Trường nghề biến nguy cơ Covid-19 thành cơ hội chuyển đổi số
(Dân trí) - Hệ thống giáo dục nghề nghiệp khó khăn đủ bề khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động phải chuyển sang hình thức online. Nhưng trong "nguy" có "cơ", hoàn cảnh buộc trường nghề thay đổi để thích ứng.
Tuyển sinh khó, dạy càng khó hơn
Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB&XH TPHCM, năm 2021 là một năm có nhiều biến động đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến hoạt động, đặc biệt là công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng cho rằng, Covid-19 khiến các trường nghề không thể triển khai công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp như mọi năm. Trong khi đó, các trường nghề có rất ít kinh phí để thực hiện truyền thông tuyển sinh bằng các hình thức như báo chí, truyền hình…
Vì vậy, hầu hết các trường nghề đều không tuyển đạt chỉ tiêu đề ra. Thống kê năm 2021 trên địa bàn TPHCM cho thấy, công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở GDNN chỉ đạt hơn 60% chỉ tiêu.
Tuyển sinh đã khó mà giảng dạy càng khó hơn khi định hướng của ngành GDNN là dạy kỹ năng với 70% thời lượng đào tạo là thực hành. Mọi hoạt động giáo dục trong giai đoạn này phải chuyển qua hình thức online trong khi điều kiện nhân lực, vật lực của nhiều cơ sở GDNN chưa sẵn sàng. Các trường đủ tài chính để chuẩn bị cũng gặp khó khăn.
Thạc sĩ Châu Minh Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu chia sẻ, nhà trường đã chuẩn bị rất kỹ về trang thiết bị phục vụ dạy trực tuyến, tổ chức nhiều buổi đào tạo giáo viên các kỹ năng liên quan nhưng vẫn gặp rất nhiều trở ngại khi triển khai thực tế.
Giáo viên thì chưa có kinh nghiệm dạy trực tuyến, chưa hiểu rõ phương pháp truyền đạt hiệu quả, thiết kế bài giảng chưa rút gọn được kiến thức trọng tâm, còn nặng nề về lý thuyết nên học sinh tiếp thu kém…
Còn với học sinh - sinh viên thì phần lớn chỉ dùng điện thoại để học tập nên không phù hợp để xem các hình ảnh minh họa chi tiết; chưa có kinh nghiệm học trực tuyến; nhiều em ở các vùng có đường truyền internet rất kém; việc học trực tuyến ít tương tác cũng khiến các em nhàm chán, không hứng thú học tập, khó tiếp thu…
Theo bà Lương Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt, những bất cập của học trực tuyến khiến phụ huynh ít tin tưởng cho con em theo học nghề, có em đã đăng ký nhưng phụ huynh chưa cho nhập học, có em rút hồ sơ chuyển trường, có em học vài ngày thì nghỉ, có em học online nhưng không chịu đóng học phí…
Trong "nguy" có "cơ"
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - chia sẻ: "Trong năm 2021 có tới 8 tháng phải học trực tuyến là một khó khăn, mất mát lớn đối với các trường cao đẳng nói riêng và cả hệ thống GDNN nói chung".
Tuy nhiên, trước những khó khăn đó, các trường buộc lòng phải thay đổi để thích nghi và nhiều trường nhanh chóng bắt kịp, chuyển đổi hình thức hoạt động dạy và học, điều hành mọi hoạt động của trường sang hình thức trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ.
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc cho biết: "Nhà trường đã đầu tư và ứng dụng nhiều hệ thống phần mềm vào hoạt động đào tạo, hệ thống dạy học trực tuyến, đưa các mô hình ảo, các bản thiết kế điện tử vào giáo trình online để sinh viên thực hành được trên máy... Vô hình trung, chúng ta lại có thêm một bước tiếp cận công nghệ 4.0 và chuyển đổi số".
Thạc sĩ Châu Minh Hiền cũng nhận định, tình thế Covid-19 bắt buộc các trường phải tìm cách thay đổi cho phù hợp. Các trường liên tục tổ chức các cuộc họp nội bộ và liên trường để tìm kiếm các giải pháp, mô hình hay nhằm duy trì công tác đào tạo trong tình thế học online mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Hoạt động trao đổi, nghiên cứu mô hình đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo GDNN chưa bao giờ diễn ra sôi nổi như năm 2021. Công tác nghiên cứu học thuật, sinh hoạt chuyên môn trở thành nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy tại từng trường.
Cũng trong tình thế đó, hầu hết các cơ sở GDNN đều nhận ra vị trí quan trọng của công nghệ trong hoạt động đào tạo nên bắt đầu chi nhiều kinh phí hơn cho trang thiết bị công nghệ, ứng dụng phần mềm vào hoạt động quản trị, đào tạo, truyền thông…
Theo ông Đặng Minh Sự, Covid-19 mang đến nhiều khó khăn, nhưng trong "nguy" luôn có "cơ", những đơn vị kịp thời thay đổi để thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số thì vẫn tuyển sinh tốt, đào tạo chất lượng và bứt phá lên phía trước trong hệ thống GDNN.
Tuy nhiên, TS Hoàng Văn Phúc cho rằng, dù các trường có ứng dụng nhiều công nghệ để dạy online nhưng đặc trưng của GDNN là kỹ năng, phải dạy thực hành 70% thì việc học online 100% là không khả thi.
Thạc sĩ Châu Minh Hiền cũng đồng tình, ông đề nghị các trường nên xem xét lại việc triển khai chương trình đào tạo, không phải tất cả đều online 100% mà nên có sự kết hợp giữa dạy online và giảng dạy trực tiếp.
Do đó, TS Hoàng Văn Phúc kỳ vọng trong năm 2022, với tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, các trường sẽ được dạy trực tiếp trở lại. Khi đó, các trường phải tính toán lịch đào tạo cho hợp lý, xoay vòng các lứa sinh viên để cho các em đi thực tập, đến với doanh nghiệp...
TS Hoàng Văn Phúc chia sẻ: "Mấy tháng qua, các trường cũng sắp xếp lại chương trình đào tạo, chọn lựa các học phần lý thuyết trước, các phần thực hành sẽ tiến hành sau tết Nguyên đán…".