGD cam kết hoặc được nhà nước giao hay đặt hàng.
Thay vì kiểm soát "đầu vào" như cách chúng ta đang làm, nhà nước chỉ giám sát kết quả "đầu ra" của CSGD, tạo lập môi trường minh bạch và trách nhiệm giải trình cho các CSGD và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với công việc của nhà trường; và qua đó đánh giá, phân loại, xếp hạng các trường ĐH, làm tiêu chí cho việc đầu tư các nguồn lực cho CSGD trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.
Khi quá trình tự chủ ĐH được phát triển đến mức độ nào đó, thì đương nhiên vai trò của CQCQ sẽ không tồn tại. Nên việc để hay xóa cơ chế chủ quản phụ thuộc vào việc thực hiện tự chủ ĐH như thế nào.
"Nếu như các trường ĐH được giao các quyền tự chủ đầy đủ, toàn diện thì chắc chắn vai trò của CQCQ sẽ không còn nữa, cái "vai trò" ấy sẽ tự biến mất, không cần một quyết định hành chính nào" - một chuyên gia giáo dục đại học cho biết.
Khi đó, việc có xóa hay không xóa cơ chế chủ quản không có khác gì nhau vì thực chất quyền đó không còn tồn tại. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có quyền duy nhất là kiểm tra, giám sát các tuyên bố và cam kết của các trường thông qua tạo dựng môi trường pháp lý minh bạch để việc kiểm tra, giám sát do một cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát về mặt chuyên môn (đó không phải là việc của cơ quan quản lý nhà nước) thực hiện, đảm bảo khách quan, trung thực và minh bạch.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ lo về xây dựng mới, sửa chữa, bổ sung, nâng cấp khung pháp lý hiện hành, quy hoạch, khảo thí, thanh tra và những vấn đề khác về chất lượng giáo dục.
Sau khi vai trò của CQCQ không còn, các trường sẽ tự chủ về quản trị. Mỗi trường có một mô hình quản trị khác nhau, không nên quy định một mô hình quản trị "đồng phục" như các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay. Khi đó, CSGD mặc nhiên là một pháp nhân độc lập, hoạt động của họ chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật, theo tuyên bố và cam kết của chính CSGD.
Lưu ý thêm là, "cơ quan chủ quản" và "cơ chế chủ quản" là hai khái niệm, hai phạm trù khác nhau.
Nâng cao năng lực thực sự cho Hội đồng trường
Đến nay, việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản gần như chưa triển khai được, khiến HĐT rơi vào tình cảnh có cũng như không, và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các CSGD.
Việc tồn tại CQCQ nghĩa là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền, làm cho các HĐT đã thành lập buộc phải hoạt động như một tổ chức tư vấn.
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thì cần đánh giá toàn diện tự chủ ĐH ở VN thời gian qua làm cơ sở cho việc đổi mới chính sách; Đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống pháp lý về Tự chủ đại học.
Theo đó, điểm mấu chốt của lộ trình xóa bỏ cơ chế chủ quản là nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của HĐT và phù hợp với "thể trạng" của từng CSGD.
GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, về mặt thiết kế hệ thống, cần có tổ chức đảng, và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường ĐH, làm sáng tỏ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa ba thiết chế đảng ủy, HĐT và ban Giám hiệu; gỡ 'điểm nghẽn' này theo hướng giao thực quyền cho HĐT.
"Nếu không giải quyết được mối quan hệ giữa đảng ủy - HĐT thì hoặc là vẫn cần CQCQ, hoặc là khẳng định vai trò quản trị ĐH thuộc về đảng ủy, và như vậy thì không nhất thiết phải có HĐT trong cơ cấu tổ chức của CSGD. Và bất kể sử dụng mô hình nào, điều tối quan trọng là luật hóa để đảm bảo "khoảng trời tự do" đủ rộng dành cho tự chủ và bảo vệ những người dám đi tiên phong trong việc đưa tự chủ đại học vào cuộc sống" - GS Viên nhấn mạnh.
Giải pháp trên xuất phát từ quan niệm trường ĐH công lập thuộc sở hữu công, quyền sở hữu đó được giao cho đại diện của nó là HĐT. Do đó, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế HĐT, xác định đúng vai trò của HĐT thì không cần đến cơ chế bộ chủ quản và cũng không còn trường trực thuộc nữa.
Mặt khác, HĐT chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế chủ quản được xóa bỏ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ngày nay, tổ chức HĐT chỉ thích hợp và cần thiết khi lựa chọn cơ chế điều phối tự quản; theo cơ chế này, chủ sở hữu của trường ĐH công lập là chủ sở hữu cộng đồng, không phải chỉ có cơ quan chủ quản mà còn có giáo chức, cán bộ nhân viên, sinh viên, nhà tài trợ, cựu sinh viên, các nhà hoạt động có uy tín ngoài xã hội,... Rõ ràng là, nếu tuân theo cơ chế này thì sẽ không còn khái niệm "CQCQ".
Tuy nhiên, để xóa bỏ cơ chế chủ quản còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, rất cần được tháo gỡ và định hướng. Muốn vậy, trong Luật và các văn bản dưới Luật cần phải làm rõ mối quan hệ chủ quản và trực thuộc cũng như vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên.
Những quy định không rõ ràng là căn nguyên cho mâu thuẫn và những cách diễn giải sai lệch về cơ chế này; ví dụ như, không phải ai cũng có thể trả lời đúng khái niệm "người đứng đầu" CSGD là ai trong các văn bản pháp quy hiện nay của nhà nước.
Việc giao quyền tự chủ cho các CSGD cũng phải khác nhau, trên cơ sở rà soát, đánh giá xem HĐT của CSGD đó đã thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường hay chưa thông qua sứ mệnh, trách nhiệm, các hoat động và hiệu quả thực tế của tổ chức này.
Các thành viên HĐT phải thực sự là những đại diện ưu tú từ cộng đồng xã hội chứ không phải kết cấu cho đủ thành phần. Chỉ xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với những trường có HĐT thực sự mạnh, đủ năng lực gánh vác sứ mệnh của nó trong tiến trình tự chủ ĐH; như vậy chưa thể xóa được vai trò của CQCQ với các CSGD còn chưa đủ năng lực và điều kiện "ra ở riêng".
Tự chủ càng lớn thì trách nhiệm giải trình càng cao
GS Trần Đức Viên cho rằng, cần tăng phân quyền, giao thêm quyền cho CSGD. Các trường được tự quyết chương trình giảng dạy, tự kiểm định chất lượng.
Trách nhiệm giải trình của các trường là bắt buộc để cân bằng với quyền tự chủ, khả năng tự chủ tới đâu thì trách nhiệm giải trình tới đó, quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm giải trình càng cao.
Về nhân sự, Bộ chủ quản xem xét và phê chuẩn kết quả bầu chức danh chủ tịch HĐT; các chức danh quản lý, lãnh đạo còn lại, từ HT trở xuống, giao HĐT thực hiện. Các trường ĐH có quyền chủ động trong cơ chế sàng lọc cán bộ, viên chức, từ đó mới có thể tạo sự cạnh tranh, thi đua thực sự, tránh sự chây ì, "sáng vác ô đi tối vác về".
Cơ quan chủ quản, cần phải làm rõ mối quan hệ giữa HĐT và cơ quan quản lý có thẩm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn xóa bỏ cơ chế chủ quản. Nếu áp dụng ngay việc bỏ cơ chế chủ quản và trao quyền quản trị và lãnh đạo trường ĐH cho HĐT trong khi HĐT còn chưa đủ mạnh, thậm chí là vừa non vừa yếu, sẽ rất dễ hình thành nhóm lợi ích kiểm soát hoạt động của nhà trường.
Đồng thời, cân nhắc thận trọng việc kiêm nhiệm các chức vụ bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐT và hiệu trưởng.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay đang tồn tại một thực tế: Có CSGD 3 vị trí lãnh đạo, quản trị và quản lý chủ chốt là bí thư, chủ tịch HĐT, hiệu trưởng do 3 người đảm nhiệm, có trường bí thư kiêm hiệu trưởng, có trường bí thư kiêm chủ tịch HĐ, có CSGD một người nắm giữ luôn cả 3 vị trí này.
Nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất, giao quyền tự chủ, xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản cũng cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, của từng ngành nghề và năng lực của từng CSGD, không nên và không thể xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đồng loạt cho tất cả các CSGD.
Tự chủ ĐH là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia, là vấn đề lớn, mới và khó, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, nên rất cần những con người dũng cảm, có tinh thần sáng tạo, dám dấn thân vì khát vọng đổi mới.
Quá trình tự chủ ĐH ở Việt Nam tuy mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và đúng quy luật.
Những cái mới, cái chưa có tiền lệ cần phải được nhìn nhận hết sức cẩn trọng, vì lợi ích chung của tiến trình tự chủ ĐH, tránh tình trạng chỉ thấy cây mà quên mất rừng, muốn chặt bỏ cây này, cấy ghép cây kia trong cách hành xử của cơ quan chủ quản đối với nhà trường, tránh gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội và trong hệ thống các trường ĐH về tự chủ ĐH, tạo điều kiện cho tự chủ ĐH phát triển đúng hướng.
Nhà nước cần dứt khoát đoạn tuyệt với tư duy ban phát, đánh đổi, ra điều kiện với CSGD trong việc giao quyền tự chủ cho họ. Tự chủ là bản chất của GDĐH, việc nhà nước trao quyền, phân quyền cho CSGD chỉ nên dựa vào điểm mấu chốt là năng lực thực sự của HĐT; không nên dựa vào mức độ tự túc tài chính để quyết định mức độ tự chủ - quan điểm này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường của GDĐH:
Thay vì theo đuổi mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi, không ít trường lại mải mê lo tuyển sinh là chính, tăng đầu vào để có thể 'tự bơi' được khi nguồn kinh phí cấp phát từ nhà nước không còn nữa, dẫn đến tình trạng tuyển sinh 'tháo khoán', thay vì cần phải tập trung vào học thuật, đổi mới sáng tạo, thương hiệu hay uy tín…